Vòng chung khảo "" năm 2018 thu hút hơn 400 công trình, sáng kiến gửi về - Ảnh: NAM TRẦN
Trước đó ban tổ chức công bố 15 công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo, tuy nhiên công trình "Phát triển năng lực tư duy cho học sinh dạy học Lịch sử ở trường THPT" của tác giả Dương Tấn Giàu đến từ TP.HCM chưa cam kết được vấn đề bản quyền nên xin rút lui khỏi chương trình.
Vòng chung khảo "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018" tiếp tục đón các cơ quan báo chí tham dự, từ đó phóng viên sẽ có cái nhìn chi tiết về các công trình thông qua phần trình bày của từng tác giả, nhóm tác giả cũng như phần phản biện, đánh giá của hội đồng chung khảo uy tín. Nhờ sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, xã hội sẽ hiểu hơn về năng lực và tâm huyết đóng góp cho ngành giáo dục của những người trẻ.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing, Tập đoàn Thiên Long
Tại vòng chung khảo, các tác giả thuyết trình tối đa 5 phút trước Hội đồng chung khảo về công trình, sáng kiến của mình, sau đó trả lời những câu hỏi "hóc búa" của Hội đồng chung khảo.
Nhóm tác giả Phạm Quỳnh Sơn, Đinh Đức Tiến (Lai Châu) với sáng kiến "Bàn học cải tiến" mở đầu buổi thuyết trình trước Hội đồng chung khảo.
"Từ quá trình học trên lớp, bàn học đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chiếc bàn còn thô sơ, nhóm muốn cải tiến để bàn có nhiều công năng, sử dụng hơn.
Ngoài ra, khi học nhóm, thầy cô thường cho học sinh thảo luận, ghi ra bảng phụ… quá trình này tốn nhiều thời gian. Chúng em muốn khắc phục nhược điểm này và nghĩ đến bàn học cải tiến", nhóm chia sẻ về lý do triển khai sáng kiến.
Hội đồng ban giám khảo đánh giá các công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup đặt câu hỏi: "Các bạn có tính đến chi phí sản xuất chiếc bàn này, và tính năng phụ có được sử dụng thường xuyên không?".
Nhóm cho biết, dự tính giá thành là 700.000 đồng/chiếc bàn. Nếu được áp dụng vào thực tế thì các nhà sản xuất sẽ thay thế bằng các chất liệu rẻ hơn.
Phần thuyết trình hứng thú hơn khi ông Thủy đóng vai "học sinh" tham gia trò chơi của nhóm tác giả có sáng kiến "Dụng cụ học tập sử dụng các môn ở khối tiểu học". Với sáng kiến này, TS. Nguyễn Quân góp ý về việc thăm dò quy mô với giáo viên, học sinh thích thú với sáng kiến này và tính toán giá thành ra sao.
Trong khi đó, nhóm tác giả là sinh viên đến từ Trường ĐH Quốc gia TP.HCM mang đến công trình "Shub - Hệ thống hỗ trợ môi trường giáo dục thông minh" tích hợp các công cụ tiện tích, cung cấp các giải pháp hỗ trợ sinh viên, nhà trường, giảng viên.
Nhóm tác giả cho biết ứng dụng đã nhận được sự đón nhận của các trường đại học và sinh viên với 5.000 sinh viên là người dùng dùng thử ứng dụng.
Sinh viên lo lắng, đổ mồ hôi tay trước áp lực môn học… Trước tình trạng này, hai bạn học sinh Lê Thanh Nhã, Lê Huỳnh Mai Tâm, lớp 12 đến từ TP.HCM sáng tạo công trình "Nguyên nhân, tác động của hội chứng Sophophobia lên học sinh THPT và đề xuất hướng khắc phục".
Hai học sinh Lê Thanh Nhã và Lê Huỳnh Mai Tâm thuyết trình về hội chứng Sophophobia - Ảnh: NAM TRẦN
Giải pháp nhóm đưa ra là ra cuốn cẩm nang Sophophobia dùng cho giáo viên và học sinh, giao lưu với các nhà tư vấn tâm lý. Nhóm đã thực nghiệm cuốn cẩm nang tại một số Trường THPT ở TP.HCM, có nhận xét của các bạn học sinh.
Nhóm tự tin công trình sẽ được ứng dụng đến học sinh nếu được phổ biến rộng rãi. Công trình này được các chuyên gia đánh giá cao khi chính các bạn học sinh tìm hiểu, đưa ra giải pháp cho học sinh.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ bước sang năm thứ ba. Từ hơn 400 công trình, sáng kiến gửi về, ban tổ chức đã lựa chọn ra 14 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất lọt vào vòng chung khảo.
Thành viên Hội đồng chung khảo năm nay là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý giáo dục, phản biện xã hội. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên có thêm một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Hôm nay 10-11, các tác giả, nhóm tác giả lọt vào vòng chung khảo sẽ gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tối 11-11 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018. Tại đêm trao giải sẽ công bố các công trình, sáng kiến xuất sắc nhất nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn lại các tác giả lọt vào vòng chung khảo sẽ nhận được phần thưởng trị giá 10 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận