09/12/2024 13:02 GMT+7

Chuẩn cơm mẹ nấu con không buồn ăn: Nâng trình mẹ nấu cho kịp gu con

Nhiều mẹ cũng bực khi cất công nấu nướng mà còn bị con kêu sao ngon bằng cơm đặt qua app hay hàng quán ngoài đường. Vậy là mẹ quyết tâm cập nhật, đổi cách chế biến sao cho đúng gu ăn uống của con.

Chuẩn cơm mẹ nấu con không buồn ăn: Nâng trình mẹ nấu cho kịp gu con - Ảnh 1.

Các bạn trẻ thường thích rủ nhau hội họp ăn ngoài với bạn vì thấy vui hơn nên ngày càng xa bữa cơm nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà mẹ bước vào tuổi trung niên Thùy Trang (ở quận Tân Bình, TP.HCM) kể lúc con còn nhỏ, cứ mẹ nấu món gì con đều ăn theo cả nhà chứ không ý kiến, nhiều bữa còn khen cơm mẹ nấu ngon.

"Thành sinh viên, đi học rồi trưa tự đi ăn với bạn, con dần bỏ cả bữa tối với ba mẹ. Con kêu đi quán ăn với bạn thấy cơm nhà không ngon bằng. Con nói vậy, tôi cũng gắng thay đổi cách chế biến nhưng sao ăn hoài mấy món chiên xào được", chị Trang nói.

Nhiều khi chỉ nghĩ cách làm sao cho ra món con thích cũng mất thời gian vô cùng, chưa kể sau giờ làm về là lao vào bếp. Mẹ nấu thì luôn chú ý những món ít dầu mỡ mới có lợi cho sức khỏe.
Chị MINH ANH (quận 4, TP.HCM)

"Gà rán của mẹ sao bằng ngoài tiệm"

Con gái chị Trang đổi dần thói quen ăn uống, thích suất ăn nhanh hơn và tăng cân vù vù khiến chị lo lắng. Hôm khám sức khỏe ở cơ quan, mẹ dẫn con gái khám cùng và kết quả con bị gan nhiễm mỡ.

"Tôi cố tình đưa con đi khám để bác sĩ nói cho nghe nếu ăn uống quá nhiều món chiên xào, thức ăn nhanh là không tốt chứ ở nhà mẹ nói con còn tỏ thái độ", chị Trang cho hay.

Biết con thích gà rán, khoai tây chiên, mì trộn, cơm cuộn... mẹ Trang nhiều lần trổ tài làm các món này nhưng thử xong con gái phán câu xanh rờn: "Gà mẹ rán sao ngon như tiệm được mẹ ơi!". Món nào mẹ cũng đều phải mò lên mạng học theo cách họ làm sao cho giống nhất mà vẫn bị chê "không bằng mua bên ngoài".

Chị Trang nói nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm vì đi làm cả ngày, chiều muộn về tranh thủ nấu bữa cơm và mong có đủ ba thành viên trong nhà cùng ăn. Thế nhưng con gái rất ít bữa ăn cơm với ba mẹ. Nếu không ăn ở ngoài thì cũng lên app đặt thức ăn giao tận nhà ăn một mình.

Cùng cảnh ngộ, con trai chị Trần Ngọc Nga (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới là sinh viên năm nhất được vài tháng đã bắt đầu thích ăn ở ngoài hơn về nhà dùng cơm với gia đình. Giờ giấc học hành thoải mái hơn lúc phổ thông nên càng dễ hẹn bạn bè đi ăn.

"Con khoe hay chọn quán vỉa hè lúc ăn món nướng lúc ăn lẩu bình dân. Tôi nói ăn ngoài nhiều không tốt cho sức khỏe nhưng con có nghe đâu, còn nói ăn với bạn bè vừa vui vừa ngon dù mẹ đã gắng tìm tòi làm mấy món mới lạ nhưng bữa cơm gia đình gần như hết hấp dẫn với con rồi", chị Nga bộc bạch.

Dụ con cùng vào bếp

Nhà ở ngay con hẻm ẩm thực nhộn nhịp tại quận 4 (TP.HCM) với đủ món ăn, thức uống nên càng khiến con gái chị Minh Anh "chê" cơm mẹ nấu. Hầu như ngày nào con gái về tới nhà cũng xách theo hộp đồ ăn, ly nước ép hay trà sữa.

Một lần nghe được hai con nói chuyện các món mua bên ngoài "ăn là ghiền", chị Minh Anh đã học cách chế biến sao cho đúng kiểu của đám trẻ. Nhưng cũng đầy nỗi niềm vì đâu phải món nào cũng học theo và chế biến như ngoài quán được.

To nhỏ nhiều lần không thấy con cái lay chuyển gì, chị Minh Anh đã rủ con cùng vào bếp. Lần này mẹ sẽ đóng vai phụ, giúp con chế biến những món mà con thích với tham vọng không để con bị hàng quán kéo xa bữa cơm gia đình. Và cách này xem ra tương đối hiệu quả khi con chịu vào bếp, ăn cơm nhà nhiều hơn.

"Nhà có bốn người, bữa nào cũng luôn phải làm ít nhất hai món khác nhau để phù hợp với sở thích của hai con và của ba mẹ. Đôi khi mình phải dụ con vào bếp, cho con tự chế biến món theo sở thích của hai chị em vậy mà cả nhà lại có cùng bữa cơm gia đình với nhau sau một ngày đi học, đi làm", chị Minh Anh chia sẻ "bí kíp".

Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Thị Duyên, phó chủ nhiệm phụ trách khoa dinh dưỡng (Bệnh viện Quân y 175), cho rằng nhiều bạn dễ bị quyến rũ bởi hương vị đậm đà từ bột ngọt, dầu mỡ và gia vị trong đồ ăn nhanh nên càng muốn ăn nhiều hơn.

Chỉ nên xem bữa ăn ngoài là sự thay đổi hoặc tiện lợi trong trường hợp đặc biệt, không thể là thói quen thường xuyên. "Nếu không ăn cơm mẹ nấu, bạn có thể tự chế biến món ăn theo khẩu vị. Quan trọng chế độ ăn uống cân bằng mới giúp khỏe mạnh, phát triển bền vững về cả thể chất và tinh thần", bác sĩ Duyên nói.

Đừng xem nhẹ thói quen dùng đồ ăn nhanh

Bác sĩ Bùi Thị Duyên nói thói quen "cơm hàng cháo chợ" và thường dùng suất ăn nhanh có thể thấy tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Có thể kể đến như khó kiểm soát nguồn gốc và độ an toàn thực phẩm, dễ bị nhiễm hóa chất, vi khuẩn hoặc chất phụ gia không an toàn.

Chưa kể làm mất cân đối chế độ dinh dưỡng bởi các suất ăn nhanh thường nhiều calo, chất béo, đường và muối nhưng hay thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau củ. Từ đó gây các bệnh lý như tăng nguy cơ thừa cân, béo phì vì nếu ăn thường xuyên mà ít vận động càng dễ dẫn đến tích tụ mỡ thừa.

"Nguy cơ tiềm ẩn khác là mắc bệnh mãn tính. Ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường. Đồng thời khiến hệ tiêu hóa kém vì ít rau xanh, chất xơ có thể gây táo bón và rối loạn tiêu hóa, cả thiếu vitamin và khoáng chất có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt ở trẻ em", bác sĩ Duyên phân tích.

Chuẩn cơm mẹ nấu con không buồn ăn: Nâng trình mẹ nấu cho kịp gu con - Ảnh 2.Chuẩn cơm mẹ nấu con không buồn ăn: Khi bạn trẻ 'chê' cơm nhà

Những đô thị như TP.HCM, dịch vụ ăn uống tiện đến mức nhiều bạn trẻ ngày càng thích "cơm hàng cháo chợ". Chỉ cần lướt app với thao tác đơn giản là có ngay suất ăn gọn lẹ, đôi khi không ngán như cơm nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp