28/05/2012 11:40 GMT+7

Chứng khoán tháng 5: hồng và đen

HÀ QUÝ (chuyên gia phân tích)
HÀ QUÝ (chuyên gia phân tích)

TTO - Bắt đầu chuyển mình khởi sắc mạnh kể từ sau tết, sự trỗi dậy của thị trường chứng khoán đã thổi vào các nhà đầu tư trung thành một luồng sinh khí mới sau suốt một thời gian dài đắm chìm trong trạng thái “ngủ đông”.

HOaN879X.jpgPhóng to
Để tự bảo vệ mình, nhà đầu tư càng phải thận trọng hơn trong các quyết định mua bán hiện nay - Ảnh minh họa: HỒNG NHỰT

Màu hồng

Nhiều nhà đầu tư cũ “dính hàng” trước đây đã có cơ hội lớn để thay da đổi thịt, cơ cấu lại danh mục và gỡ gạc được một phần nào số tiền đã bốc hơi trong năm 2011. Trong khi đó, sân chơi này cũng đã đón rước nhiều “cầu thủ” mới tham gia thị trường, và chính những người “trẻ măng” này là những nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận nhiều nhất trong thời gian qua.

Khi đi sâu phân tích các yếu tố tạo nên sự đột phá của thị trường trong các tháng đầu năm 2012, rất dễ dàng nhận ra rằng sự trỗi dậy mạnh của thị trường chứng khoán phần lớn là do niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế vĩ mô của VN và thế giới đã bị chính các nhà đầu tư cường điệu hóa.

Thật vậy, vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012, lạm phát VN đang ở mức khá cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khác đã và đang phải oằn mình gánh chịu mức chi phí lãi vay cao, số doanh nghiệp phá sản và xin ngừng hoạt động liên tục gia tăng.

Điều cần phải nhấn mạnh là doanh nghiệp VN có đặc điểm chung là không có tiền, theo thống kê, khoảng 80-90% vốn hoạt động của doanh nghiệp xuất phát từ nguồn đi vay ngân hàng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8-5-2012, VN-Index chốt phiên ở mức 488,07 điểm, tăng 15,2%, HNX-Index chốt phiên ở mức 83,64 điểm, tăng 21,8% so với thời điểm cuối tháng 2-2012. Đây là mức điểm số cao nhất mà các chỉ số này đạt được kể từ cuối năm 2011 đến nay.

Chính vì điều này mà khi lãi suất tăng cao đã làm nhiều doanh nghiệp bế tắc, sản xuất đình trệ dẫn đến hệ lụy là phá sản hàng loạt. Trong bối cảnh trên, thị trường chứng khoán đã vươn mình đứng dậy sau thời gian dài “ngủ đông” với niềm tin mãnh liệt của nhiều nhà đầu tư là Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất về mức thấp.

Nhà đầu tư đã được như nguyện vọng là lãi suất ngân hàng sau đó là liên tục điều chỉnh giảm. Thực tế này đã giúp dòng tiền liên tục đổ vào chứng khoán, và trong hơn 3 tháng đầu năm 2012, cổ phiếu được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhất bởi vì khả năng tạo ra lợi nhuận liên tục của hàng hóa này.

Hố đen

Trong khi đắm mình trong men chiến thắng, phần lớn nhà đầu tư chỉ nhìn vào 2 yếu tố được xem là màu hồng đó là lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả và lãi suất giảm mạnh, nhưng phần lớn các nhà đầu tư đã cố tình hoặc vô tình lờ đi nhiều “hố đen” nguy hiểm khác mà kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô VN đang phải đối mặt.

Rủi ro thứ nhất chính là những bất ổn lớn đang tồn tại chưa được giải quyết ổn thỏa của chính sách vĩ mô VN. Việc lạm phát liên tục giảm xuống, chứng tỏ khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhưng đằng sau những con số giảm đó thì như thế nào? Chỉ số hàng tồn kho vào ngày 1-4-2012 tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó chỉ tiêu này vào năm 2011 chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2011, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Qua đó cho thấy lạm phát được kiểm soát thấp liên tục là do sức mua bị giảm mạnh, hàng sản xuất ra không tiêu dùng được dẫn đến hàng tồn kho cao. Thực tế này nếu kéo dài thêm sẽ dễ đẩy nền kinh tế VN vào giai đoạn đình trệ, khó khăn hơn.

Lãi suất đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng âm, thực trạng này cho thấy doanh nghiệp hiện vẫn chưa thật sự tiếp cận được với nguồn vốn vay. Gần 5 tháng đã đi qua nhưng doanh nghiệp hiện vẫn đang trọng tình trạng “khát vốn” và như thế tình hình hoạt động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

“Hố đen” nguy hiểm thứ hai đến từ những diễn biến kinh tế phức tạp của các quốc gia châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công tại các quốc gia vùng Eurozone đã chuyển biến tiêu cực hơn nhiều trong tháng 5-2012 khi nguy cơ rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu của Hi Lạp lên cao. Đây sẽ là một thực trạng nguy hiểm cho tương lai của các quốc gia EU cũng như đồng tiền chung châu Âu. Đến thời điểm giữa tháng 5-2012, nợ công của Ý đã lên mức 1.946 tỉ euro, đây là mức cao kỷ lục (chiếm 120% GDP) và là mức cao nhất thế giới hiện nay. Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng của Ý, Tây Ban Nha đều bị Tổ chức Moody’s hạ bậc tín nhiệm tín dụng trong tháng 5.

Như vậy, nếu như tình hình kinh tế châu Âu càng tệ hơn thì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế nhiều quốc gia khác, và như thế đây sẽ là một rủi ro lớn mà thị trường chứng khoán VN không thể xem thường.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào VN liên tục sụt giảm, lũy kế 4 tháng đầu năm 2012, FDI vào chỉ đạt 4.267,1 triệu USD, chỉ bằng 68,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Thực trạng này làm chúng ta đặt vấn đề là giá trị mua ròng trên thị trường chứng khoán VN trong các tháng đầu năm 2012 có phải là dòng tiền mới vào (FII) hay là lượng tiền còn lại của các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia trước đây hay là “bình” ngoại nhưng “rượu” Việt như nhiều người từng đặt nghi vấn.

Trên cơ sở những phân tích trên, để tự bảo vệ mình, nhà đầu tư càng phải thận trọng hơn trong các quyết định mua bán hiện nay khi thị trường đang vận động trong một không gian bị bao phủ bởi các “hố đen” nguy hiểm.

HÀ QUÝ (chuyên gia phân tích)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp