11/01/2015 10:02 GMT+7

​Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như thế nào?

T.HUỲNH - V.HÀ - NG.HÀ - VÂN ĐỖ
T.HUỲNH - V.HÀ - NG.HÀ - VÂN ĐỖ

TT - Làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia là nội dung được nhiều học sinh quan tâm nhất tại ba chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Nghệ An cùng diễn ra ngày 10-1.

Một học sinh Nghệ An đặt câu hỏi trong phần tư vấn chung - Ảnh: Doãn Hoàn

Sáng sớm 10-1, hơn 3.500 chỗ ngồi tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Tây Ninh đã được lấp đầy dù chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chưa bắt đầu.

Cùng thời điểm này tại tỉnh Nghệ An, bất chấp thời tiết giá rét, gần 3.000 học sinh xứ Nghệ cũng đã có mặt tại Trường ĐH Vinh để được giải đáp những thắc mắc về thi cử, tuyển sinh. Buổi chiều, chương trình diễn ra tại Trường THPT Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Cần theo dõi website các trường

Nhiều học sinh ở Tây Ninh và Bình Phước băn khoăn việc trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng thang điểm bài thi thành 20 khi chấm điểm và đánh giá thí sinh liệu có khắt khe hơn không? Cấu trúc đề thi sẽ như thế nào?

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết đây mới chỉ là dự thảo trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và tuyển sinh ĐH, CĐ. Khi mở rộng thang điểm 20 thuận lợi cho thí sinh vì chấm các ý nhỏ cũng sẽ được cho điểm.

Về đề thi, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - tiết lộ đề thi năm nay cơ bản như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước, chủ yếu kiến thức trong chương trình lớp 12.

Hướng ra đề với các môn xã hội sẽ đẩy mạnh theo hướng mở, không yêu cầu học thuộc lòng. Đối với các môn khoa học tự nhiên sẽ tăng cường đánh giá khả năng vận dụng của thí sinh.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến cả nước có 35 cụm thi do các trường ĐH phối hợp với các ĐH tổ chức. Về đăng ký thi năm nay khác với trước đây, thí sinh phải đăng ký môn thi, hồ sơ đăng ký thi và xét tuyển cũng khác.

Hiện nay việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có 235 trường chỉ xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT, trong đó có 192 trường vừa đồng thời sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa xét tuyển từ học bạ.

Thí sinh Bình Phước thi tại cụm TP.HCM

Theo ông Trần Sơn Ngọc - phó trưởng Phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Phước, năm nay dự kiến thí sinh tỉnh Bình Phước sẽ thi kỳ thi THPT quốc gia tại cụm TP.HCM do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chủ trì. PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết thêm bên cạnh cụm thi liên tỉnh, nếu UBND tỉnh đề xuất thì sẽ có cụm thi tại địa phương dành cho thí sinh thi với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

“Tuy nhiên thí sinh cần lưu ý dù cụm thi tại tỉnh hay liên tỉnh đều như nhau về đề thi cũng như cách thức tổ chức” - ông Nghĩa nói.

TRẦN HUỲNH

“Các em cần theo dõi trên website của các trường để biết thông tin này. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia thí sinh mới nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vì vậy các em phải theo dõi tìm hiểu các ngành học, trường yêu thích, tìm hiểu thật kỹ điều kiện xét tuyển của các trường để nộp hồ sơ xét tuyển đúng. Nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển không đúng sẽ bị loại” - thầy Hùng khuyên.

Tại sao không đổi mới dạy học trước đổi mới thi?

Câu hỏi này của một học sinh đã khiến cả sân tư vấn chung ở Trường ĐH Vinh (Nghệ An) như sôi lên. Rất nhiều em đã giơ tay khi PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - hỏi còn có em nào có chung băn khoăn này.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, việc đổi mới dạy và học đã được thực hiện dần trong thời gian qua. Cụ thể việc đẩy mạnh dạy học theo hướng vận dụng kiến thức liên môn, tích hợp, làm quen với cách kiểm tra đánh giá theo hướng mở, liên hệ thực tế đã được nhiều trường phổ thông áp dụng.

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ các năm trước cũng đã có những câu hỏi mở, yêu cầu vận dụng kiến thức... Vì thế không thể nói “đổi mới thi trước dạy học”.

Tuy nhiên đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng trấn an học sinh khi cho rằng việc đổi mới sẽ không gây sốc đối với các em. Học sinh có thể yên tâm ôn tập theo hướng bám sát kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng làm các câu hỏi mở, vận dụng kiến thức đối với các môn thi sử dụng để xét tuyển ĐH-CĐ.

Ở khu vực tư vấn kỹ thuật - công nghệ, chủ yếu có mặt các nữ sinh. Điều này khiến nhiều thầy cô tư vấn ở đây ngạc nhiên. “Nữ học kỹ thuật thì có phù hợp không? Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội có ngành nào phù hợp với nữ?” - một học sinh hỏi.

TS Trịnh Thị Thúy Giang (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra con số khá thú vị: “Trước đây khoảng 60% sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên là nam, nhưng những năm gần đây trường luôn có trên 60% là nữ. Ở một số trường khối kỹ thuật khác, tỉ lệ nữ cũng tăng lên. Điều này chứng tỏ nữ có khả năng học kỹ thuật. Và trên thực tế ngành nào nữ cũng có thể học và làm việc được, thậm chí làm việc tốt”.

Học sinh Nguyễn Thanh Trúc (lớp 12A3 Trường THPT Tây Ninh):

Giải tỏa băn khoăn về quy chế thi

Học sinh tỉnh Bình Phước tìm hiểu thông tin về tuyển sinh trên phụ trương Cùng bạn chọn trường - Ảnh: Như Hùng

Những thông tin trong phụ trương Cùng bạn chọn trường của báo Tuổi Trẻ rất sát và cần thiết cho chúng em. Phần hướng dẫn năm bước tự hướng nghiệp giúp học sinh có thể biết sức học, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào.

Cá nhân em và nhiều bạn khác sau khi tham gia chương trình tư vấn và nhận các quà tặng, phụ trương cảm thấy rất cần thiết, giải tỏa phần nào những thông tin mà chúng em chưa rõ.

Mục “Thí sinh hỏi, Cục Khảo thí trả lời” đưa ra những câu hỏi gần gũi với thắc mắc, băn khoăn của chúng em hiện nay, trong đó có những thông tin chính xác về quy chế mới và những điểm cần lưu ý trong kỳ thi quốc gia.

L.TRANG ghi

Xác định tâm lý như thi ĐH

Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, việc đổi mới tuyển sinh năm nay đặt ra yêu cầu học sinh phải có sự chuẩn bị hướng nghiệp trước đó chứ không phải đợi đến sau khi có kết quả thi.

Nếu để sau khi có kết quả thi mới nghĩ đến chuyện chọn ngành nào, trường nào, thí sinh sẽ bị mất cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp với sở thích.

Làm thế nào có thể lựa chọn ngành nào, trường nào trước? Thí sinh phải dựa vào sức học của mình. Hiện nay mặc dù các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng rất nhiều trường ĐH, CĐ vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia với ba môn thi liên quan đến khối thi xét tuyển.

Vì vậy ngay từ bây giờ học sinh có thể tính điểm bình quân môn thi đó ở lớp 10, 11, 12 để xem mình được bao nhiêu điểm rồi so sánh với điểm chuẩn các năm trước của các trường ĐH, CĐ. Điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước thí sinh đạt được luôn thấp hơn điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT.

“Kỳ thi năm nay mặc dù với tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia nhưng các em phải mang tâm lý đây là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để làm bài thật tốt mới có nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ theo nguyện vọng” - cô Mai khuyên.

Sau khi có kết quả điểm thi và xác định được sẽ xét tuyển vào ngành nào, trường nào, khối thi rồi mới làm hồ sơ đăng ký xét tuyển. Lúc đó thí sinh ước tính khả năng trúng tuyển bằng cách lấy điểm tốt nghiệp THPT của ba môn liên quan nhân với hệ số từ 1,0 đến 1,4 tùy theo trường ĐH, CĐ thuộc tốp nào để quyết định việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Cũng theo cô Mai, mặc dù mỗi thí sinh có bốn giấy chứng nhận kết quả thi, một giấy chứng nhận kết quả thi này có bốn nguyện vọng nộp cùng một trường, cơ hội mở ra cho tất cả thí sinh đều như nhau nên các em cần hạ quyết tâm trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, đừng hi vọng các đợt xét tuyển sau vì có rất ít cơ hội.

Trong quá trình xét tuyển, mặc dù Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH, CĐ phải công khai cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển của trường ba lần/ngày nhưng phần lớn các trường chỉ công bố tổng hồ sơ nộp vào trường mà thôi. Vì vậy thí sinh cần phải tham khảo điểm chuẩn của từng ngành những năm trước để có sự lựa chọn đăng ký xét tuyển phù hợp với số điểm của mình.

Cuối cùng, không nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển rồi rút để nộp sang trường khác vì điều này chứng minh sự chưa chín chắn trong lựa chọn ngành nghề, dễ dẫn đến sai lầm trong việc chọn ngành.

“Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi phải tốn tiền nên rút lại nộp sang nơi khác không chỉ tốn kém mà còn mất thời gian và công sức của gia đình, xã hội nhưng cơ hội trúng tuyển không khả quan. Thường những thí sinh này rất khó trúng tuyển” - cô Mai nói.

TRẦN HUỲNH

 

 

T.HUỲNH - V.HÀ - NG.HÀ - VÂN ĐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp