Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thanh Tùng giao lưu cùng các bạn trẻ - Ảnh: K.ANH |
Mẹ Tùng, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ và ánh mắt luôn kiên nghị, là một trong những chiến sĩ đầu tiên trong tổ chức vũ trang đô thị, tiền thân của đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đội biệt động ấy đã chiến đấu trong lòng địch với điều kiện rất khắc nghiệt và các chiến sĩ hi sinh gần hết.
Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, mẹ đã cướp xe của địch, đóng làm nhân viên công tác xã hội, rồi tự lái xe đưa hàng chục chiến sĩ quân giải phóng bị thương khi đánh vào Đài phát thanh Sài Gòn về tuyến sau chữa trị. Sau những trận đánh ác liệt, di chứng để lại là bốn mảnh đạn và một viên đạn vẫn còn ghim lại trên người mẹ.
Cả gia đình đều hoạt động cách mạng, ngày mẹ Tùng nhận tin chồng và hai con trai đều hi sinh mẹ chết lặng, và khi tỉnh dậy, mẹ đứng lên quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày giải phóng. Giọng mẹ lạc đi: “Tôi nói các chú mất đi hai chiến sĩ hiên ngang, tôi mất đi hai nắm ruột. Nói rồi tôi lả đi lúc nào không hay, không biết gì nữa”.
16 năm qua, ông Nguyễn Văn Tâm, cựu chiến binh phường 11, quận 10 (TP.HCM), đã liên hệ khắp nơi tìm thân nhân đồng đội, tìm hài cốt đồng đội để họ được trở về quê mẹ, về với gia đình. Ông Nguyễn Văn Tâm nhớ lại: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tham gia chiến đấu tại sư đoàn 1 quân giải phóng, Bộ Tổng tham mưu.
Khi đơn vị chiến đấu khu vực tỉnh Kiên Giang, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống và chính tay ông chôn cốt đồng đội mình. Cả đơn vị hơn 300 người khi đi, nhưng khi về chỉ còn gần 60 người.
Bạn Nguyễn Thị Hồng Thắm, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Nghe những câu chuyện kể, tôi thêm tự hào về thế hệ cha ông và tự thấy mình phải phấn đấu hơn nữa để góp sức mình vào sự phát triển của đất nước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận