Bảo vệ tại một điểm trực vui vẻ khi nhận được khẩu trang, bánh mì từ anh Lâm - Ảnh: HOÀNG AN
Hoạt động thiện nguyện của anh càng có ý nghĩa hơn khi TP.HCM đang giãn cách xã hội.
Để lưu lại những khoảnh khắc đi đường, cuộc trò chuyện của anh với bà con, anh Lâm tạo một tài khoản TikTok tên Lâm "ống húc" thu hút cả chục triệu lượt xem và yêu thích với nội dung đơn giản qua góc nhìn riêng của anh.
Nhiều người bình luận "mê cái giọng nói đặc trưng của anh Lâm", "chưa thấy tình nguyện viên nào nhiệt tình, dễ thương với cô chú như chàng trai này"...
Cả tháng "đi rong"
Từ khi dịch bệnh bùng phát phức tạp tại thành phố, anh Lâm đóng cửa tạm thời xưởng gỗ ở TP Thủ Đức, "chế" lại chiếc xe Cub để chở bánh mì, sữa, khẩu trang đến với người vô gia cư, lao động nghèo ở khắp các quận huyện.
"Đây là thời điểm những người nghèo cần được yêu thương nhiều hơn, họ là những người bị tổn thương nhiều nhất vì đường mưu sinh gặp khó. Tôi từng trưởng thành từ hoàn cảnh khó khăn nên càng hiểu và thương họ. Tôi không muốn náu thân ở nơi an toàn mà được hòa mình vào người nghèo, xóa bỏ những khoảng cách xã hội", anh Lâm chia sẻ đầy tính triết lý.
Do đang làm việc thiện nguyện cá nhân, không có tổ chức nên không có giấy đi đường. Nhưng bằng những video ghi lại hành trình của mình, anh giải thích cho lực lượng chức năng rằng mình đang đi giúp bà con nghèo chứ không buôn bán hay kinh doanh.
"Mỗi lần như vậy, mấy anh công an đều dặn dò tôi phải cẩn thận và cho qua chốt nhẹ nhàng, cũng có nhiều chốt trong thành phố đã quen mặt, thấy tôi đi tới là cho qua luôn. Nhờ vậy việc tôi làm cũng suôn sẻ hơn vì tôi biết đang lúc giãn cách xã hội, đi lại hết sức khó khăn", anh tâm sự.
Để làm điều đó, chính anh cũng luôn tuân thủ quy tắc 5K, tự đi xét nghiệm 2 ngày/lần và tự cách ly riêng ở nhà thuê luôn.
Anh Lâm đã đi hầu hết khắp tuyến đường của thành phố để tặng bà con nghèo những phần bánh mì, sữa - Ảnh: HOÀNG AN
Làm thiện nguyện không sao kê
Anh Lâm nói với hầu hết thời gian "lang thang" phố phường, cũng là lúc anh có cơ hội ngắm nhìn nơi mình sinh ra rõ ràng và nhiều cảm xúc như vậy.
"Có thể nói là khoảnh khắc lịch sử, thành phố lúc này nhìn thương lắm, nhất là cô chú vô gia cư, vì họ cũng là một phần "đặc trưng" của vùng đất này nên cứ có người cần giúp là tôi đi, đến khi nào cuộc sống trở lại như bình thường thì thôi" - anh Lâm tâm sự.
Sau khi được nhiều người biết đến qua mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm bắt đầu quan tâm đến anh và muốn đóng góp cho quỹ hàng của anh.
"Nhưng tôi làm một mình, đi một mình, quỹ này trước đây do tiền túi và một số bạn bè, người thân đóng góp. Sau khi nhiều người biết, tôi chỉ nhận sự đóng góp khi nói rõ cho họ biết việc làm này sẽ không hề có bất kỳ sao kê thu chi hay bảng tính nào cả vì tôi đi cả ngày, không có thời gian làm những việc đó. Đây sẽ là quỹ hoạt động dựa vào niềm tin, tấm lòng của mọi người và của lương tâm tôi thôi", anh Lâm cười nói.
Trải qua hành trình hơn một tháng rong ruổi khắp phố với đôi dép lào, chiếc áo khoác dài tay, chiếc xe Cub chở đầy quà bánh cùng giọng nói dễ thương của người con đất Sài thành, anh nói đây chính là chuỗi ngày "COVID bụi" đáng nhớ của mình. Anh tâm sự qua những người không tên tuổi đang vất vả ngoài phố, anh hiểu và trân trọng hơn cuộc sống, những gì mình đang có ở hiện tại. Đó là một mái nhà để về, những người thân yêu dựa vào nhỡ khi có ốm đau, bệnh tật.
"Mong cậu ấy nhiều sức khỏe để giúp người nghèo"
Nhận được những ổ bánh mì, hộp sữa trong mùa dịch, chú Lê Văn Hải (TP Thủ Đức) đang làm bảo vệ tại một ngân hàng nói thường chú phải đi lấy cơm từ thiện hoặc ai cho gì ăn nấy, vì bây giờ khó đi chợ nấu nướng lắm.
"Thấy anh này chở xe quá trời đồ ăn, đi phát vậy cũng hay hay, nói chuyện duyên dáng nữa, tôi mong cậu có nhiều sức khỏe và an toàn trong mùa dịch để giúp đỡ người nghèo khổ" - chú Hải tâm sự.
Ngoài việc giúp đỡ bà con nghèo trong mùa dịch, anh Lâm đã tham gia những việc làm thiện nguyện khác, trong đó có chương trình "Noel bụi" do anh tổ chức ở TP.HCM. Anh Lâm nói dự kiến khi thành phố trở lại bình thường, anh sẽ đạp xe ra Hà Nội để kết nối với các tình nguyện viên trẻ và thực hiện tiếp những hoạt động thiện nguyện của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận