Hoạt động đánh cồng đầu năm diễn ra thường niên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính - Ảnh :
Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán cho phép người sở hữu có quyền bán hoặc mua tài sản tài chính cơ sở (thường là cổ phiếu, chỉ số,...) tại một mức giá được xác định trước, vào hoặc trước một thời điểm được xác định.
Chứng quyền có bảo đảm do các định chế tài chính (thường là các ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán) phát hành và được niêm yết, giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm.
Theo thông tin HoSE, chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tham gia giao dịch đặc biệt là tại các thị trường Châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc...
SSC cho biết chứng quyền có bảo đảm được phân thành ba loại : Căn cứ vào quyền của người nắm giữ (chứng quyền mua và chứng quyền bán), căn cứ thời điểm thực hiện quyền (chứng quyền kiểu Châu Âu và chứng quyền kiểu Mỹ), căn cứ vào phương thức thực hiện quyền (phương thức chuyển giao vật chất và thanh toán bằng tiền).
Trong giai đoạn đầu, Bộ Tài chính dự kiến triển khai sản phẩm chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu Châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền.
Chứng quyền sẽ được tổ chức phát hành đăng ký chào bán với SSC. Sau khi được chứng nhận đăng ký chào bán, tổ chức phát hành thực hiện chào bán, phân phối cho nhà đầu tư.
Toàn bộ số chứng quyền được phép chào bán sẽ được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và niêm yết tại HoSE.
Vào ngày đáo hạn, trường hợp chứng quyền ở trạng thái có lãi, tổ chức phát hành phải thanh toán bằng tiền khoản chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện quyền cho nhà đầu tư.
Theo nhận định từ phía HoSE, chứng quyền góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên thị trường chứng khoán vốn.
Vì chứng quyền không giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tài sản cơ sở của chứng quyền là cổ phiếu đơn lẻ nên chứng quyền sẽ giải quyết bài toán "hết room", thu hút dòng vốn ngoại, nâng cao thanh khoản cho thị trường.
Nói về chứng quyền, SSC nhận định : "Sản phẩm chứng quyền bán (put warrant) được giao dịch trên thị trường sẽ xóa tan các định kiến về thị trường chứng khoán Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường giao dịch một chiều. Khi giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư ồ ạt mua vào, khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư bán tháo như một cách nhấn chìm giá của thị trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận