06/04/2017 14:06 GMT+7

Chuẩn bị gì để thi tốt môn năng khiếu?

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Thi môn năng khiếu là điều bắt buộc đối với những thí sinh muốn theo đuổi các ngành học đặc thù và năm nào cũng có những thí sinh gặp phải các tình huống dở khóc dở cười khi thi do chưa có sự chuẩn bị tốt.

Thí sinh dự thi năng khiếu môn âm nhạc trong kỳ tuyển sinh năm 2015 - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh dự thi năng khiếu môn âm nhạc trong kỳ tuyển sinh năm 2015 - Ảnh: Như Hùng

Thêm nữa, khác với các môn văn hóa, thí sinh thi năng khiếu thường lỉnh kỉnh với những “đồ nghề” riêng của mình. Chuyên ngành âm nhạc, giáo dục mầm non phải mang theo đàn, nón quai thao, đồ trang điểm…; ngành hội họa, kiến trúc có bút lông, que đo, bút chì, bột màu, tẩy, băng dính...

Chuẩn bị từ kiến thức đến cách ứng xử

“Vào phòng thi, giám khảo cho mình ba phút để thực hiện một tiểu phẩm, dù đã chuẩn bị tiểu phẩm trước nhưng khi bắt đầu diễn mình lại chọn diễn cảnh đi chợ cứ đi ra đi vô, hai ba người trên sân khấu cứ đứng một chỗ không biết làm gì” - Trần Thị Hồng Hoa (cựu sinh viên ngành diễn viên, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM) vừa cười vừa nói.

Hoa kể lúc đi thi cô không biết giao lưu, tưởng tượng, phán đoán là gì nên “cứ diễn bừa vậy thôi”. Ngoài ra, cách đặt vấn đề của Hoa quá vĩ mô, cao siêu mà giải quyết vấn đề lại đơn giản nên thất bại. Sau đó, giám khảo cho Hoa cơ hội diễn lại và gợi ý cho bạn một tiểu phẩm đơn giản hơn.

“Lúc chưa biết gì, mình thường đặt những vấn đề lớn lao nhưng lại quá sức, không giải quyết nổi. Giám khảo có hướng dẫn cách triển khai tiểu phẩm và diễn nhưng mình phải hỏi và biết cách hỏi” - Hoa chia sẻ.

Theo Hoa, thi vấn đáp trực tiếp “nguy hiểm” hơn diễn tiểu phẩm nhiều nên các bạn phải chuẩn bị kỹ càng từ kiến thức đến cách ứng xử. “Giám khảo nói mình hãy phân tích câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mình không suy nghĩ gì mà “bay thẳng” vào nói, thành ra nói lộn xộn, ý tứ lung tung.

Thi vấn đáp cực kỳ căng thẳng vì giám khảo hỏi kiến thức rất rộng từ lịch sử, văn hóa, đến địa lý, âm nhạc, văn học. Hồi đó mình trẻ dại, cái tôi quá lớn, không điều tiết được cảm xúc, không biết gì nhưng lại cãi lý ngông cuồng với giám khảo”- Hoa nói thêm.

Phải tự tin, tự tin mới đậu

Từ chính kinh nghiệm “xương máu” của bản thân, Hoa khuyên các bạn thi sân khấu-điện ảnh “phải tự tin, tự tin mới đậu” và đừng trang điểm “quá lố” vì giám khảo muốn nhìn mặt mộc của thí sinh, mạnh dạn biết gì nói đó, không biết hỏi ngay nhưng đừng cãi tay đôi với giám khảo.

Chuẩn bị trước tiểu phẩm là rất quan trọng và nếu có năng khiếu thì hãy chuẩn bị một tiết mục thêm như hát, múa hoặc chơi nhạc cụ... vì giám khảo thường yêu cầu thí sinh thể hiện một năng khiếu nào đó.

Bên cạnh đấy, cảm nhạc cũng quan trọng không kém, giám khảo sẽ mở một đoạn nhạc và yêu cầu thí sinh kể chuyện hoặc diễn tiểu phẩm trên đoạn nhạc đó. Không lặp lại, sao chép vụng về một thần tượng nào đó mà quên đi tính sáng tạo của bản thân-ban giám khảo cần nhìn thấy tính sáng tạo này trong mỗi thí sinh.

Còn với ngành giáo dục mầm non, TS Phan Thị Thu Hiền-trưởng khoa giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lưu ý: ở phần thi hát, các bài hát phải được lưu hành theo quy định cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Thí sinh không được hát cải lương, tuồng, chèo, hát bội. Những thí sinh có thêm phần đánh đàn (đàn organ hoặc piano) sẽ được cộng thêm tối đa một điểm nếu sử dụng thành thạo nhạc cụ và đàn trọn vẹn bài nhạc. Tuy nhiên, thí sinh phải tự mang theo đàn.

Đối với phần thi đọc, kể diễn cảm, nếu không tự chọn được truyện mà kể theo gợi ý của giám khảo thì sẽ bị trừ 1 điểm.

Để đạt kết quả thi tốt, thí sinh cần chọn truyện có nội dung phù hợp với lứa tuổi học trò, có ý nghĩa giáo dục; nắm được cốt truyện, kể đủ các tình tiết chính trong đoạn đã chọn kể, diễn đạt trôi chảy, lưu loát, rõ ràng, phát âm đúng; biết dùng giọng kể, ngữ điệu thích hợp, biết phân biệt lời tác giả, lời nhân vật.

Ngoài ra, thí sinh nên sử dụng thêm các yếu tố phi ngôn ngữ khi kể chuyện như điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt... Với phần đọc diễn cảm một câu chuyện hoặc một bài thơ theo kết quả bốc thăm, thí sinh cần đọc diễn cảm; phát âm to, rõ ràng và đúng từ ngữ trong văn bản như phụ âm, vần, dấu thanh.

“Vì thi môn năng khiếu là hát và đọc, kể diễn cảm nên thí sinh phải chú ý giữ giọng nói của mình, đặc biệt là không để bị khan tiếng. Bên cạnh đó, trang phục cũng là một điểm thí sinh cần lưu ý. Thí sinh nên lựa chọn phong cách phù hợp với môi trường sư phạm, không cần quá cầu kỳ” - TS Thu Hiền cho biết.

Văn ôn, vẽ luyện

Nguyễn Trà Giang (sinh viên năm 4, khoa kiến trúc nội thất, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) - từng rớt nguyện vọng 1 vì môn năng khiếu, chia sẻ: “Mình thi hai môn vẽ thì điểm cả hai môn đều thấp. Vẽ màu rất tốn thời gian, ôn luyện rất kỹ thì mới có thể vẽ kịp trong bốn tiếng, còn không thì phải mất 6-8 tiếng mới vẽ được. Hồi đấy mình ôn không kỹ nên vào thi ngồi nghĩ rất lâu mới vẽ được. Cái thứ hai là vẽ tượng thì mình vẽ sai tỉ lệ”.

Giang cho biết lúc Giang ôn thi, cô ngồi trong phòng, tượng đặt dưới đèn, sẽ có bên sáng và bên bóng tối. Còn khi Giang đi thi thì cô ngồi ngoài hiên với ánh sáng chan hòa nên lúc vẽ cô bắt buộc phải tưởng tượng ra để vẽ.

Rút kinh nghiệm từ lần thi rớt, Giang đã dành ra một năm để luyện vẽ. “Nếu chọn góc này sáng thì góc bên kia phải vẽ tối, mặc định nó là như vậy nên phải ôn luyện thật kỹ, ôn đi ôn lại, ôn đến độ mà không cần phải đo tỉ lệ, nhớ được tỉ lệ tượng, ánh sáng như thế nào và vẽ như thói quen.

Vào thi không nên vẽ liền mà nên dành 15 phút ngắm tượng thật kỹ, ghi nhớ các tỉ lệ trong đầu, hạn chế xe dịch nhìn quá nhìn lại trong lúc vẽ để tránh sai tỉ lệ ban đầu” - Giang chia sẻ.

Đối với vẽ màu, Giang khuyên nên chuẩn bị kỹ màu, pha những màu mình thường dùng trước ở nhà để đến lúc thi chỉ cần đổ ra dùng, nếu không chuẩn bị trước sẽ mất khá nhiều thời gian.

Bút chì nên sắm vài cây, cây nào cũng chuốt nhọn sẵn, vì bút chì dùng để vẽ thường chuốt bằng dao tương đối tỉ mỉ, lúc thi rất áp lực, nếu không chuẩn bị sẵn thì chuốt bút chì rất dễ gãy, dễ đứt tay.

Giữa bài thi có khoảng nghỉ, lúc đó nên ngừng vẽ đi ra ngoài cho thoải mái, đi lung tung cho mình quên cái bài của mình đi rồi lúc vô nhìn lại sẽ dễ dàng nhìn ra sai chổ nào, thiếu sót chỗ nào.

Ngay cả trong lúc thi, thỉnh thoảng cũng nên đặt bài xuống, đi xa ra nhìn. Chỉ có nhìn xa mới đánh giá hết được chứ nhìn gần lúc nào cũng thấy bài mình đẹp. Lúc nhìn xa như vậy bắt đầu mới thấy xấu, thấy lỗi, mới sửa đúng được. Nhiều bạn cứ ngồi ôm khư khư bài từ đầu đến cuối thì khó mà đánh giá đúng về bài của mình.

“Khi đã vẽ xong và quyết định dừng thì phải dừng hẳn không vẽ nữa, chứ đã xong rồi mà còn ngồi sửa là một hồi xấu luôn” - Giang nhấn mạnh.

ThS Ninh Quang Thăng, trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, lưu ý: “Khi thi môn năng khiếu, các thí sinh vẫn phải tuân thủ nghiêm túc các quy định chung trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh tránh nghĩ rằng môn năng khiếu là môn đặc thù, không có gì để trao đổi mà thiếu quan tâm đến các vật dụng không được phép mang vào phòng thi như điện thoại di động. Cũng như các môn thi khác, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, hiểu rõ yêu cầu của đề trước khi thể hiện bài thi theo các bước đã được học”.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp