Đối với vụ án Hồ Duy Hải (Long An), dù có những phân tích khác nhau nhưng đa số ý kiến khẳng định đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Vật chứng... không liên quan đến
Trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát, đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết: “Vụ Hồ Duy Hải bị kết án về tội giết người và cướp tài sản nhưng trong quá trình khám nghiệm hiện trường không thu giữ những đồ vật liên quan đến vụ án như cái thớt, chiếc ghế inox được kết luận là hung khí gây án.
Sau này, chiếc ghế được cho là vật chứng lại hoàn toàn khác với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Có nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong phòng nạn nhân Hồng có đặc điểm (mặt tròn, da sáng, tóc cắt ngắn) tương đồng với đặc điểm của Hồ Duy Hải nhưng không được tổ chức nhận dạng.
Đây là những thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà gia đình Hải và luật sư dựa vào đó kêu oan cho Hải”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói bà không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan hay vô tội, nhưng vì những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tố tụng nên có đầy đủ cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm.
Nêu một ví dụ để chứng minh sự “vi phạm nghiêm trọng quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ”, bà Nga khẳng định: “Chiếc ghế do cơ quan điều tra thu giữ và được tòa án coi là vật chứng lại không liên quan đến vụ án”.
Đồng thời bà Nga cũng cho biết “có những chứng cứ ngoại phạm về thời gian của Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ, dẫn đến kết luận trong bản án về thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi (nơi xảy ra vụ án) chưa thuyết phục. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hồ Duy Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trong khoảng thời gian như bản án quy kết”.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ cũng cho rằng việc không xác định được mẫu máu; không trưng cầu giám định thời gian chết của nạn nhân, dẫn tới việc rất khó khăn khi chứng minh thời gian nạn nhân chết trùng hợp với thời gian Hải có mặt ở hiện trường hay không; khi tổ chức cho nhận dạng thì không có người chứng kiến; có một số lời khai của nhân chứng mâu thuẫn với lời khai của Hải nhưng cơ quan điều tra không cho đối chất...
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đoàn công tác liên ngành vẫn đang tiếp tục làm rõ một số vấn đề trong vụ án Hồ Duy Hải để báo cáo lãnh đạo Viện KSND tối cao và lãnh đạo TAND tối cao.
“Đây là vụ đang thuộc về thẩm quyền của chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao. Đề nghị các đồng chí khẩn trương kết luận và có phương án xử lý đúng pháp luật. Qua giám sát, nhóm nghiên cứu của đoàn giám sát cho rằng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng và đủ căn cứ để kháng nghị xem xét lại vụ án này” - ông Lưu nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị chánh án và viện trưởng trả lời trước Quốc hội có hay không kháng nghị vụ này.
Đề nghị tòa án có ý kiến chính thức
Dự thảo báo cáo của đoàn giám sát viết: “Vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội giết người và tội cướp tài sản đang có nhiều đơn kêu oan. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội giết người và cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan.
Tuy nhiên, vai trò của Chưởng như thế nào trong tội giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không thì chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, hành vi của Chưởng trong tội giết người”.
Vụ án này từng được viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị, nhưng hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã bác kháng nghị này. Trình bày trước đoàn giám sát, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao.
“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người” - ông Phong nói. Quan điểm này cũng trùng với phân tích của nhiều thành viên đoàn giám sát.
Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng”. Ông Hiện đề nghị TAND tối cao phải có ý kiến chính thức về vụ việc và tìm cách giải quyết, nếu không Ủy ban Tư pháp sẽ có kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một thành viên Ủy ban Tư pháp nói căn cứ vào các quy định của pháp luật thì vụ án Nguyễn Văn Chưởng không được xem xét lại nữa, tức là đã hết cách để cơ quan tiến hành tố tụng sửa sai. Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận của đoàn giám sát và ý kiến của các bên liên quan, Chủ tịch nước hoàn toàn có thể ân xá giảm án cho Nguyễn Văn Chưởng.
Nóng vội, yếu kém năng lực và đạo đức
Vẫn theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát, “công tác điều tra thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến loại án này dễ bị oan, sai”.
Ví dụ, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân để xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải dấu chân của ông Chấn mà là của Lý Nguyễn Chung), bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có hai nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi.
Vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người và cướp tài sản. Quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà cơ quan điều tra thu giữ được lại là sợi dây khác.
Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén. Các lời khai của Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn, lúc nhận tội lúc không nhận tội trong khi Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt; có người làm đơn tố giác người khác phạm tội từ năm 2000 nhưng không được xem xét, giải quyết.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, qua giám sát cho thấy các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra nhưng việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín (chỉ có điều tra viên và bị can).
“Nguyên nhân của các trường hợp mớm cung, dụ cung, bức cung, dùng nhục hình chủ yếu do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích và nhất là do yếu kém về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp” - ông Đương nói.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát sẽ tiếp tục được góp ý, hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2015.
Ông Huỳnh Văn Nén tiếp tục kêu oan
Sáng 20-3, Công an tỉnh Bình Thuận đã trích xuất ông Huỳnh Văn Nén từ trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra viên hỏi cung ông, có chứng kiến của các luật sư. Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xác nhận vào sáng cùng ngày, ông và luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn luật sư Bình Thuận) đã chứng kiến điều tra viên của Công an tỉnh Bình Thuận lấy lời khai ông Huỳnh Văn Nén tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận. “Ông Nén nói bị oan và đề nghị sớm minh oan giúp ông, trước mắt là cho ông được tại ngoại điều tra. Chúng tôi sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị cho ông Huỳnh Văn Nén tại ngoại. Ông ấy bị giam giữ 17 năm nay rồi” - luật sư Quynh cho biết. Đây là lần thứ hai các luật sư được mời tham gia chứng kiến buổi hỏi cung ông Huỳnh Văn Nén, lần đầu tiên diễn ra vào ngày 2-3. Hiện Công an tỉnh Bình Thuận đang tiếp nhận điều tra lại vụ án này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận