Giám thị phổ biến quy chế thi tại điểm thi THPT Gia Định, TP.HCM chiều 8-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hôm qua (8-8), thí sinh cũng đã làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2020 và chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi (nếu có). Dù có nhiều nỗi lo nhưng đọng lại trong ngày làm thủ tục là phụ huynh, giáo viên cùng chúc thí sinh một kỳ thi tốt đẹp.
Động viên thí sinh vượt qua kỳ thi
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), học sinh được nhân viên y tế đo thân nhiệt kỹ càng. Các em rửa tay sát khuẩn rồi mới vào phòng. Tại phòng thi, các em được bố trí ngồi giãn cách nhau khoảng 2m. Tất cả được đeo khẩu trang.
Thầy Nguyễn Đình Tiến - trưởng điểm thi - cho biết có 271 thí sinh dự thi ở điểm này với 12 phòng thi. Tất cả phòng thi đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Một số học sinh cũng lo lắng bởi Quảng Nam là nơi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy nhiên các em được thầy cô, phụ huynh động viên mạnh mẽ vượt qua kỳ thi.
Kiên nhẫn đợi con trước cổng trường, bà Mai Anh (45 tuổi, Q.8, TP.HCM) cho biết không dám đi chỗ khác trú mưa vì sợ con ra về không thấy mẹ đâu. 'Đây là lần đầu tiên đưa con đi thi tốt nghiệp nên cũng lo lắng không kém gì con. Dù hai mẹ con cùng lo nhưng tôi cũng động viên con mạnh mẽ và cố gắng thi tốt, bà Mai Anh.
14h tại Hà Nội, thí sinh ở điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn nghe giám thị phổ biến quy chế thi. Đây là một năm thi 'chưa từng có' nên ngoài phần dặn dò thí sinh quy chế dự thi, giám thị còn dành nhiều thời gian để dặn thí sinh đảm bảo quy tắc vào trường phải sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đầy đủ.
Nhiều phụ huynh và thí sinh tại điểm thi này vẫn muốn kỳ thi diễn ra vì học sinh đã mất 12 năm ăn học và ôn luyện vất vả suốt nhiều tháng qua...
Bối rối với thân nhiệt
Mặc dù vậy, ghi nhận trong ngày làm thủ tục tại các hội đồng thi đã phát sinh nhiều vụ việc ngoài dự đoán. Chiều 8-8, hàng trăm thí sinh đến làm thủ tục tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) trong thời tiết nắng nóng.
Bạn H.T.V. - thí sinh dự thi - phát hoảng khi cán bộ y tế đo thân nhiệt của mình tới 39,40C. Được bác sĩ trấn an có thể do đi nắng nên việc đo thân nhiệt bị sai lệch, V. mới bớt lo. Sau khi nghỉ ngơi dưới bóng mát 10 phút, V. được kiểm tra sức khỏe lại và kết quả thân nhiệt bình thường để tiếp tục vào phòng làm thủ tục dự thi.
Không riêng gì V., ở điểm thi này nhiều thí sinh gặp tình cảnh tương tự khi đo thân nhiệt đều có chênh lệch 2 - 30C. Tuy nhiên, sau khi được đo lại, các em đều có sức khỏe bình thường. Một bác sĩ tại điểm thi này giải thích có thể các thí sinh đi giữa trời nắng nên thân nhiệt bất thường.
'Với những thí sinh này, chúng tôi sẽ đưa các em sang phòng chờ, khu vực riêng và khai thác dịch tễ để đảm bảo an toàn' - bác sĩ này nói.
Trong khi đó tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Nhân, trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết: 'Thí sinh có thân nhiệt trên 370C sẽ được vào phòng nghỉ ngơi, sau 10 phút sẽ đo lại thân nhiệt.
Nếu nhiệt độ hạ xuống bình thường sẽ cho thí sinh vào phòng thi, nếu bất thường sẽ chuyển sang phòng thi dự phòng'.
Bà Bùi Thị Mai Nhi - nhân viên y tế tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - cho biết trong buổi làm thủ tục chiều 8-8, có 4 thí sinh khi đo thân nhiệt ghi nhận trên 37,50C, có em lên 380C.
Với những trường hợp trên, nhân viên yêu cầu các em đứng sang một bên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác, uống nước làm mát. 5-10 phút sau, khi đo lại thân nhiệt các em đều ở mức cho phép.
Theo bà Nhi, những học sinh có thân nhiệt quá 37,50C trong hôm nay chủ yếu là những bạn phải vượt đường xa, nhà ở tận Bình Chánh hay Củ Chi. Số khác đi đến trường giờ trưa nhưng không đội nón.
Với những trường hợp này, bà Nhi cho biết sau khi đo lại đều khuyên các em cần giữ gìn sức khỏe trong những ngày thi: thường uống các loại nước mát như cam chanh, khi ngủ nhớ giữ ấm cơ thể.
Chuyển địa điểm thi giờ chót
Sáng 8-8, Bộ Y tế đã có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội về công tác phối hợp phòng chống dịch.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết tại điểm thi huyện Đan Phượng có một giáo viên thuộc diện F2. Do đó, Ban chỉ đạo thi đã cho chuyển toàn bộ điểm thi này, toàn bộ cán bộ, giáo viên cũng được thay thế bằng tổ giáo viên khác.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, người thuộc diện F2 trước đó được bố trí coi thi ở điểm thi Trường THPT Đan Phượng có chồng là F1. Chồng giáo viên này đang có biểu hiện ho, sốt.
Khi hội đồng thi chưa hoạt động, cô giáo trên đã tiếp xúc với nhiều giáo viên tại điểm thi này ở buổi tập huấn. Nắm thông tin trên, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội đã quyết định chuyển số thí sinh tại điểm thi trên sang điểm thi mới tại Trường THPT Tân Hội.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Phu - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - cho biết toàn bộ 352 thí sinh là học sinh Trường THPT Sơn Mỹ (TP Quảng Ngãi) phải dừng thi.
Lý do, theo ông Phu, trường có một cô giáo là F1 từng uống cà phê với bệnh nhân 786. Sau đó, cô tham gia ôn thi cho học sinh tại trường, đồng thời là giáo viên coi thi trong đợt thi thử tại trường.
'Lúc đầu, chúng tôi xác định có 48 học sinh tại trường tiếp xúc với giáo viên trên và dự tính sẽ tổ chức cho các em này thi riêng hoặc dừng thi đợt 1. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì cô giáo này đã tiếp xúc với một số giáo viên khác.
Các học sinh sau khi tiếp xúc với cô giáo cũng tiếp xúc với nhiều bạn bè, nên chúng tôi quyết định dừng thi toàn bộ 352 thí sinh tại trường để bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch COVID-19", ông Phu nói.
20 tỉnh thành có thí sinh chưa thi do COVID-19
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 900.079 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong ngày làm thủ tục dự thi có 32.229 thí sinh không có mặt, chiếm tỉ lệ 3,58%. Trong đó có 26.186 thí sinh không dự thi đợt 1 do dịch COVID-19, chiếm 2,91%.
Trong số thí sinh không dự thi do dịch COVID-19, Đà Nẵng đông nhất với 10.955 thí sinh, Quảng Nam 9.065 thí sinh. Kế tiếp là Đắk Lắk có 5.396 thí sinh. Tổng cộng có 20 tỉnh thành có thí sinh không dự thi được đợt 1 do ảnh hưởng dịch COVID-19.
VĨNH HÀ
Hồi hộp vì phải thi đợt 2
Khi tất cả công việc ôn thi, chuẩn bị đã xong thì mình nhận được tin phải chờ kỳ thi sau. Điều cũng khiến mình lo lắng là sợ bị 'rơi rụng' kiến thức do nghỉ dịch quá lâu.
Không những vậy, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường nên khi dịch qua đi, nhóm học sinh thi sau như tụi mình sẽ thiệt thòi vì các trường đã chốt chỉ tiêu.
Mình có đọc trên báo về việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học chừa chỉ tiêu cho nhóm học sinh thi sau nhưng vẫn rất lo lắng.
Đinh Thị Thúy Kiều (học sinh Trường THPT Trần Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
TR.TÂN ghi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Không giải quyết thí sinh F1, F2 thi đợt 1
Trong buổi kiểm tra thi tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: 'Các thí sinh trong diện F1, F2 sẽ bố trí thi đợt 2 để đảm bảo an toàn.
Không giải quyết cho thi đợt này với những thí sinh có biểu hiện nhiễm dịch bệnh hoặc có liên quan trực tiếp với người nhiễm dịch bệnh'.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Nội ngày 8-8 - Ảnh: V.HÀ
Trong khi đó, sáng 8-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2020 tại tỉnh Long An.
Ông Phúc lưu ý đầu giờ lượng thí sinh tập trung nhiều nên cần bố trí nhiều cán bộ phụ trách việc đo thân nhiệt để tránh tình trạng tụ tập đông người, trễ giờ thi của thí sinh.
Việc chuẩn bị nhiều phương án dự phòng xử lý tình huống phát sinh vì COVID-19 là cần thiết, cán bộ coi thi dự phòng cũng phải được tập huấn kỹ.
'Chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép của kỳ thi: an toàn, nghiêm túc và phòng chống dịch bệnh. Đây không phải là kỳ thi của riêng ngành giáo dục mà của toàn hệ thống chính trị.
Phải chuẩn bị thật kỹ cho các tình huống bất ngờ, không chủ quan bởi dịch bệnh phát sinh hằng giờ, liên tục' - ông Phúc nói.
VĨNH HÀ - MINH GIẢNG
Một lời trấn an nhẹ nhàng
Ghi nhận tại các điểm thi trong ngày làm thủ tục cho thấy việc đo thân nhiệt và sát khuẩn tay diễn ra nghiêm túc.
Tuy nhiên cũng có không ít điểm thi làm quá 'căng' việc này đã ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Nhiều trường hợp thân nhiệt quá 37,50C, thí sinh đã được đưa vào phòng chờ khoảng 10 phút sau sẽ đo lại thân nhiệt.
Theo các chuyên gia y tế, nếu một người vừa đi ngoài trời nắng, đi bộ vài chục mét hoặc tâm lý không tốt (căng thẳng), thân nhiệt cũng sẽ tạm thời tăng. Hầu hết những người này thân nhiệt ổn định lại ngay sau vài phút.
Như vậy, những thí sinh vừa đến điểm thi có thân nhiệt tăng nhẹ, nếu đưa ngay vào phòng riêng ít nhiều sẽ khiến các em mất bình tĩnh, hoảng sợ thêm...
Do đó, đối với những thí sinh có thân nhiệt cao hơn bình thường được phát hiện ngay khi đến điểm thi cần được động viên, giải thích, trấn an nhẹ nhàng trong khi chờ 1, 2 phút để đo thân nhiệt lại, tránh gây hoang mang cho các em.
Áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp chống dịch là tốt, nhưng nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận