Phóng to |
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) và người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera - Ảnh: Reuters |
Tại Tokyo, ông Hagel cũng thông báo kế hoạch triển khai thêm hai tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tại Nhật vào năm 2017 để đối phó với “các hành động khiêu khích và gây bất ổn của CHDCND Triều Tiên”. Các quan chức Washington cho biết hai tàu này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của hạm đội năm tàu Aegis khác đang có mặt trong khu vực. Được trang bị hệ thống rađa tối tân để theo dõi các tên lửa, các tàu này vừa có khả năng phòng thủ cũng như khả năng tấn công. Tàu có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu từ xa.
Mới đây Nhật cũng đã triển khai một số tàu khu trục Aegis tới biển Nhật Bản sau khi CHDCND Triều Tiên bắn thử hai tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Nhật hồi tháng trước. Chính quyền Tokyo cũng đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang bắn hạ bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của Bình Nhưỡng bay vào không phận Nhật. Trước đó Mỹ đã triển khai thêm rađa cảnh báo sớm thứ hai tại Nhật, máy bay do thám trên biển P-8.
Dự kiến Washington cũng sẽ đưa máy bay không người lái Global Hawk đến Nhật. Dù ông Hagel cho biết Mỹ đưa thêm tàu khu trục Aegis đến Nhật để đối phó với nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên, giới quan sát nhận định đó cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc trong thời điểm quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang xấu đi nghiêm trọng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo New York Times, một số chuyên gia và cựu quan chức Chính phủ Nhật dự báo phía Tokyo có thể sẽ muốn ông Hagel và Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ cam kết bằng lời mà có hành động cụ thể để thể hiện quyết tâm bảo vệ Nhật. Ông Obama sẽ đến thăm Nhật cùng Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ ngày 22-4.
Lo lắng của Tokyo
Trước khi ông Hagel tới Tokyo, báo New York Times dẫn lời một số quan chức Nhật cho biết những phản ứng yếu ớt của Mỹ đối với việc Nga giành bán đảo Crimea từ Ukraine đã khiến Tokyo lo ngại.
Và Nhật lo sợ Trung Quốc cũng có thể dùng vũ lực để giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt nếu xét đến phản ứng của Mỹ. Một quan chức Mỹ tiết lộ một số quan chức Nhật đã đặt câu hỏi rằng liệu Washington có phản ứng yếu ớt như trong cuộc khủng hoảng Crimea khi “điều tương tự” xảy ra với Nhật. “Chúng tôi muốn một lời đảm bảo từ phía Mỹ” - một quan chức cấp cao giấu tên ở Tokyo khẳng định.
“Vụ Crimea khiến chúng tôi lo ngại rằng liệu Mỹ có đủ quyết tâm và sức mạnh ngăn chặn Trung Quốc hay không - New York Times dẫn lời chuyên gia an ninh Satoru Nagao thuộc Đại học Gakushuin tại Tokyo cho biết - Lầu Năm Góc đang phải cắt giảm ngân sách, Washington sẽ cần triển khai thêm lực lượng ở châu Âu. Vậy liệu Chính phủ Mỹ còn đủ sức bảo vệ đồng minh tại châu Á?”.
Có lẽ đó chính là lý do ông Hagel nhắc đến cuộc khủng hoảng Crimea trong lời cảnh báo gửi tới Trung Quốc hôm qua khi họp báo với Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera. “Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng - AFP dẫn lời ông Hagel phát biểu - Chúng ta đang chứng kiến sự thiếu tôn trọng, hành vi cưỡng bức và gây hấn, ví dụ như những gì Nga làm ở Ukraine”.
Ông Hagel nhấn mạnh các nước nhỏ cũng có chủ quyền lãnh thổ tương tự như những nước lớn. “Chúng ta không thể vẽ lại biên giới, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước bằng vũ lực, sự cưỡng bức và gây hấn, dù đó là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay các quốc gia ở châu Âu. Đó là điều tôi muốn nói với những người bạn Trung Quốc” - ông chủ Lầu Năm Góc thẳng thừng tuyên bố.
Trách nhiệm tôn trọng láng giềng
Bộ trưởng Hagel cho rằng là một cường quốc, Trung Quốc “có nghĩa vụ và trách nhiệm lớn”. Ông cho biết khi đến thăm Trung Quốc trong tuần này, ông sẽ nói với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh về việc “tôn trọng các nước láng giềng”. “Cưỡng bức và gây hấn là điều cực kỳ nguy hiểm. Chúng sẽ chỉ dẫn tới xung đột” - ông Hagel cảnh báo.
Trước đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel cũng cho rằng việc Mỹ và châu Âu cấm vận Nga vì chiếm Crimea sẽ có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn Trung Quốc dùng vũ lực để đòi chủ quyền ở châu Á. Ông Russel khẳng định Trung Quốc không nên nghi ngờ quyết tâm bảo vệ các nước đồng minh châu Á của Mỹ.
Quan điểm của Mỹ là không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ tại châu Á. Tuy nhiên trước chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Hagel một lần nữa nhấn mạnh Washington sẽ tôn trọng nghĩa vụ của mình với các nước đồng minh châu Á và Washington công nhận việc Tokyo kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Washington sẽ bảo vệ Tokyo nếu quần đảo này bị tấn công. “Chúng tôi phản đối bất kỳ hành vi đơn phương nào ảnh hưởng đến quyền quản lý của Nhật” - ông Hagel nói.
Hôm nay Bộ trưởng Hagel tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận