Bốn thí sinh trong trận chung kết năm nay là Hoàng Khánh, Việt Thái, Hải An và Duy Anh - Ảnh chụp màn hình
Lần đầu tiên trận đấu quan trọng nhất buộc phải dời lại đến gần 2 tháng vì dịch COVID-19, trong khi đó các "nhà leo núi" phải thích nghi với việc ôn tập online.
Trước giờ G, cả 4 thí sinh đều có những kế hoạch cho riêng mình để có thể giành được chiếc vòng nguyệt quế danh giá.
Hy hữu: 2 thí sinh cùng "mái nhà"
Năm nay, lần đầu tiên trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia góp mặt đến 2 đại diện từ các trường phổ thông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, gồm thí sinh Nguyễn Việt Thái, học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và Nguyễn Thiện Hải An, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Ở Việt Thái, khán giả cảm nhận được sự tự tin toát ra từ từng phần thể hiện cũng như phong độ vô cùng ổn định trong phần thi Tăng tốc với không ít lần là người đưa ra đáp án nhanh và chính xác nhất.
Tại cuộc thi tháng 3 quý 2, Việt Thái xuất sắc giành điểm tuyệt đối 160 điểm, kỷ lục của chương trình năm nay ở phần Tăng tốc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Việt Thái cho biết bạn đang tận dụng những khoản thời gian còn lại để củng cố những gì đã học từ trường lớp cũng như "nạp" thêm những điểm kiến thức mà bạn dự đoán nhiều khả năng sẽ xuất hiện.
Thái cũng tăng cường theo dõi tin tức, cập nhật những thông tin, diễn biến thời sự trong nước và quốc tế trước khi bước vào thi đấu.
Thái chia sẻ dịch bệnh tác động đôi chút đến những kế hoạch ôn tập vì không thể đi gặp một số người để được chỉ dạy thêm kiến thức hay đến một số nơi để học hỏi, đặc biệt là các bảo tàng.
"Nhưng quan trọng hơn cả thi đấu, mình sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc của mình với Olympia trong trận chung kết này theo cách rất riêng" - Thái nói.
Trong khi đó, Hải An giành vé vào chung kết sau chiến thắng nghẹt thở ở cuộc thi quý 3 khi chỉ hơn người về nhì đúng 5 điểm.
Dù là học sinh chuyên tự nhiên, Hải An chứng tỏ được thế mạnh với những mảng kiến thức xã hội. Bản lĩnh trong những thời khắc quyết định cũng là điều chàng trai này thể hiện. Hải An cũng đang là thí sinh đạt được tổng số điểm cao nhất trong chương trình năm thứ 21 với 410 điểm.
Theo Hải An, việc chung kết phải lùi lại so với dự kiến và lần đầu tiên tổ chức sau khi những trận đầu tiên của mùa mới đã lên sóng có thể vừa là thuận lợi cũng như bất lợi, tuy nhiên sẽ chia đều cho cả 4 thí sinh.
Dịch COVID-19 khiến An không thể gặp gỡ nhiều bạn bè, thầy cô để học hỏi thêm từ họ. An cũng không thể lên thư viện, nơi mà An luôn tìm được những thông tin, dữ liệu thú vị.
"Vì vậy mình phải nỗ lực hơn khi tự học trên Internet. Mình cố gắng hoàn thiện những lĩnh vực mình còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là về nghệ thuật" - An nói.
Sẽ có "cú đúp" cho Nghệ An?
Ba năm liên tiếp, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) có đến 2 thí sinh lọt vào trận chung kết, trong đó có thí sinh Trần Thế Trung là quán quân năm 2019. Đại diện của Trường Phan năm nay là Nguyễn Đình Duy Anh.
Cô Cao Thị Lan Thanh, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cho biết trong trường có hẳn một câu lạc bộ của các học sinh đam mê Olympia lập ra để sinh hoạt với nhau, có tên "Olympians of Phan". Cuộc thi "Beyond the Knowledge" do câu lạc bộ này tổ chức đã tạo thêm sân chơi Olympia thu nhỏ cho những bạn đam mê chinh phục kho tàng tri thức.
Bà Đỗ Thị Thanh Hà (47 tuổi), mẹ Duy Anh, chia sẻ gia đình rất vui mừng khi con trai là thí sinh trong trận chung kết. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Duy Anh chủ yếu học online ở nhà.
Ngoài thời gian học chính khóa, tranh thủ lúc rảnh rỗi Duy Anh lại đọc sách báo, tìm hiểu thêm những thông tin thời sự để củng cố kiến thức. Những lúc căng thẳng, Duy Anh chọn cách chơi rubik, cờ vua hay đánh đàn giải trí. Đặc biệt, Duy Anh chọn cách khóa trang Facebook cá nhân sau khi vào chung kết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Duy Anh nói bạn gần như không lo lắng vì đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ vòng quý.
Các thí sinh bước vào trận chung kết đều hy vọng mang về cho trường, quê hương một quán quân. "Tôi sẽ bước vào cuộc thi với quyết tâm thi đấu hết mình, để có thể trở thành quán quân thứ hai của Trường Phan và tỉnh Nghệ An" - Duy Anh nói.
Dự kiến tranh tài ngày 14-11
Thông thường, trận chung kết sẽ diễn ra trực tiếp vào chủ nhật đầu tiên sau khi phát sóng cuộc thi quý 4, tức ngày 26-9 với năm 2021.
Tuy nhiên tại thời điểm đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thời điểm tổ chức đã được dời lại dự kiến đến ngày 14-11. Ban tổ chức cho biết luôn mong muốn chung kết năm là một sự kiện mà khán giả cả nước được dịp gặp gỡ gia đình, bè bạn, các thầy cô giáo nơi 4 bạn thí sinh theo học.
Khởi đầu từ một quyết định táo bạo
Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Ninh), giành giải nhất quý 1 với tổng số điểm 375 để vào chung kết.
Đây là lần thứ 4 tỉnh Quảng Ninh có thí sinh vào đến trận đấu cuối cùng. Trong 3 lần trước, Quảng Ninh giành đến chức vô địch 2 lần vào các năm 2012 và 2018.
Cô Bùi Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Ninh), cho biết ở Hoàng Khánh luôn có một niềm đam mê rất lớn đối với các cuộc thi kiến thức, nhất là Đường lên đỉnh Olympia. Cô chia sẻ đầu năm học vừa rồi, Khánh lấy hết can đảm lên phòng hiệu trưởng gặp cô để trình bày niềm đam mê với chương trình và đề xuất được tham gia.
Nhận thấy đam mê từ cậu học trò này, nhà trường bắt đầu tạo thêm nhiều điều kiện cho Khánh học tập, ôn luyện và chuẩn bị tốt nhất. Quyết tâm và động lực ấy được Khánh giữ vững suốt từng trận đấu của mình đã qua.
Ngoài ra, Khánh tạo ấn tượng với tốc độ đọc cực nhanh khi lập kỷ lục vượt qua tất cả 17 câu hỏi ở phần thi Khởi động chỉ trong vòng 60 giây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận