Công an TP Hà Tĩnh đọc lệnh bắt một nam thanh niên buôn pháo nổ vào ngày 23-12-2020 - Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Tôi sống ở huyện Chợ Mới (An Giang), nơi các loại pháo có nguồn gốc nước ngoài lén lút len lỏi tuồn vào nội địa. Tuy ít hơn mọi năm nhưng mấy hôm nay đó đây đã nghe tiếng pháo. Chúng tôi từng nghe câu chuyện về đường đi của những viên pháo lậu từ những năm trước đây. Năm nay, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ biên giới phòng dịch COVID-19, tình hình nghe có vẻ im ắng hơn.
Tuy nhiên, ngay từ ngày Tết dương lịch, chúng tôi đã nghe tiếng pháo nổ ở thị trấn Mỹ Luông (cùng huyện Chợ Mới). Thậm chí còn có cả pháo hoa nổ, loại pháo gì đó khi có tiếng nổ kèm theo ánh sáng rất đẹp trên bầu trời buổi tối. Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng pháo đốt đâu đó rất gần và nhiều người không còn lạ về chuyện đốt pháo nổ trái phép này!
Chặn người đốt pháo được không?
Siết chặt biên giới cận tết có thể giảm pháo lậu nhưng thật ra pháo lậu đã xâm nhập từ nhiều tháng trước. Lợi ích từ kinh doanh pháo lậu khiến những người kinh doanh mặt hàng quốc cấm này tìm đủ cách để bán hàng bất chấp luật pháp, vì món lợi sẵn sàng tuồn pháo lậu, bán pháo lậu từ biên giới vào.
Ngày 22-1-2021, khi tuần tra, tổ công tác liên ngành chống buôn lậu của An Giang cùng Chi cục Hải quan và đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã kiểm tra, bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn các loại pháo từ nước ngoài. Số lượng lớn pháo nhiều hình dáng, mẫu mã được giấu trong một xe tải mang biển số nước bạn, trong ngăn đựng quần áo...
Bộ đội biên phòng Kon Tum bắt 286kg pháo lậu được cất giấu trên bờ sông Sa Thầy phía lãnh thổ Việt Nam. Trước đó ngày 9-1, bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 116kg pháo nổ qua biên giới tỉnh. Và theo thông tin trên báo, chưa đầy 10 ngày đầu năm 2021, Quảng Trị đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo, hàng hóa nhập lậu và nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới Việt - Lào.
Chống pháo lậu, bảo vệ sự bình yên cho người dân vui tết cũng rất quan trọng ở tuyến đầu biên giới, góp phần quan trọng chặn đứng hành vi đốt pháo trái phép, tràn lan. Bởi nếu một chuyến hàng pháo lậu được đưa từ biên giới trót lọt vào nội địa, chắc chắn tiếng pháo ngày tết và nhất là vào đêm giao thừa sẽ còn, thậm chí "giòn giã" tại nhiều địa phương.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi trẻ em học cách làm pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, thậm chí người lớn nhập viện vì pháo cũng không hiếm. Người chết, người mất một phần thân thể vì đốt pháo. Có những học sinh vị thành niên bị bắt khi đang tàng trữ, vận chuyển pháo lậu, họ được mời gọi tham gia đường dây mua bán pháo lậu với hứa hẹn có hoa hồng cao.
Năm nay lại thêm nỗi lo mới khi không ít người sẽ lợi dụng quy định mới để đốt pháo hoa nổ. Cuối năm này liệu có ngớt tiếng pháo vang trời như mọi năm? Chúng tôi mong cơ quan chức năng xử nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển mua bán pháo để phòng hậu họa.
Hiểm họa pháo tự chế
Nhiều tai nạn thương vong do pháo tự chế xảy ra trong những ngày cận tết. Sau tiếng nổ lớn nghi do làm pháo trong đêm 28-1, hai học sinh ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An bất tỉnh, một trong hai em đã không qua khỏi.
Một nhóm học sinh lớp 10 đến nhà bạn chơi, bạn đưa thuốc nổ ra tự chế pháo, không may phát nổ, 3 học sinh bị thương, một em giập nát hai bàn tay, bị thương vùng mặt, cổ. Chuyện cũng ở Nghệ An.
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chỉ trong vòng 1 tháng qua đã tiếp nhận gần 10 trường hợp bị thương tật liên quan đến việc làm pháo chơi tết. Ngoài nguy cơ cháy nổ, pháo nổ còn gây ra đa chấn thương, để lại di chứng rất nặng nề. Nguy hiểm là vậy nhưng chuyện này vẫn tái diễn, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật do pháo sẽ ở lại suốt đời với các nạn nhân. Nguy hiểm là những hướng dẫn chế tạo pháo nhan nhản trên mạng, thu hút cả trăm nghìn lượt xem. Những nội dung thông tin này lắm khi tác hại không kém nạn buôn pháo lậu, khi cùng gieo rắc thương vong cho những ai chủ quan với pháo nổ.
CHUNG THANH HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận