Ngày 21-4, HoSE gửi thông báo khẩn đến các công ty chứng khoán kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch mới chuẩn bị cho triển khai chính thức.
Các công ty chứng khoán cho biết đang tích cực phối hợp với các sở theo kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch mới (KRX).
Theo đó, chậm nhất ngày 30-4, các công ty sẽ kiểm tra giao dịch trên hệ thống của mình với hệ thống mới của sở thông suốt như ngày giao dịch bình thường.
Kỳ vọng thanh khoản chứng khoán sôi động hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Anh - giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB (KBSV) - cho biết khi hệ thống KRX được vận hành sẽ đem đến những thay đổi cơ bản cho thị trường.
Trước hết thanh khoản có thể cải thiện, tăng tốc độ xử lý lệnh và bớt nỗi lo nghẽn lệnh như đã từng xảy ra thời điểm 2020-2021.
Ngoài ra, hệ thống KRX sẽ cho phép nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T+1) ngay từ thời điểm ban đầu, giúp đẩy nhanh vòng quay vốn trong hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư.
Tại các thị trường đã cho phép bán chứng khoán chờ về như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 5 năm qua luôn đạt xấp xỉ 0,3% tổng vốn hóa thị trường.
Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân trên vốn hóa của Việt Nam là 0,23%.
Do vậy ông Anh kỳ vọng khi hệ thống KRX đi vào hoạt động ổn định có thể giúp giá trị giao dịch trung bình 1 phiên của VN-Index tiến dần về mức 0,4% vốn hóa thị trường, tương đương với mức tăng 30 - 70% so với thanh khoản trung bình 5 năm gần đây.
Ông Bùi Văn Huy, giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC, cũng cho rằng thanh khoản sẽ cải thiện hơn khi KRX "chạy" chính thức nhưng sẽ khó có sự "đột biến".
Bởi thanh khoản ở một số thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan... hiếm khi thị trường có giá trị giao dịch quá 0,5% vốn hóa/ngày, dù các thị trường này đều áp dụng T+0 và có đầy đủ sản phẩm.
Nhìn lại thị trường Việt Nam, ông Huy cho biết vốn hóa của HoSE trên 4-5 triệu tỉ đồng, thanh khoản hiện tại hơn 20.000 tỉ đồng, không phải là mức thấp.
Chưa kể hoạt động giao dịch bằng đòn bẩy của nhà đầu tư Việt Nam đã diễn ra rất sôi nổi. Dư nợ margin cuối quý 1-2024 đã ở mức kỷ lục...
Thêm sản phẩm mới, tăng lựa chọn cho nhà đầu tư
Không chỉ là vấn đề xử lý tốc độ lệnh, theo ông Trần Đức Anh, KRX là "điều kiện cần" để đa dạng hóa sản phẩm, hình thức đầu tư như nghiệp vụ bán khống, các hợp đồng quyền chọn...
Với hệ thống hiện tại, nhiều sản phẩm mới không thể triển khai, hạn chế lựa chọn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên theo ông Anh, trong ngắn và trung hạn, hệ thống KRX nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vận hành các nghiệp vụ cơ bản, đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
Ngoài ra T+0 hay bán khống theo kinh nghiệm triển khai ở các nước, chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu nhất định về quy mô giao dịch.
"T+0 hay bán khống đều có thể khiến thị trường biến động mạnh. Thị trường Việt Nam có tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân quá lớn, có tin đồn là giảm rất mạnh.
Trong khi đó việc biến động quá lớn sẽ không tốt tới tâm lý chung thị trường. Với các thị trường phát triển, có tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức lớn, tính ổn định cao hơn.
Vấn đề áp dụng hay không sẽ được nhà điều hành cân nhắc, xem xét cẩn trọng", ông nói.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng cho rằng trong dài hạn, việc triển khai thêm các sản phẩm mới, đa dạng hóa hình thức đầu tư sẽ kích thích thị trường và tăng thanh khoản.
Hệ thống KRX cho phép triển khai "T+0", nếu áp dụng sẽ tăng tốc độ vòng quay dòng tiền, cải thiện thanh khoản. Và hệ thống KRX là điều kiện cần để triển khai bán khống (short selling).
Giám đốc một công ty chứng khoán khác cho biết ở thời điểm hiện tại, quy mô thị trường đã cải thiện hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, xu hướng áp dụng robot vào giao dịch ngày càng phát triển.
Vị chuyên gia kỳ vọng khi hệ thống mới đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý sẽ cho phép dùng robot đặt lệnh chứng khoán tần suất lớn, đáp ứng yêu cầu tất yếu thị trường.
Mong không lỗi hẹn lần nữa
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết tới thời điểm này, việc thử nghiệm cũng như xử lý các tình huống giả định đều được sở giao dịch chứng khoán và công ty kết hợp "mượt mà".
"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ khó khăn hay trục trặc nào trong suốt quá trình kiểm tra", ông Phương nói.
Tuy nhiên, sau khi HoSE có thông tin chính thức về ngày "go live", nhiều nhà đầu tư vẫn sợ lần nữa "mừng hụt".
Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP.HCM thông tin trong văn bản khẩn gửi các thành viên thị trường ngày 21-4, HoSE cũng cho biết đến cuối ngày 30-4, dựa vào kết quả kiểm thử Cutover test, HoSE sẽ thông báo triển khai chính thức hệ thống giao dịch mới.
"Trong trường hợp không triển khai chính thức, các công ty chứng khoán chủ động chuẩn bị hệ thống để tiếp tục giao dịch trên hệ thống giao dịch hiện tại" - vị lãnh đạo công ty chứng khoán dẫn lại một phần nội dung văn bản này.
Cũng theo vị này, cả thị trường "mong ngóng", không ai muốn có thêm sự trì hoãn nào nữa.
Ngoài ra, do là hệ thống mới nên thời gian đầu vẫn có thể xuất hiện những sự cố ngoài mong muốn.
Hệ thống KRX và những lần lỡ hẹn
KRX là hệ thống công nghệ thông tin điều hành và quản lý giao dịch trên thị trường chứng khoán của Hàn Quốc, được HoSE ký kết chuyển giao công nghệ với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào tháng 12-2012.
Gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin này có trị giá khoảng 600 tỉ đồng, HoSE là đơn vị chủ đầu tư.
Ban đầu KRX được dự kiến hoàn thành vào năm 2015, thay thế hệ thống hiện tại của Thái Lan. Tuy nhiên hết năm 2015, tiến độ KRX vẫn bỏ ngỏ.
Đến năm 2016, HoSE "tái" khởi động dự án và khẳng định sẽ hoàn thành năm 2017, cam kết sẽ hoàn thành năm 2021 nhưng cái kết không khác trước.
Trong lần gần đây nhất, hệ thống công nghệ thông tin mới được "hứa hẹn" sẽ vận hành chính thức cuối năm 2023, rồi vẫn "trễ hẹn".
Sau khoảng thời gian 9 năm trì hoãn, thông tin mới nhất từ HoSE, KRX dự kiến sẽ được vận hành chính thức vào ngày 2-5. HoSE và HNX đều đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa dự án "go live".
Hệ thống KRX đã sẵn sàng hoạt động
Ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết việc kiểm tra hệ thống KRX cơ bản đã hoàn tất những bước cuối cùng để đưa hệ thống vào "go live" đang tiếp tục diễn ra.
Theo ông Sơn, đây là một sự kỳ vọng đúng đắn của thị trường vì nó sẽ mở ra cho thị trường có thể triển khai nhiều sản phẩm mới.
Tuy nhiên, việc cho phép các sản phẩm mới đưa vào hoạt động hay không sẽ cần cân nhắc, xem xét lại khung pháp lý.
Cũng theo ông Sơn, việc triển khai sản phẩm mới còn cần xem xét sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thị trường trên cơ sở quản lý được rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngoài ra, nhà đầu tư và công ty chứng khoán cũng cần làm quen với hệ thống mới.
Đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường
Một lãnh đạo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết việc KRX được chính thức đưa vào hoạt động sẽ là tiền đề quan trọng giải quyết nút thắt ký quỹ trước giao dịch (prefunding) đối với việc nâng hạng thị trường.
KRX khi được đưa vào vận hành sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Với CCP, hoạt động thanh toán giữa các thành viên thị trường cũng diễn ra nhanh hơn, đẩy nhanh vòng quay tiền lưu thông trong hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư trên thị trường.
"Prefunding là yêu cầu quan trọng trong xét duyệt nâng hạng của các tổ chức đóng vai trò quyết định như MSCI và FTSE Russell. Gỡ được nút thắt prefunding, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận