Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ tư tại Vientiane (Lào) diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đang chịu tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép từ yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.
Thực tế đang đòi hỏi các nước trong lưu vực cần có sự thay đổi tư duy để hành động vì lợi ích chung.
Thách thức cho Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại hội nghị ngày 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn ra câu chuyện của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong giai đoạn 2010-2020, tổng lượng dòng chảy đã giảm từ 4-8%, trong khi các nước gia tăng sử dụng nước sông Mekong 5-12%.
ĐBSCL thường xuyên đối mặt với các đợt hạn hán lớn, hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn, 1-1,5 tháng, với cường độ lớn. Dòng chảy giảm cũng làm thay đổi chế độ lũ, giảm lượng phù sa về đồng bằng và tăng xói lở bờ sông, bờ biển.
Theo Thủ tướng, các hiện tượng trên đây được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của vùng và sinh kế của hơn 20 triệu người dân. Các chuyên gia dự báo vào năm 2040 ĐBSCL chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Ông nhấn mạnh việc cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, cũng như bộ quy chế sử dụng nước mà các bên đã đưa ra trước đó. Đặc biệt ủy hội cần phối hợp với đối tác đối thoại là Trung Quốc, Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, kịp thời thông tin đến các nước ven sông. Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Ông khẳng định thái độ của chúng ta đối với dòng sông luôn rõ ràng. Mục tiêu là vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai.
Một Mekong, một tinh thần chung
Tuyên bố chung của hội nghị tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất của các nước về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của ủy hội là một kênh ngoại giao quan trọng, là trung tâm về tri thức để nhằm đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng xã hội và lành mạnh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện hiệu quả tuyên bố chung, ông Pedro Zwahlen - đại sứ Thụy Sĩ tại Thái Lan, Campuchia và Lào - khuyến nghị cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên, khu vực hạ nguồn và thượng nguồn, các tổ chức xã hội dân sự. Thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc với ủy hội, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu.
Đồng thời, ủy hội cần có cơ chế tự cung cấp tài chính đến năm 2030, với nguồn tài trợ hợp lý hơn để duy trì hoạt động ngày càng hiệu quả.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí (viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ):
Cần sự cởi mở của các nước chung dòng Mekong trong chia sẻ dữ liệu
Tôi cho rằng đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước trong lưu vực sông Mekong là hoàn toàn có tính khả thi và thể hiện tinh thần trách nhiệm rất lớn của Việt Nam vì cái chung.
Có thể thấy hệ thống quan trắc của các nước trong Ủy hội sông Mekong đã có nhưng không bao trùm hết và không hỗ trợ tốt công tác dự báo, đặc biệt là chỉ giám sát được trong phạm vi hạ lưu sông Mekong.
Trong khi đó chương trình Eye On Earth của Mỹ dự báo được sự thay đổi tài nguyên nước, kể cả hạn hán của toàn lưu vực sông Mekong. Vì vậy rất cần có sự gắn kết và cơ chế chia sẻ dữ liệu mà các nước trong Ủy hội sông Mekong đang có với các dự án khác như Eye On Earth.
Khi có sự kết hợp đó, bên cạnh những trạm quan trắc dọc sông Mekong, có thêm ảnh vệ tinh nữa sẽ xác định được sự thay đổi dọc dòng sông, tạo ra thông tin liên tục hơn, số liệu được cập nhật tốt hơn và giúp các nước trong lưu vực có thể đưa ra những quyết sách quan trọng, hiệu quả hơn.
Để đề xuất này đi vào thực tế, theo tôi, các nước liên quan cần cởi mở hơn trong việc chia sẻ dữ liệu. Ủy hội sông Mekong phải là nơi củng cố lại được mạng lưới quốc tế của mình, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sự ra quyết định các nước trong lưu vực.
Mỗi quốc gia đều có chương trình riêng nên có thể hiểu sự khó khăn khi kêu gọi chia sẻ dữ liệu, tuy nhiên nếu Ủy hội sông Mekong có chính sách nâng cấp mạng lưới quan trắc như trên thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc nhận dạng được sự thay đổi bất thường, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp của bà con, và lớn hơn là sự sống còn của cả lưu vực sông Mekong.
CHÍ QUỐC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận