Công chức Phòng quản lý đô thị UBND quận 10, TP.HCM trao đổi công việc - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo nghị quyết 86 năm 2019 về dự toán ngân sách năm 2020, mức lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ tăng từ 1-7 tới theo lộ trình. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở của công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách để bảo đảm bù trượt giá và phù hợp với tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm tổng thu ngân sách giảm, hụt thu khoảng 163.000 tỉ đồng. Vì thế việc chưa tăng lương cho công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách là sự chia sẻ của khu vực nhà nước với các khu vực khác đang gặp rất nhiều khó khăn.
Có thêm nguồn chi an sinh xã hội
Ông Nguyễn Quang Dũng - vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ - cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 sẽ tăng lương khoảng 7,32% (khoảng 110.000 đồng/tháng) và tính từ ngày 1-7-2020.
Đến nay Bộ Nội vụ chưa có đánh giá ảnh hưởng cụ thể của việc dừng tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng khoảng 110.000 đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu từ tháng 7 tới.
Tuy nhiên theo tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách cần chia sẻ với xã hội.
Thực ra nếu không tăng lương vào tháng 7 thì thu nhập của công chức, viên chức, người hưởng lương hưu vẫn giữ nguyên ở mức hiện nay, vẫn bảo đảm cuộc sống chứ không bị giảm.
Ông Dũng phân tích cụ thể: việc lùi thời điểm tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức ở thời điểm này sẽ không ảnh hưởng nhiều vì mức lương công chức, viên chức vẫn được giữ nguyên trong suốt thời gian dịch bệnh, trong khi khu vực dân doanh nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm lương, giảm giờ làm để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Hiện tại Chính phủ báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách năm nay và năm tới cho phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế.
Bối cảnh ngân sách hụt thu nhưng Chính phủ vẫn duy trì mức lương đang hưởng của công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách cũng là một sự cố gắng. Khi cả xã hội khó khăn, nhiều người lao động mất việc, không còn việc làm, nhưng công chức, viên chức là những người vẫn duy trì được công việc, đỡ khó khăn hơn khu vực khác.
Rõ ràng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách năm nay giảm thì ngân sách chi cho tiền lương cũng phải cân đối lại chứ không thể tăng chi như dự kiến. Việc giảm chi tiền lương cho khu vực công cũng giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để tăng chi an sinh xã hội cho các khu vực khác.
Phù hợp bối cảnh hiện tại
Có quan điểm tương tự, ông Lưu Quang Tuấn - phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - cho rằng việc dừng tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách trong thời gian tới phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp, với các đối tượng yếu thế trong xã hội thì ít nhiều ngân sách đang gặp khó khăn hơn so với trước đây.
Trong khi khối công chức, viên chức hiện nay vẫn là tầng lớp trung lưu trong xã hội, suốt thời gian qua người hưởng lương ngân sách lại không chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, thu nhập của công chức, viên chức, người hưởng lương khu vực công vẫn được giữ nguyên. Họ vẫn duy trì được mức thu nhập vốn có, trong khi một bộ phận lớn người dân trong xã hội bị giảm thu nhập.
Công chức, viên chức dù làm việc trực tuyến ở nhà vẫn được hưởng mức lương như khi họ làm việc trực tiếp tại công sở. Việc lùi thời điểm tăng lương sẽ giúp ngân sách có thêm nguồn lực để cân đối cho các đối tượng khác trong xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - cũng nhìn nhận khi ngân sách hụt thu, Chính phủ phải dành nhiều nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội khác thì việc dừng tăng lương theo kế hoạch dự kiến là phù hợp.
Tuy nhiên nếu Chính phủ cân đối được việc dừng tăng lương cho cán bộ công chức có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng (mức chịu thuế thu nhập cá nhân) và vẫn duy trì mức tăng lương cho những công chức, viên chức có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ phù hợp hơn, bởi đa số công chức, viên chức vẫn đang sống bằng lương, trong khi mặt bằng lương khu vực công luôn thấp hơn khu vực tư nhân nên người làm công ăn lương cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Ngân sách gặp nhiều khó khăn
Đồ họa: T.ĐẠT
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 21-5, ông Võ Thành Hưng, vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết ngân sách năm nay bố trí nguồn để tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hơn 20.000 tỉ đồng. Còn ngân sách chi cho tăng lương hưu năm 2020 khoảng 1.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, Thủ tướng vừa đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với các đối tượng trên từ ngày 1-7 để chia sẻ với người lao động do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Do đó, việc có tạm lùi thời gian áp dụng tăng mức lương cơ sở và lương hưu hay không và khi nào sẽ áp dụng mức tăng thì Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua.
Theo Bộ Tài chính, mức lương cơ sở tăng khoảng 7% trong 4 năm gần đây và thường được áp dụng từ ngày 1-7. Như lương cơ sở năm 2017, tăng thêm 90.000 đồng, lên 1.300.000 đồng/tháng; năm 2018 tăng lên 1.390.000 đồng; năm 2019 lên 1.490.000 đồng.
Còn năm nay, tại kỳ họp diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020. Theo đó, lương cơ sở tăng thêm 110.000 đồng/tháng, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng.
Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 tới.
Bộ Tài chính cho biết ngân sách năm nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Ước tính số thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 491.000 tỉ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai khoản thu đóng góp lớn cho ngân sách là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm tương ứng là 3,7% và 19% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Trong khi đó, về số chi, lũy kế chi 4 tháng đầu năm đạt 472.000 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, số tiền chi cho đầu tư phát triển đạt 89.300 tỉ đồng, tăng hơn 30%; chi trả nợ lãi đạt 41.200 tỉ đồng, tăng 4%; chi thường xuyên đạt 339.000 tỉ đồng, tăng hơn 6% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, để phòng chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính cũng chi 2.800 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm nay. Khoản tiền này được dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, mua thiết bị vật tư y tế, thuốc, phụ cấp cho bác sĩ, tiền ăn cho người ở khu cách ly…
Đặc biệt, triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo nghị quyết 42 của Chính phủ, ngân sách trung ương cũng dành 20.000 tỉ đồng để chi hỗ trợ các đối tượng lao động tự do bị mất việc, giảm sâu thu nhập, hộ kinh doanh, người nghèo, cận nghèo và người có công. Khoản tiền này được trích từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019 để hỗ trợ các địa phương theo quy định.
Mặt khác, từ đầu năm, ngân sách trung ương còn chi 530 tỉ đồng hỗ trợ 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
L.THANH
* Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM):
Còn nhiều việc cần đến nguồn lực ngân sách
Trước khi Chính phủ đề xuất chưa tăng mức lương cơ bản, TP.HCM đã có chủ trương giảm 1/2 thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức để hỗ trợ thêm cho người lao động khó khăn. Chủ trương này được hầu hết cán bộ, công chức ở phường ủng hộ.
Nay trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, việc Chính phủ đề xuất chưa tăng mức lương cơ bản là việc cần làm và tôi hoàn toàn ủng hộ bởi còn nhiều việc cần đến nguồn lực ngân sách.
* Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Cán bộ, công chức nên ủng hộ
Tôi hoàn toàn đồng ý đề xuất của Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức... mặc dù có khó khăn nhưng trong thời điểm hiện tại cũng đang có một khoản thu nhập ổn định và ít khó khăn hơn một số nhóm lao động khác.
Mặt khác, khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế, hỗ trợ người lao động nghèo thì cán bộ, công chức nên ủng hộ Chính phủ để có khoản tiền tập trung cho những khoản đầu tư khác.
* Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
TP.HCM đã tiên phong cắt giảm thu nhập tăng thêm
Có thể thấy nguồn lực của cả nước thời gian qua tập trung nhiều cho công tác phòng chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính phủ cũng đã hi sinh mục tiêu tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh không lây lan, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Điều kiện nguồn lực ngân sách đã khó khăn nay càng khó khăn hơn trong khi công tác phòng chống dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế thời gian tới còn nhiều việc, cần nhiều nguồn lực hơn nữa.
Đề nghị của Chính phủ về việc chưa tăng mức lương cơ bản là hợp lý trong thời điểm này. Thực tế TP.HCM đã đi trước một bước khi thống nhất không những không tăng theo lộ trình mà còn giảm 1/2 thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 03 của cán bộ, công chức để chia sẻ với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Việc chưa tăng mức lương cơ bản là điều không ai mong muốn và việc này trước mắt có thể tạo một số khó khăn trong cuộc sống cho đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... Tuy nhiên, đây cũng là sự san sẻ khó khăn của họ nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất việc do dịch COVID-19.
* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính):
Ủng hộ Chính phủ khôi phục nền kinh tế
Thời gian vừa qua hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, rất nhiều người lao động mất việc, mất thu nhập. Tuy nhiên, lương cán bộ, công chức, viên chức vẫn giữ ổn định. Vì thế, việc lùi thời gian tăng mức lương cơ bản cũng là cách cán bộ, công chức, viên chức... cùng với nhân dân cả nước, Chính phủ góp phần phòng chống dịch, khôi phục nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có sử dụng chi tiêu thường xuyên ngân sách cũng nên có chỉ tiêu, biện pháp để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, từ đó góp thêm nguồn lực cùng với Chính phủ khôi phục nền kinh tế.
TIẾN LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận