Khô miệng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tâm lý, gây khó khăn trong ăn uống, nói, thay đổi vị giác, nhiễm trùng răng miệng….
Do lượng nước bọt tiết ra ngày càng ít, người bệnh sẽ khó nhai, khó nuốt thức ăn khô, phải chan canh hoặc dùng thức ăn lỏng. Dần dần, các rối loạn do khô miệng nặng hơn, nước bọt quánh đặc, ít đi, niêm mạc miệng trở nên đỏ, khô; lưỡi bóng và mất gai, gây đau, rối loạn vị giác, ăn không ngon miệng.
Tình trạng khô miệng khiến người bệnh phải uống nước liên tục trong ngày, nhấp nước khi nói, thậm chí thức giấc nhiều lần trong đêm để uống nước.
Hậu quả trực tiếp của tình trạng này là suy dinh dưỡng, mất ngủ, làm tăng thêm tình trạng suy nhược cơ thể. Chứng khô miệng tạo điều kiện cho sự hình thành cao răng, khiến răng chóng sâu, mau rụng và gây bệnh viêm lợi. Nó cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như nấm lưỡi, áp xe tuyến nước bọt mang tai.
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây khô miệng
- Thiếu tiết nước bọt: Người già do ít có cảm giác khát nên thường uống không đủ nước. Một số người ít uống nước do gặp khó khăn khi vận động (sau tai biến mạch máu não, mắc một số bệnh lý xương khớp) hoặc do mắc chứng đái dầm, u xơ tiền liệt tuyến (phải đi tiểu thường xuyên). Điều này khiến lượng nước bọt tiết ra bị giảm đi.
- Nuốt nhiều nước bọt: Thường gặp ở những người có bệnh lý vùng khoang miệng (khuyết răng, sâu răng, hàm giả không ổn định...) hay bị lo âu, trầm cảm.
Một số bệnh lý cũng dẫn đến khô miệng như u lympho, bệnh lý thần kinh, nội tiết hay rối loạn dinh dưỡng (như nghiện rượu mạn tính, đái tháo đường, đái tháo nhạt, thiếu máu...).
Ngạt mũi là một trong những nguyên nhân thường gặp gây khô miệng. Điều này bắt nguồn từ thành vách ngăn mũi bị lệch hoặc do không khí lạnh, do viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến tình trạng chất nhầy đóng trong mũi quá nhiều, làm nghẽn đường lưu thông của không khí vào cơ thể mũi dẫn đến bị khô miệng.
Chứng khô miệng còn xuất hiện do một số nguyên nhân khác: có thói quen thở bằng miệng (do tắc mũi); điều trị ung thư bằng chiếu xạ, dùng thuốc.
Uống quá nhiều rượu vào buổi tối cũng có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây nên cảm giác khô nẻ ở miệng vào buổi sáng.
Cách phòng ngừa
Người cao tuổi nên mặc ấm về mùa đông, uống đủ nước (6-8 cốc/ngày), súc miệng bằng nước ấm hoặc nước dấm táo.
Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp chống khô miệng và cổ họng bằng chanh và mật ong; lấy một ly nước ấm, pha một thìa cà phê nước chanh và một thìa cà phê mật ong khuấy đều uống, mỗi ngày 2 lần có tác dụng giảm đau khô và viêm họng. Cuối cùng là duy trì cuộc sống vận động, ăn uống khoa học, tăng cường thực phẩm có lợi cho cơ thể nhất là rau xanh, trái cây.
Cách khắc phục
Việc điều trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Bạn nên đi khám chuyên khoa, tư vấn nha khoa để biết được cách điều trị cụ thể.
Nếu ít nghiêm trọng có thể áp dụng phương pháp như: tăng cường uống nước, nhấm nháp nước thường xuyên để miệng ẩm, nhai kẹo cao su; tránh dùng đồ uống có chứa nhiều caffein như: cà phê, nước giải khát có gas hoặc đồ uống trộn lẫn giữa nước tăng lực với nước ngọt hoặc với rượu.
Hạn chế tối đa đồ ăn thức uống có chứa nhiều đường, mỡ và muối, không nên hút thuốc lá, không nên duy trì cách thở bằng miệng.
Duy trì phòng ngủ với nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, nếu cần có thể dùng thuốc xịt miệng để cải thiện quá trình tạo nước bọt trong miệng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận