Chiều 16-7, tại buổi làm việc với đoàn khảo sát thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhiều ban ngành, quận, huyện tại TP.HCM có ý kiến về chứng chỉ hành nghề theo dự thảo của Luật Nhà giáo sẽ ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực của ngành giáo dục.
Định kỳ 5 năm cấp giấy phép hành nghề: Thêm thủ tục hành chính cho giáo viên
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chuẩn nhà giáo bao gồm bốn tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học, người đó phải đáp ứng ba tiêu chí: đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo; hoàn thành nội dung bồi dưỡng và thực hành nghề theo quy định; đạt kết quả đánh giá để cấp giấy phép hành nghề dạy học theo quy định.
Đại diện đến từ Sở Nội vụ TP.HCM cho biết sau khi làm việc với nhiều trường, nhiều giáo viên, ông nhận thấy nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn về việc cấp chứng chỉ hành nghề.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề có ưu điểm và hạn chế. Hạn chế đó là phát sinh thêm chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Định kỳ 5 năm cấp chứng chỉ hành nghề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Thực tế là có những giáo viên giỏi nhưng lại thiếu các chứng chỉ theo quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay. Vì thế, phải giảm tác động của việc cấp chứng chỉ hành nghề, đảm bảo giáo viên nào cũng đáp ứng được tiêu chí tối thiểu để được cấp chứng chỉ hành nghề", đại diện Sở Nội vụ TP.HCM lên tiếng.
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cũng cho rằng luật mới cần xét việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo để giảm thủ tục hành chính, không thực hiện bằng kỳ thi vì gây thêm tốn kém.
Đại diện từ UBND quận 7 cũng rất băn khoăn về việc dự thảo đang yêu cầu để một giáo viên được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học phải có thêm rất nhiều chứng chỉ khác: "Vì thế, tôi chỉ mong sao việc cấp chứng chỉ hành nghề dạy học cho giáo viên không phải là thêm các thủ tục hành chính cho giáo viên".
Đề xuất bỏ "thu hồi giấy phép hành nghề" của giáo viên
Không chỉ băn khoăn về việc cấp giấy phép hành nghề, điều 21 về thu hồi giấy phép hành nghề giáo của dự thảo Luật Nhà giáo cũng khiến nhiều người cho rằng đó là bất cập.
Theo dự thảo, giấy phép hành nghề giáo bị thu hồi trong bốn trường hợp: nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; không đạt điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề; vi phạm kỷ luật buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định.
Ông Tống Phước Lộc, trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đề nghị Luật Nhà giáo không nên thu hồi giấy phép hành nghề dạy học của nhà giáo.
"Đề nghị những người tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành giáo dục không phải xét cấp chứng chỉ hành nghề. Tôi cũng đề nghị không nên thu hồi giấy phép hành nghề", ông Lộc nêu ý kiến.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết mong muốn của đoàn khảo sát là lắng nghe, tìm hiểu từ thực tế để có thể cho ra đời Luật Nhà giáo trong đó có cơ sở để tuyển được người giỏi, người tâm huyết, có phẩm chất vào nghề giáo.
Chứng chỉ hành nghề càng khiến khó tuyển giáo viên
Đại diện huyện Củ Chi cho biết do địa bàn là vùng sâu vùng xa của TP.HCM, mỗi năm huyện này tuyển giáo viên hai lần nhưng không có nguồn giáo viên để tuyển. Nên nếu giờ còn yêu cầu về chứng chỉ hành nghề nữa thì những quận, huyện như Củ Chi đã khó càng khó tuyển giáo viên hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận