Trong khi có đến 62 chủng loại chó được ở cùng nhà với chủ trong HDB thì mèo chỉ được ở ngoài hành lang. Ảnh: LÊ NAM
Vấn đề này từng được đưa ra bàn trong kỳ họp quốc hội Singapore năm 2011 nhưng vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, 62 chủng loại chó, thỏ, cá, chuột hamster, chim... lại được phép sống chung với chủ hộ ở HDB thì chẳng một con mèo nào được chính quyền Singapore cho vào ở trong căn hộ cùng (nhà riêng, condo…thì thoải mái), còn lại chỉ được lang thang bên ngoài hành lang.
Tội lỗi của mèo: hay rụng lông, tiêu tiểu "mất trật tự" nơi công cộng và mùa sinh sản thì tiếng gào thét trong đêm…gây khiếp sợ cho hàng xóm.
Nuôi mèo trong nhà: phạt hơn 113 triệu
Hồi mới nhận căn hộ HDB ở Bukit Purmei tôi thấy lạ là các cửa sắt phía sau nhà tôi và nhiều nhà khác đều rào kín phần bên dưới. Hỏi ra mới biết là họ sợ mèo chui vào nhà và chẳng may bị "thánh soi" gọi điện thoại méc quan quản lý thì mệt mỏi.
Có người sau khi bị "méc" thì đi năn nỉ hàng xóm rút lại lời "méc" thì được tha, có người thì không và gánh nợ.
Dưới xích đu ở sân nhà bà Oei, hàng xóm đối diện nhà tôi hồi ở HDB Bukit Purmei luôn có một hộp nhựa đựng nước sạch và một ít thức ăn dạng viên nén dành cho con mèo mun cụt đuôi hay lui tới. Nhưng mỗi lần nó có ý tiến vào nhà thì ngay lập tức người nhà bà đóng ngay các cửa lại vì sợ phiền toái vì có thể bị phạt ít nhất 2.000 SGD (hơn 32 triệu). Thậm chí nếu có người méc ông A, có "dung dưỡng" cho con mèo ở hành lang nhà chung cư thì ông A cũng phải đóng phạt 2.000 SGD.
Hồi tháng 2-2018, cô Siti Hasmirah Hamidon đã bị tòa án Singapore tuyên phạt 6.500 SGD (khoảng 113 triệu) vì tội đã bán hai con mèo cho bạn và "lỡ" nuôi 12 con khác trong căn hộ của bạn cô ở HDB Buangkok Crescent mà không xin phép.
Thực ra chuyện xin cho con mèo được vào trong nhà với chủ đã được bàn nhiều, thậm chí có cả "Hội những người yêu mèo", "Hội phúc lợi xã hội cho mèo" lên tiếng trên mạng xã hội, gửi kiến nghị với khắp các ban ngành đoàn thể. Thậm chí vấn đề này từng được ông bộ trưởng phát triển quốc gia Tan Chuan Jin đưa ra bàn trong kỳ họp của Quốc hội Singapore năm 2011 nhưng đến nay luật là luật, không thể vi phạm.
Cũng trong tháng 2-2018, mạng xã hội ở Singapore đã "loạn cào cào" nháo nhào "share" câu chuyện người đàn ông tên Sharikin bị hàng xóm tố cáo mang 5 con mèo vào nhà. Ngay lập tức ông bị ban quản lý khu HDB gửi thư mời lên làm việc và "cho phép" ông này có 14 ngày để đưa mấy con mèo ra khỏi chung cư.
Ông này sau đó khẩn cầu cộng đồng mạng cưu mang 5 con mèo đáng thương kia kẻo ông bị đóng phạt.
Thư mời ông Sharikin đên làm việc vì bị hàng xóm tố cáo mang 5 con mèo vào nhà - Ảnh: mothership.sg
Thỉnh thoảng ở HDB người ta vẫn thấy đâu đó trong các góc tường có một hộp nước lọc rất sạch sẽ kèm theo một ít thức ăn dạng viên nén: đó là thức ăn cho mèo. Những người yêu thích mèo vẫn lẳng lặng cho mèo ăn, để chó nó cái ghế cũ có lót tí vải. Ừ, thì để ở ngoài nhà và không có ai méc ban quản lý khu chung cư HDB nên chẳng sao đừng dại mang vào nhà hay mở cửa để mèo vào nhà thì ốm đòn ngay.
Kiểm soát chặt quốc tịch người thuê
Thuê nhà chung cư ở Singapore người đi thuê có thể lựa chọn địa điểm, thương lượng giá cả nhưng ngay cả sau khi tìm được chỗ ưng ý, đồng ý với chủ nhà về giá thuê thì vẫn chưa thể dọn vào ở vì phải chờ chính quyền có đồng ý cho ở hay không.
Hồi tôi mới thuê nhà HDB Bukit Purmei cũng vậy, sau khi xem xét mọi khía cạnh, đàm phán với người môi giới và cả chủ nhà thì chúng tôi phải nộp cho họ bản sao hộ chiếu, giấy tờ tùy thân do Singapore cấp…và chờ chính quyền quản lý khu chung cư có cho thêm một gia đình VN sống ở đây không.
Người môi giới tên Garvin cho biết, chính quyền Singapore muốn kiểm soát chặt người nước ngoài đang sinh sống trong các chung cư, không muốn quá nhiều một nhóm người nước ngoài ở trong các chung cư này, nếu còn "qouta" cho người Việt Nam thì tôi được quyền thuê không thì chủ nhà có muốn cho ở cũng không được.
Garvin còn nói thêm, nếu hết thời gian thuê nhà, người thuê muốn tiếp tục thuê lại căn hộ đang ở mà "qouta" này không còn cũng phải dọn đi chỗ khác. Sau này lúc phải chuyển nhà và tìm nhà mới, gần như câu đầu tiên khi trao đổi với người môi giới tôi đều thông báo với họ mình là người Việt Nam để khỏi mất thời gian và hụt hẫng nếu không còn "quota"
Các căn hộ ở tầng trệt đều rào phần dưới cửa phòng mèo không lọt vào nhà. Ảnh chụp ở khu HDB đường Owen. Ảnh: LÊ NAM
Ở trong nhà chung cư cũng phải đảm bảo số lượng người ở trong căn hộ, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, gần đây chính phủ Singapore thay đổi hạ số người ở trong chung cư HDB xuống nhằm đảm bảo duy trì "môi trường sống có lợi" để số lượng người sử dụng các dịch vụ công cộng không quá đông. Từ 1-5, căn hộ HDB có 1-2 phòng ngủ chỉ được cho phép ở tối đa 4 người, với căn hộ ba phòng ngủ được 6 người và căn hộ có nhiều phòng ngủ hơn trước đây được cho phép 9 người giờ cũng chỉ còn 6 kể cả chủ nhà (trong trường hợp ở chung người thuê).
Chính phủ cũng buộc chủ căn hộ HDB muốn cho thuê (cả nhà hay từng phòng) phải đăng ký, xin phép cơ quan quản lý nhằm đảm bảo việc duy trì tổng số người ở trong căn hộ vì vi phạm sẽ bị phạt đến 5.000 SGD (hơn 86 triệu đồng).
Theo khảo sát cuối tháng 12-2017, của chính phủ Singapore, trong 1 triệu chủ hộ HDB có 57.000 cho thuê toàn bộ căn hộ, 73.000 hộ cho thuê một phần căn hộ của mình và cũng chỉ có 11% chủ hộ cho thuê hơn 6 người kể cả chủ hộ trong cùng một căn hộ.
Tính từ năm 2012 đến nay chỉ mới ở khu HDB Chong Pang được chính phủ Singapore cho phép thí điểm nuôi mèo trong nhà với người nhưng vẫn chưa nhân rộng mô hình này.
Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.
Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.
Ý kiến gửi về email: [email protected] (từ nay đến hết ngày 31-5).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận