Thị trường chứng khoán lao dốc trong bối cảnh khối ngoại giảm mua ròng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vừa mở cửa phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần này, nhà đầu tư lập tức dồn dập bán cổ phiếu, khiến các chỉ số chứng khoán chính chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 22 điểm, xuống mốc 1.016 điểm, sau đó tiếp tục giằng co.
Với áp lực bán mạnh, cổ phiếu VHM (Vinhomes) đang dẫn đầu top 10 mã giảm điểm gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số của sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Song song đó, nhiều cổ phiếu khác chung ngành bất động sản cũng bị rớt giá, bao gồm: VRE (Vincom Retail), NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt), CEO (Tập đoàn C.E.O), DIG (Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng)…
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng như TCB (Techcombank), VPB (VPBank), CTG (VietinBank), MBB (MBBank), BID (BIDV)… cũng bị rớt giá, gây ảnh hưởng đến tình hình chung.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khác cũng chịu cảnh cổ phiếu bị giảm điểm, điển hình như HPG (Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MWG (Thế giới di động)...
Dù không chiếm ưu thế, nhưng việc một số cổ phiếu như VCB (Vietcombank), SAB (Sabeco), VNM (Vinamilk), HVN (Vietnam Airlines), PVD (Phát triển điện lực Việt Nam), S4A (Thủy điện Sê San 4A)… tăng giá, cũng góp phần nào giúp kìm hãm đà giảm của thị trường chung.
Trừ ngành thực phẩm - đồ uống vẫn ghi nhận được sức mua yếu ớt, chỉ số cổ phiếu của tất cả các ngành còn lại như ngành thiết bị điện, tài chính khác, bán lẻ, sản xuất nhựa - hóa chất, chứng khoán, chế biến thủy sản, khai khoáng, sản xuất hàng gia dụng, sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng, bất động sản, xây dựng, bán buôn, bảo hiểm, ngân hàng… đều bị rơi xuống mức âm.
Đội ngũ phân tích chiến lược của Chứng khoán SSI cho biết, trong phiên hôm nay chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.031 - 1.029 điểm.
Nếu vẫn duy trì tốt trên khu vực này, VN-Index sẽ duy trì xu hướng đi ngang trong kênh giá hiện tại. Ngược lại nếu xâm phạm vùng hỗ trợ này, VN-Index sẽ mở rộng đà điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần là 1.000 điểm.
Chứng khoán Yuanta đưa ra nhận định: "Áp lực bán trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu gia tăng". Theo đó, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên sẽ tiếp tục đi ngang và dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho thấy vị thế mua mới vẫn có rủi ro cao trong ngắn hạn.
Dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà giảm trong phiên giao dịch gần nhất (19-12), trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq có hiệu suất kém nhất do ảnh hưởng từ nhịp hồi phục của lợi suất trái phiếu. Đồng thời, tâm lý của người mua nhà suy giảm trong tháng này do lãi suất thế chấp cao ảnh hưởng đến khả năng chi trả.
Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa -0,5% và đồ thị giá giảm về gần đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, đồ thị giá giảm vào vùng quá bán ngắn hạn và chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm vào vùng bi quan quá mức cho thấy đồ thị giá của chỉ số này có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong vài phiên tới.
Theo nhận định từ chuyên gia của Yuanta, xu hướng ngắn hạn của ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn duy trì ở mức giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận