05/08/2024 07:13 GMT+7

Chứng khoán tuần mới: Đoạn 'khó' nhất đã qua, yếu tố nào cần quan tâm sắp tới?

Theo chuyên gia, dù tâm lý, dòng tiền ngắn hạn có thế nào, sự phục hồi kinh tế vững chắc luôn là nền tảng quan trọng cho thị trường chứng khoán.

Tuần qua, khối ngoại và tự doanh mua ròng mạnh, trong khi cá nhân bán ròng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuần qua, khối ngoại và tự doanh mua ròng mạnh, trong khi cá nhân bán ròng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ba yếu tố cần quan tâm với thị trường chứng khoán Việt Nam

* Ông Huỳnh Hoàng Phương - cố vấn mảng quản lý gia sản của FIDT:

- VN-Index vừa trải qua đợt điều chỉnh giảm khoảng 5% sau khi chạm vùng 1.300 điểm vào giữa tháng 6.

Đây chỉ là các đợt điều chỉnh mang tính ngắn hạn bình thường của thị trường và thường VN-Index đều có vài đợt điều chỉnh trên 5% trong một năm.

Nếu nhìn rộng hơn, chỉ số vẫn sẽ giữ được xu hướng tăng trong trung hạn với kịch bản cơ sở cho thấy có thể đạt mốc 1.350 điểm vào cuối năm.

Tuy nhiên, để ra một quyết định đầu tư đúng đòi hỏi cân nhắc nhiều yếu tố và phụ thuộc vào việc nhà đầu tư chọn trường phái đầu tư với khẩu vị rủi ro phù hợp.

Với giai đoạn từ đây đến cuối năm, nhà đầu tư dù theo trường phái nào cũng nên cân nhắc ba yếu tố sau đây để hỗ trợ trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Thứ nhất, nhà đầu tư cần quan tâm từ sự phân hóa định giá đang lớn trên thị trường và kịch bản quý 3 thị trường dễ sideways (xu hướng không rõ ràng) và phân hóa. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu/ngành nghề có kỳ vọng tăng trưởng từ nội tại các doanh nghiệp hơn là giao dịch ngắn hạn trong quý 3.

Ông Huỳnh Hoàng Phương - Ảnh: NVCC

Ông Huỳnh Hoàng Phương - Ảnh: NVCC

Yếu tố thứ hai là giao dịch của khối ngoại, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 55.000 tỉ đồng và nhà đầu tư cá nhân là bên chính đã cân đối lại lượng bán khối ngoại, đi kèm với đó là cho vay margin của các công ty chứng khoán đã tăng lên mức kỷ lục trong quý 2.

Dù động thái bán ròng của khối ngoại đã giảm dần trong hơn 1 tuần trở lại đây nhưng nhà đầu tư cũng cần theo dõi xu hướng giao dịch của khối ngoại trong nửa cuối năm. Đà bán ròng mạnh tiếp theo của khối ngoại (nếu có) sẽ không tốt cho thị trường.

Yếu tố thứ ba mà nhà đầu tư cần quan tâm sắp tới là diễn biến kinh tế Mỹ và xác suất suy thoái khi dữ liệu về thu nhập và việc làm gần đây của Mỹ cho thấy dấu hiệu suy yếu. Nhà đầu tư sắp tới nên quan tâm đến yếu tố này hơn là kỳ vọng chỉ từ động thái của Fed.

Nếu kinh tế Mỹ suy yếu và nguy cơ suy thoái xảy ra cao, dù Fed có hạ lãi suất nhanh thì các thị trường chứng khoán vẫn sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Nếu xác suất suy thoái cao thì cũng sẽ khiến các đánh giá VN-Index lệch khỏi kịch bản cơ sở nêu trên.

Đoạn "khó" nhất của thị trường chứng khoán đã qua?

* Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC:

- Tâm lý thị trường đang giai đoạn "yếu", do đó việc đưa ra quan điểm thế nào cũng rất dễ gây tranh luận.

Tuy nhiên theo tôi có hai câu hỏi quan trọng trong tuần mới: Thứ nhất, thị trường toàn cầu có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam hay không? Thứ hai, liệu VN-Index có "gãy" ở vùng 1.200 không?

Với câu hỏi thứ nhất, tất nhiên ảnh hưởng tâm lý sẽ có nhất định trong những phiên đầu tuần, nhưng nếu không có thêm những diễn biến tiêu cực mới, chứng khoán thế giới sẽ không quá tiêu cực và không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.

Ông Bùi Văn Huy - Ảnh: NVCC

Ông Bùi Văn Huy - Ảnh: NVCC

Bởi lẽ, những cú giảm sâu cuối tuần qua chủ yếu mình nghĩ là câu chuyện của chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận chứng khoán Nhật Bản đã lập đỉnh lịch sử mới và dù đã điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần hay một tháng trở lại đây nhưng thực sự đã tăng rất nhiều trong thời gian qua.

Về xu hướng khối ngoại, đợt bán ròng tại Việt Nam đã qua cao điểm và do đó chứng khoán trong nước khả năng trở nên ít biến động bởi những yếu tố tiêu cực bên ngoài hơn (nếu những yếu tố đó không ảnh hưởng đến nội tại trong nước).

Chúng ta có thể thấy rõ ràng khối ngoại, tự doanh vẫn mua ròng khá mạnh các phiên cuối tuần dù thị trường chứng khoán khu vực giảm mạnh.

Vậy liệu VN-Index có giảm về 1.200 điểm hay không? Tôi vẫn lạc quan. Bối cảnh trong nước vẫn nhiều điểm sáng, cả về kinh tế và những bất ổn khác dần qua đi. Các số liệu vĩ mô vẫn cho thấy kinh tế phục hồi tích cực, vững chắc.

Dù tâm lý, dòng tiền ngắn hạn có thế nào, sự phục hồi kinh tế vững chắc luôn là nền tảng quan trọng cho thị trường. Nếu kể ra những điểm tồn đọng đương nhiên vẫn sẽ còn, nhưng về tổng thể, giai đoạn khó nhất đã qua đi.

Ba câu chuyện lớn sẽ tạo động lực cho thị trường trong nửa cuối năm, bao gồm: chính sách tiền tệ, đà phục hồi kinh tế và nâng hạng thị trường chứng khoán.

Chứng khoán tuần mới: Tìm lợi nhuận ngắn hạn không dễChứng khoán tuần mới: Tìm lợi nhuận ngắn hạn không dễ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng thị trường đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp