Nguyên nhân là do khoảng cách đề xuất giữa đại diện cho người lao động - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - và đại diện phía chủ sử dụng lao động - Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - chênh lệch quá lớn và sau khi thương lượng, hai bên chưa đi đến một điểm chung.
Lương tăng 7,2% hay 16,5%?
Mang đến phiên họp mang tính quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia, bản đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN - đại diện cho người lao động trong hội đồng - đề nghị mức lương tối thiểu năm 2016 tăng từ 350.000 đến 550.000 đồng tùy theo từng vùng.
Tương ứng với mức tăng này, lương tối thiểu của vùng 1 được đề xuất là 3,65 triệu (tăng 550.000 so với hiện nay), vùng 2 là 3,2 triệu (tăng 450.000 đồng), vùng 3 là 2,8 triệu đồng (tăng 400.000) và vùng 4 là 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện nay).
Theo lộ trình này, mức tăng lương tối thiểu được Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất cho năm 2017 là từ 500.000-650.000 tùy theo vùng.
Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết mức điều chỉnh kể trên được xác định dựa trên tính toán vào nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, đồng thời phải đủ bù trượt giá…
Ông Chính nhấn mạnh: Phương án điều chỉnh của Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất là mức tăng thêm hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Trong khi đó, đại diện cho người sử dụng lao động và nhóm Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, VCCI đề xuất mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng thêm chỉ từ 150.000 đến 220.000 tương ứng theo từng vùng. Con số này tương ứng với tỉ lệ tăng lương tối thiểu khoảng 7-7,5% - một khoảng cách chênh lệch quá xa so với phương án đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN.
Lý lẽ để VCCI bảo vệ phương án đề xuất này là ngoài những yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho người lao động, phương án tăng lương tối thiểu cũng phải tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo thống kê của VCCI, hiện nay doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.
Hiện nay, chi phí chủ sử dụng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí ở các doanh nghiệp VN cao nhất so với các nước trong khu vực.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch VCCI, khi tăng lương tối thiểu, các chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động...
Với mức tăng lương tối thiểu của năm 2015, tại nhiều doanh nghiệp tiền đóng các loại bảo hiểm và phí công đoàn cho người lao động đã tăng 35% so với năm 2014.
Sau khi không thể thương lượng để đi đến tỉ lệ tăng lương thống nhất giữa hai bên, phía đại diện chủ sử dụng lao động đã đề nghị dừng phiên họp chiều 5-8.
Sẽ quyết định sau hai tuần nữa
Sau phiên họp không đạt kết quả như dự kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chủ tịch hội đồng - cho biết: Sau khi thảo luận, phía đại diện người sử dụng lao động đã đưa ra đề xuất điều chỉnh phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 lên khoảng 10-11%, thay cho 7-7,5% như ban đầu.
Tuy nhiên, phía Tổng liên đoàn Lao động VN vẫn chưa đồng ý với mức tăng này vì cho rằng lương tối thiểu năm 2016 như vậy vẫn còn thấp, sẽ không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Đồng thời, tỉ lệ tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tăng lương của năm 2014.
Phiên họp đã kết thúc mà không đi đến được sự thỏa thuận giữa các bên và các thành viên trong hội đồng.
Ông Huân đánh giá: “Phương án tăng lương của Tổng liên đoàn Lao động VN là hợp lý. Nhưng phía VCCI phân tích cũng cho thấy những áp lực đối với doanh nghiệp khi tăng lương.
Vì vậy việc tạm dừng phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia là đúng, để các bên cũng như bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu xem xét lại các yếu tố làm cơ sở tính toán cho việc đề xuất lại mức tăng lương trong phiên họp tới của hội đồng sẽ diễn ra sau hai tuần nữa.
Khi trình Chính phủ, phương án tăng lương tối thiểu cần đạt được sự thỏa thuận của các bên, nếu không dễ xảy ra các vấn đề phát sinh tranh chấp sau này”.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân cho biết theo quan điểm của ông - vừa là thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vừa là chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, phương án tăng lương tối thiểu trên 10% là hợp lý. Cao hơn nữa khó khả thi đối với phần lớn các doanh nghiệp.
Một trong những lý do cần cân nhắc khi xác định mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016 là từ 1-1-2016, chủ sử dụng lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định mới, tính trên tổng thu nhập hằng tháng của người lao động.
“Hi vọng lần họp tới, hai bên sẽ thống nhất được phương án để đưa ra bỏ phiếu chọn phương án cuối cùng trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Nếu trong phiên họp tiếp theo sau nửa tháng nữa, sau nhiều bỏ phiếu vẫn không thống nhất được, theo quy chế, chủ tịch hội đồng sẽ quyết định lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu” - ông Phạm Minh Huân cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận