Đó là những phòng chăm sóc tâm lý sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Nhiều trường đại học gọi đơn giản là phòng tham vấn tâm lý hoặc có thể hiểu gọn như các bạn sinh viên là nơi đến để "chữa lành" những vết thương tinh thần do học tập, gia đình, tình yêu...
Góc "chữa lành" ngay trong trường đại học
Phòng chăm sóc tâm lý thường được các trường bố trí ở một góc yên tĩnh, kín đáo, tách bạch hoàn toàn với những giảng đường sôi nổi. Như phòng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nằm cách xa giảng đường chính giúp sinh viên không ái ngại khi đến đây, có cửa kính mờ để đảm bảo sự riêng tư.
ThS Nguyễn Thị Ngọc Hân, trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, cho biết nguyên tắc bảo mật và riêng tư luôn là yếu tố hàng đầu trong phòng chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhà trường.
"Không chỉ đạo đức nghề nghiệp thầy cô tư vấn, mà còn trách nhiệm nhà trường với sinh viên. Bởi không an toàn chắc chắn, các em sẽ không dám vào đây", ThS Ngọc Hân khẳng định.
Bước vào phòng, sự "chữa lành" được cảm nhận rõ qua cách bài trí, thiết kế và tiếp đón nồng nhiệt của thầy cô tư vấn. Phòng có cây xanh, ghế đệm được xếp gần nhau tạo sự gần gũi, màu sơn cũng khác so với giảng đường giúp căn phòng trở nên ấm áp, tách biệt không khí học tập căng thẳng.
Tại phòng thực hành tâm lý học Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ngay cả ánh đèn cũng được điều chỉnh sang tông màu ấm, độ sáng vừa phải. Tiểu tiết hơn như không khí phòng cũng được lọc qua bằng máy xông để tạo cảm giác thoải mái cho sinh viên.
ThS Trần Văn Thảo, phụ trách phòng này, lý giải: "Thiết kế phòng cần đảm bảo chuyên môn, an toàn kín đáo. Màu sắc, cấu trúc phòng cũng được nghiên cứu kỹ bởi sẽ ảnh hưởng tâm lý sinh viên. Nếu cảm thấy dễ chịu, họ sẽ chia sẻ đầy đủ hơn giúp tư vấn viên dễ dàng khơi gợi vấn đề".
Thầy cô luôn muốn sinh viên đến với tư cách là người cần lắng nghe, trò chuyện chứ không phải bệnh nhân có vấn đề tâm lý. Đặc biệt, chi phí tham vấn rất rẻ, thậm chí Trường đại học Khoa học tự nhiên và Trường đại học Công nghệ TP.HCM tư vấn hoàn toàn miễn phí cho sinh viên.
Nơi an toàn để sẻ chia
Căn phòng nhìn bên ngoài có vẻ tĩnh lặng nhưng bên trong đèn luôn sáng và có những thầy cô sẵn sàng "gỡ rối" cho sinh viên bất kỳ lúc nào.
Sinh viên có thể kết nối với các thầy cô tư vấn bằng nhiều hình thức như nhắn tin qua fanpage, điền link đăng ký online hoặc cũng có thể đến trực tiếp đặt lịch hẹn. Không chỉ trong giờ hành chính, điện thoại thầy cô phụ trách phòng luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của sinh viên mọi lúc.
ThS Thảo cho biết mỗi tuần phòng thực hành tâm lý của trường tiếp nhận khoảng 3-4 sinh viên. Tại đây, sinh viên sẽ được lắng nghe một cách chuyên nghiệp, được chia sẻ tận tâm, khi thấy sinh viên ổn mới kết thúc ca.
Sau đó còn là quá trình hậu tư vấn, thầy cô sẽ thường gọi điện trao đổi xem tình hình sinh viên có thật sự ổn hay chưa. Nếu không cải thiện, nhà trường sẽ kết nối với gia đình để đề xuất biện pháp tốt hơn.
Đời sinh viên bao chuyện buồn vui nhưng người đến với những phòng chăm sóc tinh thần đa số là chuyện buồn. Sinh viên vỡ òa khi tìm được nơi chia sẻ, kích động khi cảm xúc chất chứa bấy lâu được giải tỏa. Nói vui thì có buổi tư vấn hết cả hộp khăn giấy cũng là chuyện thường.
"Khi gặp những tình huống đó, tôi cứ để cho sinh viên bung xõa, được khóc, được bày tỏ cảm xúc các bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, trường hợp kích động quá mức an toàn thì chắc chắn phải can thiệp", ThS Thảo chia sẻ.
Còn ThS Phạm Thị Thanh Quí, chuyên viên phụ trách chăm sóc sức khỏe tinh thần Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết chuyện sinh viên đã can đảm đến đây nhưng lại không dám mở lời cũng rất bình thường.
"Sinh viên đến chia sẻ vốn dĩ là những điều thầm kín, đôi khi yếu đuối. Nên cần phải tạo cảm giác an toàn, đáng tin cậy cho các bạn. Không ai được tiết lộ, không ai được quyền biết ngoài người tham vấn và sinh viên. Hồ sơ lưu trữ sinh viên đến đây cũng mật, không ai được tiếp cận nếu chưa có sự đồng ý của sinh viên", ThS Quí khẳng định.
Công tác bảo mật quan trọng một thì việc kéo gần khoảng cách giữa sinh viên và người tư vấn quan trọng tới mười. Đây là yếu tố then chốt giúp sinh viên mở lòng. Thầy cô tham vấn luôn tôn trọng sinh viên, tạo cảm giác gần gũi như con em trong gia đình, không được phán xét, không xúc phạm dù sinh viên ăn mặc hay cảm xúc có bất ổn thế nào.
Tầm quan trọng
Không phải tự nhiên mà một trường không đào tạo khối ngành xã hội - tâm lý như Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại đầu tư hai căn phòng bài bản ở hai cơ sở như vậy.
Theo ThS Ngọc Hân, việc thành lập phòng chăm sóc sức khỏe tinh thần xuất phát từ nhu cầu cần có nơi để chia sẻ, tháo gỡ những vấn đề ngày càng nhiều và phức tạp của sinh viên. Thậm chí đã có nhiều buổi cà phê giữa chuyên viên tư vấn và sinh viên, có những giờ trao đổi ngoài tiết học để "gỡ rối" cho các em.
Nhiều trường hợp có ý định tự tử đã thay đổi suy nghĩ khi được nghe những lời khuyên từ thầy cô. Thử tưởng tượng nếu không có những phòng này thì chẳng biết những sinh viên ấy sẽ quyết định bồng bột thế nào.
Vừa kết thúc ca tư vấn của mình, N.T.P.T. - sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cho biết đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Trải qua gần 60 phút, cô đã tìm ra cách phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa mình và gia đình đang lục đục.
Cô gái trẻ tâm sự nếu gặp vấn đề tâm lý hay stress sẽ thường chọn đến trung tâm chăm sóc tâm lý của trường đầu tiên, vì nói chuyện với thầy cô tại đây giúp cô cảm thấy thoải mái hơn bạn bè và gia đình.
Sinh viên ngày nay dễ gặp vấn đề sức khỏe tinh thần
TS Huỳnh Ngọc Anh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết nhiều người đánh giá sinh viên ngày nay sướng hơn thế hệ trước. Điều đó đúng nhưng không đồng nghĩa các em không chịu nhiều áp lực, mà trái lại áp lực còn nhiều hơn thế hệ trước.
Sinh viên có đặc thù học xa gia đình, các bạn gặp vô vàn vấn đề như xung đột quan hệ, áp lực học tập, bế tắc trong gia đình, có một số trường hợp gặp vấn đề ở nơi làm thêm, làm việc nhóm. Thậm chí một số bạn bị trầm cảm, lo âu.
"Ngày xưa khổ cực thì áp lực theo kiểu hồi xưa, ngày nay thuận tiện thì các em lại bị gia đình áp lực về thành tích học tập. Mạng xã hội phát triển, áp lực đồng trang lứa cũng là thứ khiến nhiều bạn stress. Đặc biệt là quan hệ tình cảm, đây là thứ dễ gây nguy hiểm nhất nếu suy nghĩ thiếu chín chắn", TS Ngọc Anh nói thêm.
Đồng quan điểm với TS Ngọc Anh, ThS Ngọc Hân cho biết tâm lý và kết quả học tập của sinh viên có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một sinh viên có vấn đề về sức khỏe tinh thần thì khó lòng đạt được kết quả học tập tốt, nhưng nếu sinh viên khỏe mạnh về mặt tinh thần thì việc học chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận