VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 9 năm nay ở mốc 1.258,28 điểm, tăng hơn 46 điểm (xấp xỉ 3,9%) so với mức đóng cửa tuần trước.
Chuyển động dòng tiền tuần qua
Giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn tuần này đạt gần 26.000 tỉ đồng, giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn là mức cao. Điều này cho thấy tâm lý tích cực của thị trường.
Điểm tích cực khác, đà bán ròng khối ngoại dần thu hẹp. Dữ liệu trên Fiintrade, tính riêng giao dịch khớp lệnh tuần này khối ngoại bán ròng 63 tỉ đồng, trong khi tuần trước "xả" hơn 2.240 tỉ đồng.
Tuần này, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng khớp lệnh 1.237 tỉ đồng. Nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh cùng vị thế bán ròng, lần lượt khớp lệnh 1.161 tỉ đồng và 13 tỉ đồng.
Về tỉ trọng phân bổ, tuần này dòng tiền tăng vào bất động sản, hóa chất, dầu khí…, còn giảm ở ngân hàng, xây dựng, thép…
Nếu xét theo quy mô vốn hóa, dòng tiền tuần qua đã giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30 trong khi tăng lên ở nhóm vừa và nhỏ.
Cụ thể tỉ trọng giá trị giao dịch ở nhóm vốn hóa lớn VN30 giảm về 43,2% từ mức cao 45,1% trong tuần liền trước. Trong khi đó, tỉ trọng vốn hóa vừa và nhỏ tăng lên lần lượt là 44,3% và 8,8%.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục hỗ trợ cho chứng khoán
Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng thị trường chứng khoán năm nay sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn như tỉ giá sẽ ổn định hơn, mặt bằng lãi suất thấp.
Theo chuyên gia TPS, mức tăng so với đầu năm của tỉ giá tại ngày 20-2-2024 là 1,1%, thấp hơn so với mức tăng so với đầu năm của chỉ số DXY với 2,1% (chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh).
Trong năm 2024, tỉ giá vẫn được kỳ vọng sẽ ổn định hơn năm 2022 và 2023 khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất và thị trường xuất khẩu của Việt Nam phục hồi, TPS dự báo.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023 kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi của chỉ số VN-Index.
Vừa qua, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng mạnh kể từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán và kéo dài sau Tết. Có thời điểm lãi suất qua đêm cao hơn so với kỳ hạn 3 tháng trở xuống cho thấy thanh khoản trong ngắn hạn đang có sự căng thẳng tạm thời.
Tuy nhiên, báo cáo TPS cho biết lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm nhẹ xuống còn 3,85% vào ngày 22-2 và dao động quanh vùng 3,5 - 3,85% trong tuần này.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức âm 0,6% trong tháng 1-2024, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013.
Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng tín dụng quá nhanh ở những tháng cuối năm 2023, cầu tín dụng thấp do đầu tư và sản xuất kinh doanh chưa phục hồi mạnh mẽ.
TPS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ sớm được phục hồi trong thời gian tới do có nhiều yếu tố hỗ trợ như: bối cảnh vĩ mô khá tích cực, Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho toàn hệ thống ngay từ đầu năm.
"Trong bối cảnh tín dụng giảm, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động làm cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống. Điều này sẽ thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỉ suất sinh lợi cao hơn", TPS nhận định.
Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 264.000 tỉ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh ghi nhận 237.000 tỉ đồng, tăng gần 82%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận