Phóng to |
Ông Phạm Quang Tú - Ảnh: C.V.K. |
Đó là ý kiến của ông Phạm Quang Tú, giám đốc Văn phòng tư vấn phản biện xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN. Ông Tú cho rằng thuế không thể đánh trên nhu cầu chi của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tăng nhiều loại phí, thì một động thái điều chỉnh thuế theo hướng khoan sức dân cần được tính toán để người dân thật sự thấy nó có ý nghĩa, nếu không nó có thể phản tác dụng.
* Mức giảm trừ gia cảnh do Bộ Tài chính đưa ra áp dụng từ năm 2014, theo ông, có thật sự “khoan sức dân”?
- Theo tôi, dự thảo mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2014 là 6 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp. Nói khoan sức dân thì phải lấy căn cứ sức dân làm đầu chứ? Và đã “khoan sức” thì trước tiên phải cho họ đủ sức duy trì được cuộc sống bình thường, tối thiểu trong bối cảnh hiện tại. Với mức giảm trừ gia cảnh như Bộ Tài chính đề xuất, người dân sẽ phải gắng gượng để đóng thuế trước cả khi được có cuộc sống bình thường. Vì vậy, đây không thể nói là khoan sức dân.
* Phải chăng người làm chính sách chỉ mới quan tâm đến việc thu ngân sách mà chưa thật sự chia sẻ với dân?
- Theo tôi, người trong ngành tài chính phải nghĩ tới thu thuế cho ngân sách cũng đúng, nhưng với mục tiêu cao nhất cho giai đoạn hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội thì việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả ngân sách nhà nước, đồng thời với việc khoan sức cho dân sẽ tốt hơn so với việc thu nhiều thuế của dân nhưng rồi lại nói ở đâu đó vẫn sử dụng không hiệu quả ngân sách nhà nước.
Trong định hướng chiến lược ngành tài chính, Bộ Tài chính đã đề ra chủ trương phải khoan sức dân, giảm dần các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, TNCN, VAT, tiêu thụ đặc biệt... Thuế TNCN nên được ưu tiên giảm trước và đặt trọng tâm bởi đây là thuế trực thu, người dân phải đóng trực tiếp chứ không phải qua tiêu dùng mới đóng như VAT. Hiện người dân đang phải chịu nhiều loại thuế và họ đã khó khăn nhiều năm do lạm phát rồi...
Tôi cho rằng Bộ Tài chính không nên mãi giữ quan điểm mức đề xuất mà ai cũng hiểu với số tiền đó rất khó để có thể trang trải cho bản thân, nuôi một người phụ thuộc (đặc biệt là trẻ em đang tuổi đến trường) trong thời điểm năm 2014. Với mức đề xuất như thế, khó có thể nói việc đề xuất sửa Luật thuế TNCN đạt mục tiêu chính đã được đề ra.
● TS Trần Du Lịch (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Nên áp dụng Luật thuế TNCN sửa đổi từ năm 2013 Mức khấu trừ gia cảnh đang áp dụng không còn phù hợp do không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu vì thời gian qua giá cả đã biến động rất nhiều. Nếu điều chỉnh theo phương án áp dụng số tuyệt đối thì Bộ Tài chính cũng phải tính toán được hệ số trượt giá trên thị trường từ thời điểm áp dụng cho đến nay sao cho vẫn duy trì được quan điểm đảm bảo được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên theo tôi, nên điều chỉnh theo hướng căn cứ trên mức lương tối thiểu để khi lương tối thiểu tăng thì mức giảm trừ cũng sẽ tăng theo. Tôi cũng đề xuất lấy mốc lương tối thiểu áp dụng vào tháng 5 là 1.050.000 đồng làm căn cứ, trên cơ sở đó tính toán ra rằng mức giảm trừ gấp bao nhiêu lần lương tối thiểu thì đảm bảo không thấp hơn sức mua thực tế của 4 triệu đồng vào thời điểm 1-1-2009. Đây cũng là phương án tối ưu vì tránh việc điều chỉnh luật nhiều lần. Tôi đề xuất nếu Quốc hội thông qua việc sửa Luật thuế TNCN vào năm 2012 thì áp dụng ngay từ đầu năm 2013 chứ không thể nào chờ đến năm 2014 mới áp dụng được. Đồng thời không nhất thiết Luật thuế TNCN sau khi sửa phải ổn định trong bốn năm. Quốc hội chỉ quyết thời điểm áp dụng, còn trong quá trình thực thi nếu bất cập thì trình Quốc hội xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, hiện nay có tình trạng bất công là người làm công ăn lương phải nộp thuế sòng phẳng trong khi những nguồn thu nhập khác thì cơ quan thuế không kiểm soát được. Đây là điểm Bộ Tài chính nên lưu ý trong lần sửa này.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận