01/10/2023 14:20 GMT+7

Chứng khoán ngắt mạch tăng 4 tháng, điều gì khiến nhà đầu tư thận trọng?

VN-Index kết thúc tháng 9-2023 ở mốc 1.154,15 điểm, giảm 69,9 điểm (tương đương giảm 5,71%) so với tháng 8 trước áp lực chốt lời sau 4 tháng liên tiếp. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán lo trước việc thanh khoản giảm.

Cầu vẫn ở trạng thái thận trọng, thị trường chứng khoán cuối tháng 9 giảm về quy mô thanh khoản - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Cầu vẫn ở trạng thái thận trọng, thị trường chứng khoán cuối tháng 9 giảm về quy mô thanh khoản - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Tháng 9, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hằng ngày trên cả 3 sàn chứng khoán đạt 24.400 tỉ đồng, tăng hơn 76% so với trung bình 10 tháng. Con số này chỉ thấp hơn 11% so với thanh khoản giai đoạn VN-Index lập đỉnh.

Áp lực chốt lời chứng khoán xuất hiện ở hầu hết ngành chủ chốt 

Tuy nhiên, 3 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở mức khá thấp, đạt hơn 18.600 tỉ đồng, giảm gần 50% so với mức cao nhất trong tháng và giảm 30% so với bình quân tháng.

Dữ liệu Fiintrade cho thấy nhà đầu tư cá nhân tăng quy mô mua ròng so với tháng trước. Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh và lực bán ròng của các quỹ ETF ngoại là không đáng kể.

Cụ thể, tính riêng khớp lệnh, nước ngoài bán ròng hơn 5.200 tỉ đồng, tổ chức trong nước bán ròng hơn 840 tỉ đồng, tự doanh bán ròng 463 tỉ đồng. Còn nhà đầu tư mua ròng qua khớp lệnh hơn 6.500 tỉ đồng.

Về xu hướng phân bổ dòng tiền, trong tháng 9, áp lực chốt lời xuất hiện ở hầu hết các ngành chủ chốt như bất động sản, chứng khoán, thép, ngân hàng sau chuỗi tăng điểm diễn ra trong nhiều tháng, khiến chỉ số giá các ngành cùng giảm điểm.

Ngoại trừ chứng khoán và thép, các ngành còn lại không thu hút được thêm dòng tiền vào.

Trong khi đó, một số ngành có quy mô vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng điểm mạnh được hỗ trợ bởi thanh khoản cải thiện tích cực, bao gồm vận tải thủy, cảng biển, hóa chất, dệt may, bán lẻ.

Xét theo nhóm vốn hóa, tỉ trọng giá trị giao dịch giữa các nhóm vốn hóa trong tháng 9 gần như không thay đổi so với tháng 8 liền trước. Cụ thể, nhóm vốn hóa vừa VNMID tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất (44,7%), tiếp đến là nhóm vốn hóa lớn (39,5%) và nhỏ (10,4%).

Điều gì đang đeo đẳng tâm lý nhà đầu tư?

Tâm điểm đáng chú ý được cho có tác động đến thị trường chứng khoán gần đây là việc Ngân hàng Nhà nước quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 100.000 tỉ đồng.

Câu hỏi được đề cập khá nhiều là liệu đây có phải là tín hiệu đầu tiên cho chu kỳ thắt chặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước?

Bà Thái Thị Việt Trinh - chuyên gia SSI Research - cho rằng phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, không đồng nghĩa với việc sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.

Bà Trinh còn cho rằng việc thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu này còn có thể được coi là tích cực, thay vì Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.

"Đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm nay, nghiệp vụ này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ", bà Trinh nhấn mạnh.

Vậy việc hút tín phiếu này sẽ kéo dài trong bao lâu? Theo bà Trinh, có thể sẽ đến khi tổng khối lượng tín phiếu phát hành đạt mức 130.000 đồng và yếu tố cần quan sát là diễn biến của mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Chuyên gia SSI cũng cho biết thị trường chứng khoán đã phản ứng khá mạnh với thông tin này trong tuần qua. Tuy nhiên, SSI cho rằng VN-Index về vùng gần 1.100 điểm là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn mua vào các cổ phiếu có triển vọng phục hồi tích cực từ quý 4-2023 và năm 2024.

Cũng trong tuần cuối tháng 9, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin quan trọng khác như công bố GDP, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng...

Theo chuyên gia Chứng khoán SHS, tăng trưởng GDP quý 3 có sự cải thiện hơn các quý trước là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, GDP 9 tháng tăng 4,24% thì việc đạt mục tiêu cả năm 6,5% gặp rất nhiều thách thức.

Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ánh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi. Nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

"Trong ngắn hạn nhịp điều chỉnh và tích lũy trở lại của thị trường có thể còn kéo dài, các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục với tỉ trọng thấp và thận trọng bởi các nhịp hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật", chuyên gia Chứng khoán SHS khuyến nghị.

Nhà đầu tư dè dặt, thanh khoản chứng khoán ở mức thấp nhất gần 3 thángNhà đầu tư dè dặt, thanh khoản chứng khoán ở mức thấp nhất gần 3 tháng

Theo chuyên gia, cơ hội trên thị trường chứng khoán hiện vẫn chưa rõ ràng, nhiều yếu tố mang tính rủi ro, do vậy nhà đầu tư có tâm lý dè dặt, thanh khoản giảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp