12/11/2015 11:25 GMT+7

Chùm ảnh "cơn ác mộng của trẻ em di cư"

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Những đứa trẻ đó dù đang độ tuổi sơ sinh hay đã mười sáu, mười bảy, đều có chung ánh mắt ngơ ngác, thất thần trong thảm cảnh di cư mịt mù hi vọng.

Chùm 11 bức ảnh của CNN về những em bé di cư khiến người xem không khỏi nhói lòng. Và thương tâm hơn là cảnh đời phía sau bức ảnh.

Đây là em bé Walaa, người Syria mới 5 tuổi. Đêm nào em cũng khóc tại khu trại tị nạn ở Lebanon. Cô bé cho biết lúc ngủ là thời gian kinh khủng nhất vì ban đêm luôn là thời khắc nhiều ám ảnh. Đó là lúc thường xảy ra các cuộc tấn công khi em còn ở quê nhà. Hằng ngày mẹ em thường phải dùng những chiếc gối làm hình ngôi nhà nhỏ để trấn an cô bé - Ảnh: CNN
Em Fatima, 9 tuổi, đang ngồi trên giường ngủ tại Norberg, Thụy Điển. Cô bé kể đêm nào cũng mơ thấy mình bị ngã khỏi tàu. Sau hai năm ở trại tị nạn tại Lebanon, Fatima cùng gia đình lên một chiếc thuyền chật ních người tại Libya để vượt biên. Trên chiếc thuyền đó, một phụ nữ sinh ra bé gái sau 12 tiếng vật lộn với cơn trở dạ dưới ánh nắng thiêu đốt. Đứa trẻ chết ngay khi sinh ra và bị ném ra ngoài mạn thuyền. Fatima chứng kiến tất cả. Khi nước biển bắt đầu tràn vào thuyền thì họ được lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cứu sống - Ảnh: CNN
Bé trai Moyad, 5 tuổi, ngủ trong một bệnh viện ở Amman, Jordan. Khi em đang trên đường cùng mẹ tới khu chợ ở quê nhà Syria thì bất ngờ một quả bom phát nổ. Mẹ em chết tại chỗ, còn Moyad được máy bay chở tới Jordan với đầy các miếng băng bó vết thương ở đầu, lưng và phần khung chậu - Ảnh: CNN
Em bé Fara, 2 tuổi, vốn rất yêu môn bóng đá. Cha em đã cố làm ra những quả bóng cho em chơi từ bất cứ vật gì ông kiếm được nhưng chúng thường không thể chơi lâu. Đêm nào cũng vậy, mỗi khi chúc các con gái ngủ ngon, bố Fara đều nói với các con về hi vọng ngày mai ông sẽ mang về cho chúng một quả bóng “xịn” hơn - Ảnh: CNN
Em Abdullah, 5 tuổi, ngủ bên ngoài một nhà ga xe lửa ở Belgrade, Serbia. Abdullah từng tận mắt chứng kiến cái chết của người chị gái tại quê nhà họ ở Daraa, Syria. Theo lời mẹ em, thằng bé vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi cảnh tượng ấy, đêm nào em cũng mơ thấy ác mộng. Abdullah mệt mỏi và có bệnh về máu nhưng mẹ không có tiền mua thuốc cho em - Ảnh: CNN
Em Shiraz, 9 tuổi, ở trại tị nạn tại Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm mới ba tháng tuổi, cô bé trải qua cơn sốt nặng để lại di chứng. Bác sĩ nói em bị bại liệt và khuyên gia đình không nên tốn tiền thuốc men cho em nữa. Rồi chiến tranh ập đến. Mẹ của em, chị Leila, bật khóc khi kể lại tình cảnh phải cuốn Shiraz vào chăn và mang em qua biên giới từ Kobani, Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào. Ở trại tị nạn, người ta cấp cho em một chiếc cũi gỗ. Em nằm đó cả ngày lẫn đêm và vẫn chưa biết nói - Ảnh: CNN
Cậu bé 13 tuổi Mohammed đang nằm tại một giường bệnh ở Nizip, Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi còn ở quê nhà Aleppo, Syria, Mohammed rất thích đi dạo quanh thành phố, ngắm nghía những ngôi nhà. Đã có biết bao ngôi nhà cậu bé yêu thích bị bom mìn phá tan tành. Nằm trên chiếc giường, Mohammed hoang mang không biết mình có thể thực hiện được giấc mơ trở thành kiến trúc sư nữa hay không. Em nói: “Điều kỳ lạ nhất về chiến tranh là bạn có thể quen với cảm giác khiếp sợ, em đã không muốn tin điều đó” - Ảnh: CNN
Bé trai Ahmed 6 tuổi đang ngủ trên nền đất tại Horgos, Serbia. Cậu bé say ngủ trong lúc những người lớn ngồi suốt đêm bàn tính kế hoạch thoát khỏi Hungary mà không phải trình diện chính quyền. Ahmed tự mang hành lý của mình trong suốt hành trình dài đằng đẵng cả nhà cuốc bộ. Người bác của em nói: “Thằng bé rất dũng cảm và thi thoảng chỉ khóc vào ban đêm”. Người bác này đã chăm sóc Ahmed kể từ khi cha em bị giết chết tại quê nhà ở miền nam Syria - Ảnh: CNN
Em bé Amir mới 20 tháng tuổi được sinh ra trong một trại tị nạn. Mẹ bé cho rằng em bị chấn thương từ lúc còn nằm trong bụng mẹ nên đã 20 tháng tuổi vẫn chưa biết nói. Trong căn lều nilông cả gia đình đang sống tại Zahle, Lebanon, Amir không có đồ chơi, nhưng cậu bé chơi với bất cứ món đồ nào kiếm được trên đất. Mẹ em nói: “Thằng bé chưa nói được tiếng nào nhưng cười rất nhiều” - Ảnh: CNN
Em Abdul Karim Addo, 17 tuổi, ngủ ở khu quảng trường Omonia tại Athens, Hi Lạp. Sau khi dốc những đồng tiền cuối cùng để mua vé phà tới Athens, Addo không còn xu nào nữa. Lúc này em đang ngủ ở nơi mà hàng trăm người tị nạn đổ tới mỗi ngày. Em chỉ có thể mượn điện thoại gọi về cho mẹ ở Syria để thông báo đã tới nơi an toàn mà không dám kể cho mẹ mọi thứ thực tế tồi tệ ra sao. Em nói: “Mẹ khóc và lo sợ cho tính mạng của em nên em không muốn làm mẹ lo thêm nữa. Bây giờ em chỉ mơ có hai điều thôi: lại được ngủ trên một chiếc giường và được ôm đứa em gái của mình” - Ảnh: CNN
Em Mahdi 1 tuổi đang ngủ rất say bất chấp việc hàng trăm người tị nạn đang leo trèo xung quanh em ở Horgos. Những người lớn đang phản đối việc chính quyền ngăn cản họ được vượt biên giới Hungary. Trong khi đó ở bên kia biên giới, hàng trăm cảnh sát đang túc trực - Ảnh: CNN
D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp