Khu đất trống được quy hoạch làm Khu dân cư Trung An. Trong đó có 3ha xây dựng nhà ở và các thiết chế phục vụ công nhân lao động. Công ty Thuận Phong muốn tỉnh Tiền Giang giao 1,94ha trong khu này - Ảnh: V.TR.
Chưa lập dự án
Tuy nhiên theo ông Phạm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay Công ty Thuận Phong chưa hề nghiên cứu, lập dự án trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tại biên bản làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Thuận Phong ngày 22-11, ông Mai Văn Nước (đại diện công ty này) cũng thừa nhận: "Công ty chưa thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định mà chỉ tìm hiểu diện tích đất. Công ty vẫn theo đuổi dự án này và đề nghị cung cấp thông tin chính thức về kêu gọi đầu tư để công ty nghiên cứu lập dự án theo quy định".
Do Công ty Thuận Phong khiếu nại và đại biểu Quốc hội chất vấn vụ việc này nên bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo này, năm 2013 Công ty Thuận Phong (Khu công nghiệp Mỹ Tho) có văn bản xin "chia" lại 2ha đất thuộc Kho 302 - Quân khu 9 để xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân công ty.
Thời điểm đó, khu đất chưa có quy hoạch nên UBND tỉnh không thể đáp ứng yêu cầu này. Đến năm 2016 mới có quyết định phê duyệt chi tiết khu đất thuộc Kho 302, trong đó dành 3,11ha để xây dựng nhà ở xã hội.
Ngày 12-2-2017, Công ty Thuận Phong tiếp tục có đơn xin thuê hoặc giao 1,94ha đất để xây nhà ở miễn phí cho công nhân.
Cũng trong thời gian này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản đề nghị tỉnh bố trí 2ha đất để xây dựng thiết chế phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì thế UBND tỉnh Tiền Giang đã điều chỉnh quy hoạch Khu dân cư Trung An, bố trí 2ha để xây dựng thiết chế phục vụ công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An. Khu đất 3,1 dùng để xây dựng nhà ở xã hội chỉ còn 1,1ha.
Phải tuân thủ quy trình đấu thầu
Để tạo điều kiện cho Công ty Thuận Phong thực hiện kế hoạch xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân, UBND tỉnh Tiền Giang mời doanh nghiệp này đến giới thiệu khu đất 1,1ha; đồng thời đề nghị nghiên cứu, lập thủ tục đầu tư nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ gửi đến Sở Xây dựng thẩm định, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên Công ty Thuận Phong nhiều lần trả lời không nhận 1,1ha mà yêu cầu tỉnh phải giao đủ 1,94ha, nhưng không thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay không chỉ Công ty Thuận Phong mà một số doanh nghiệp khác ở Tiền Giang cũng để nghị giao đất xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng có văn bản đề nghị giao 3ha đất thì mới đủ xây dựng nhà ở và các thiết chế cho 4.000 công nhân, trong đó có công nhân Công ty Thuận Phong.
UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu đất 3ha đất thương mại tại Khu dân cư Trung An để giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Còn khu nhà ở xã hội 3,1ha sẽ mời đấu thầu theo quy định.
Ông Phạm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết theo quy định tại Điều 57 Luật Nhà ở, đối với nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách thì phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Còn theo Điều 4, Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến nay Công ty Thuận Phong chỉ mới có đơn xin giao đất, thuê đất chứ chưa thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định nên tỉnh không có cơ sở giải quyết.
Tới đây khi Công ty Thuận Phong lập dự án và được phê duyệt thì vẫn phải tuân thủ quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận