Nhiều người dân có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án lập hơn 1.200 ngôi mộ giả để chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước ở phường Hương Sơ (TP Huế) không khỏi ngỡ ngàng khi chủ tọa phiên tòa công bố thông tin trên.
Đây là phiên tòa kỷ lục ở Huế khi có đến 71 bị cáo phải hầu tòa, trong đó có 13 người từng là cán bộ, thậm chí có người là lãnh đạo của địa phương nhưng đã chấp nhận đổi chữ ký lấy vòng lao lý.
Bao làm mộ giả từ A-Z
Vụ án này xảy ra từ năm 2019, khi đó tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Chính phủ đồng ý thực hiện dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế". Để thực hiện dự án này, tỉnh phải di dời một lượng dân cư kỷ lục với hơn 4.200 hộ dân đang sống tạm bợ ở những khu ổ chuột trên Thượng Thành, Eo Bầu, các di tích bên trong kinh thành.
Việc xây dựng các khu tái định cư để phục vụ di dân tại phường Hương Sơ (TP Huế) được tỉnh ưu tiên thực hiện ngay những ngày đầu triển khai dự án. Để có đất sạch, hàng nghìn ngôi mộ tại nơi xây dựng khu tái định cư được Nhà nước di dời, cải táng đến nơi khác và trả tiền đền bù cho người dân là 1,75 triệu đồng/mộ.
Lợi dụng điều này, Nguyễn Quyền (giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hiền Đức Ngọ, kinh doanh dịch vụ mai táng) cùng hai con trai là Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Quốc Hùng đã chủ động lập hơn 1.200 ngôi mộ giả tại khu vực phường Hương Sơ để trục lợi từ tiền đền bù.
Quyền, Hiền và Hùng đã liên hệ với người dân ở đây để yêu cầu họ "khai man" rằng những ngôi mộ giả là người thân của gia đình mình. Sau đó doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ sẽ tiến hành cất bốc, cải táng như bình thường.
Mỗi ngôi mộ giả, nhóm của Quyền nhận của người dân từ 800.000 - 900.000 đồng. Số tiền này bao gồm các "dịch vụ từ A-Z" để biến một ngôi một giả thành thật như đào mộ, cất bốc, cải táng tại vị trí mới với sự đồng thuận là chữ ký, giấy tờ xác nhận của tất cả những đơn vị, người có chức vụ liên quan.
Người dân chỉ việc đưa tiền cho nhóm của Quyền và chờ giấy xác nhận đã cất bốc mồ mả, hoàn thiện hồ sơ rồi mang đi lãnh tiền bồi thường, hưởng phần chênh lệch.
"Nhắm mắt làm ngơ, nhận ngay năm chục"
Để tránh tình trạng có người trục lợi bằng việc đào mộ giả chiếm đoạt tiền đền bù, UBND TP Huế đã lập một tổ công tác bao gồm chuyên viên của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, cán bộ cảnh sát kinh tế Công an TP Huế và đại diện chính quyền địa phương (cán bộ phường và Công an phường Hương Sơ) để kiểm đếm số mộ phần ở khu vực đất tái định cư.
Biết được điều này, nhóm của Quyền đã liên hệ với một số thành viên trong tổ công tác nói trên để tổ này không kiểm tra hoặc kiểm tra qua loa rồi sau đó ký "Biên bản xác nhận di dời mộ" đối với những ngôi mộ giả.
Mỗi ngôi mộ giả, Quyền trả cho những người có chữ ký trong biên bản xác nhận nêu trên là 50.000 đồng.
Nhờ có số tiền nói trên mà việc kiểm tra cất bốc mộ giả tại thực địa hết sức đơn giản. Quyền, Hùng, Hiền chỉ đạo cho nhân viên cấp dưới cứ đào đất lên, bốc vài nắm bỏ vào tiểu sành, phủ giấy đỏ lên trên rồi đậy kín nắp lại, bỏ cạnh miệng hố mới đào. Xong xuôi sẽ gọi người của tổ công tác đến xem cho có rồi ký vào biên bản.
Qua điều tra, công an phát hiện nhóm cán bộ của tổ công tác kiểm đếm mồ mả (gồm tám bị cáo) đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 2,2 tỉ đồng.
Tổng số tiền thu lợi bất chính của nhóm này là hơn 200 triệu đồng, trong đó Nhiêu Khánh Phước Hưng (cựu chuyên viên chính của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, phụ trách nhiệm vụ di dời mồ mả) nhận hơn 63 triệu đồng, Nguyễn Anh Khoa (cựu cán bộ Đội cảnh sát kinh tế Công an TP Huế) nhận hơn 17 triệu đồng...
Ngoài chi tiền cho tổ công tác kiểm đếm mồ mả, nhóm của Quyền còn đưa tiền cho chủ tịch, phó chủ tịch, phó bí thư các phường, xã của TP Huế để xác nhận việc có mộ giả đưa từ phường Hương Sơ về chôn trên địa bàn mình quản lý.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Quý, cựu chủ tịch UBND phường Hương Thọ (trước thuộc thị xã Hương Trà, nay thuộc TP Huế), đã ký xác nhận 567 ngôi mộ giả để thu lợi hơn 122 triệu đồng. Tương tự là trường hợp ông Phan Phước Thìn (cựu chủ tịch UBND phường Hương An), đã ký xác nhận 177 mộ giả để thu lợi 8,5 triệu đồng.
Để đổi lấy chữ ký của các cựu lãnh đạo phường này, nhóm của Quyền cũng trả 50.000 đồng/mộ, thậm chí có trường hợp các bị cáo là lãnh đạo phường chỉ nhận... 15.000 đồng/mộ.
Hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam
Sau hơn 10 ngày diễn ra xét xử 71 bị cáo, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên mức án cao nhất là 10 năm tù giam đối với Nguyễn Ngọc Hải Đăng (nguyên cán bộ công an kinh tế Công an TP Huế) với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Tại tòa, Đăng chối bỏ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên bằng các chứng cứ thu thập được, tòa đã chỉ ra rằng Đăng đã nhiều lần nhận tiền để làm ngơ cho những ngôi mộ giả được tồn tại trên giấy.
Nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo xã, phường, cán bộ các cơ quan có liên quan bị kết án từ 2 đến 6 năm tù giam.
Riêng với nhóm 55 bị cáo là người dân tiếp tay cho nhóm cán bộ sai phạm, chịu đứng tên trên giấy tờ của các ngôi mộ giả thì có tám người chịu án từ 8 tháng đến 2 năm 6 tháng tù giam. Phần lớn còn lại được hưởng án treo vì đã chịu khắc phục hậu quả vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận