Nhưng dư luận vẫn băn khoăn khi mỗi bên đều đưa ra "lý lẽ" của mình. Lỗi do ai cần phải làm rõ, nhưng nhà đầu tư một lần nữa lại chịu thiệt khi chứng khoán "mất điện".
Dù sự cố chỉ xảy ra cục bộ của một số công ty, thời gian không quá dài nhưng trong hệ thống giao dịch lại có thêm một lỗi mới đó là trục trặc do... điện.
Trước đó là những lỗi do hệ thống giao dịch bị quá tải, gián đoạn có lúc lặp đi lặp lại. Trong giao dịch chứng khoán, cơ hội hay "cơ hại" đều tính theo giây chứ không phải theo giờ hay theo phút.
Giao dịch chứng khoán của một số nhà đầu tư bị gián đoạn do... điện là sự cố khó hiểu, thậm chí khó giải thích. Bởi lẽ, ngay thời đầu con người sử dụng máy tính cá nhân đã tính đến "cục lưu điện" để tránh mất dữ liệu.
Vì vậy, giờ đây, cả xã hội đã bước vào kỷ nguyên số, việc duy trì điện cho máy tính, cho hệ thống lưu trữ dữ liệu là điều đương nhiên với nhiều kỹ thuật cực cao, nhiều tầng, nhiều nấc và nghiêm ngặt. Vậy mà sự cố vẫn xảy ra!
Cũng có thể cho rằng vẫn phải chấp nhận những sự cố trong trường hợp bất khả kháng. Điều này đúng, nhưng chỉ thuyết phục khi trước đó chất lượng dịch vụ do nhà quản lý sàn chứng khoán đã làm hài lòng nhà đầu tư.
Cũng đừng cho rằng thị trường chứng khoán còn "non trẻ" nên khó tránh khỏi vấp váp. Vì chúng ta đang nỗ lực chứng minh sàn chứng khoán Việt Nam là điểm sáng thu hút vốn của nhà đầu tư.
Những sự cố loại này ở hệ thống giao dịch chứng khoán cứ "lù lù" diễn ra bất kể nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán cùng các cơ quan liên quan khác nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường.
Có nâng hạng thị trường chứng khoán, chúng ta mới thu hút được vốn và nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu giao dịch cứ còn "chập chờn" kiểu này đều ảnh hưởng đến sức hấp dẫn chung của cả thị trường.
Chẳng ai được đền bù sau những sự cố giao dịch như đã từng diễn ra. Nhưng xét về mặt kinh tế thì xã hội đang thiệt hại rất lớn.
Chúng ta đang muốn có một thị trường chứng khoán đủ tầm, thu hút được nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển kinh tế thay vì mọi doanh nghiệp ra làm ăn đều phải gõ cửa ngân hàng.
Thế nhưng cho đến nay, ngân hàng vẫn là nơi cung cấp vốn chính cho nền kinh tế. Gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế tưởng đã được trao lại cho thị trường chứng khoán thì nay vẫn đè nặng lên vai ngân hàng. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần làm rõ vì sao chứng khoán... "mất điện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận