Một người vợ đã vào hội nhóm gia đình để hỏi về chi phí nuôi xe ô tô. Chị không muốn mua xe khi nhà cửa còn chưa có, nhưng khuyên chồng cách nào cũng không được.
Cộng đồng mạng nhiệt tình tư vấn
Bài chia sẻ về tâm tình của người vợ đang trong tình huống khó xử đã thu hút sự chú ý của các thành viên trong hội. Hàng trăm bình luận chủ yếu bênh vực người vợ và chỉ trích người chồng ích kỷ chỉ muốn mua xe thỏa mãn bản thân và để vợ con trong cảnh "nghèo đói". Nhưng cũng có người trấn an rằng nếu lý do mua xe để làm kinh doanh thì có thể chấp nhận được.
- Cái này còn tùy vào chị ở đâu nữa. Như ở Hà Nội thì tháng tầm 5 triệu, chưa tính hỏng hóc.
- Tháng nào cũng tầm 3 triệu tiền xăng. Bảo hiểm 6 triệu/năm. Mình như nam châm nên suốt ngày dính đinh, thêm chi phí vá. Gửi xe đi làm trung bình 50.000 đồng/ngày. Còn đi đâu tìm chỗ đỗ xe với gửi xe mệt luôn. Đấy là nhà ở quê nên không mất phí gửi xe nữa ấy.
- Tôi đi Honda City RS, tháng hết gần 4 triệu tiền xăng, ngày đi 35km. Bảo dưỡng một năm 2 lần.
- Nhà mình ở chung cư. Đi làm cách nhà 3km, xe SUV 5 chỗ. Gửi xe 1,3 triệu. Xăng 1,5 triệu. Năm bảo dưỡng 1-2 lần 3-4 triệu. Bảo hiểm thân vỏ 1 năm: 8-10 triệu. Phí cầu đường, đăng kiểm: 1-2 triệu/1 năm. Nói chung nhẹ mất 50 triệu/năm nhé.
- Nghe là thấy hình như thu nhập 2 vợ chồng không cao lắm nhưng ông chồng cứ thích có xe đi cho oai này.
- Hứng lên đòi mua là kiểu gì cũng hối hận. Nuôi xe = nuôi 1 đứa trẻ con đó. Xe là tiêu sản, chứ không phải tích sản, kể cả khi chán hoặc muốn bán thì vẫn mất giá chứ không có chuyện có lãi bạn nhé. Nếu mua xe để phục vụ công việc, kiếm thêm được kinh tế thì hãy mua. Không thì thôi.
- Xác định mua với mục đích làm kinh doanh hay chỉ đi lại là chủ yếu. Như nhà mình chưa có nhà nhưng mua xe được 7 năm rồi. Do kinh doanh nên bắt buộc phải mua lúc đó.
- Nhà e ở nhà hơn 3 tỉ nhưng vẫn đi xe 1 tỉ chứ không đổi nhà to hơn như mọi người khuyên. Ai bảo đi xe ô tô là tiêu sản chứ ô tô đang bảo vệ tài sản lớn nhất là vợ chồng em với con cái rồi. Em vẫn cứ ưu tiên mua ô tô.
Nuôi xe không rẻ
Trong số này, đáng chú ý có người tận tình liệt kê chi tiết các chi phí. Người này cho biết: "Quan trọng bạn đi nhiều không. Có mấy loại chi phí:
1/ Chi phí cố định:
- Bảo hiểm: 7-10 triệu/năm
- Phí cầu đường nếu thường xuyên đi tỉnh: 20.000 - 50.000 đồng/lượt qua trạm thu phí
- Phí bảo dưỡng sửa chữa định kỳ tùy bạn đi nhiều hay ít nữa nên vô chừng lắm.
- Chuẩn bị một khoản dự phòng để sửa chữa, đóng phạt nguội: 10 triệu/năm.
2/ Chi phí không cố định:
- Chủ yếu là xăng xe, nhiên liệu. Nếu xe xăng thì bạn cứ tính trung bình 1.500-2.000 đồng/km. Còn xe điện thì tầm 500 đồng/km cho dòng xe phổ thông, cứ vậy mà nhân lên cho số km ước lượng bạn đi trong tháng.
- Gửi xe nếu có. Nếu gửi bãi hoặc chung cư thì tầm 1-1,5 triệu đồng/tháng tùy khu vực.
Nôm na thì nếu đi xe xăng chắc tầm 5 triệu/tháng, xe điện chắc tầm 1,5-2 triệu/tháng cho mỗi chi phí nhiên liệu (chưa tính chi phí cố định, gửi xe, giữ xe, phạt nguội, bảo hiểm...) cho mức di chuyển tầm 2.000 - 3.000km/tháng".
Một người khác bổ sung: "Còn khấu hao giá trị sử dụng nữa, lấy mức 20-30% giá trị xe. Xe điện cũng vậy sau 1-2 năm chạy pin chai, hỏng thay thế linh kiện cũng khấu hao. Rồi nếu trả góp ngân hàng thì cũng cộng cả chi phí trả gốc và lãi nữa".
Thu nhập bao nhiêu có thể mua xe ô tô?
Xen lẫn trong các bình luận của cư dân mạng, người vợ cũng hỏi thêm "Ít nhất thu nhập bao nhiêu thì mới nên mua xe ô tô?".
Một cư dân mạng trả lời: "Mình nghĩ không có số cụ thể, mà khi cảm thấy chi phí sinh hoạt con cái đã đầy đủ mà vẫn có dư, hơn nữa nếu mua xe để phục vụ công việc thì nên mua. Còn mua cho có xe với người ta xong hằng tháng gồng gánh chi phí nọ bù chi phí kia thì thôi từ từ".
Nhưng cũng có người khuyên: "100 tỉ thì mua, còn dưới số đó thì cứ gọi taxi đến đón tận cửa nhà, đồ đạc họ mang vác để lên cốp cho, dạ vâng đầy đủ. Lên xe ngủ hưởng thụ. Đến nơi họ báo, dạ anh chị đã đến nơi rồi ạ.
Đấy mới là khôn, đấy mới là hưởng thụ. Tự lái mệt mỏi, không may va chạm vào đâu là nhọc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận