Những chú dơi may mắn được giải cứu từ... quán nhậu, đưa về thả lại tại chùa Dơi - Ảnh: VĂN VŨ
Dơi mẹ mỗi năm chỉ đẻ một con. Nhưng số lượng sinh sản không bù nổi số lượng mất đi vào các... bàn tiệc.
Tổ dơi lớn nhất ĐBSCL
"Chừng 20 năm trước, toàn bộ cây trong chùa đều chi chít dơi đậu. Còn cách nửa cây số đã nghe vọng tiếng dơi rù rì rồi" - thượng tọa Lâm Tố Linh, phó trụ trì chùa, nói.
Thượng tọa Linh khăn gói vào chùa tu hành cách đây 40 năm. Quanh chùa lúc ấy là đầm lầy, đồng vắng. Nhánh những cây sao, cây dầu trong khu vực chùa oằn vòng xuống vì dơi đậu. "Mỗi sáng chúng bay đi, chiều lại về. Mỗi lần bay là rợp trời. Mỗi con dơi quạ trưởng thành để theo đàn thì sải cánh phải từ 1-1,5m.
Cả chục ngàn con bay rợp bầu trời" - thượng tọa Linh kể. Trên cây chi chít dơi đậu, nhìn từ xa đen kịt một màu. Dưới thì tha hồ chim còng cộc, điên điển, cò... Cả ngôi chùa Mahatup lúc ấy như một tổ chim khổng lồ giữa thiên nhiên Sóc Trăng.
Dơi tại chùa Dơi cũng mang một đặc trưng so với tất cả các vùng dơi khác là rất thân thiện với người.
Thượng tọa Linh nói từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1999, lượng du khách, người hành hương đổ về ngày càng nhiều.
Những con dơi dường như đã lưu trú ở đây từ bao đời, không sợ trống chiêng rộn ràng hay những du khách tò mò tiến sát gần để ngắm. Chúng vẫn thản nhiên xem đó là một ngôi nhà bình yên để quay về.
Thưa thớt
Nhưng 10 năm trở lại đây, dơi về ngày càng thưa thớt.
Hiện nay, trong chùa chỉ có một khu vực nhỏ còn dơi lưu trú. Những thân cây dầu, cây sao trong khu vực này vẫn vắt vẻo dơi treo ngược mình ban ngày. Nhưng cảnh chen chúc nhau đậu thì không còn thấy nữa. Đứng trong sân chùa, phải cố gắng lắm mới nghe được tiếng dơi rù rì vì bị những âm thanh mời mọc mua hàng lấn át.
Ông Nguyễn Văn Vũ - cán bộ Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng - cho hay so với số lượng hàng chục ngàn con từ cách đây 40 năm thì theo khảo sát của Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam vào năm 2013, dơi chỉ còn 1.800 - 2.000 con. "Đến nay vẫn chưa khảo sát lại được, nhưng chắc chắn số lượng đang tiếp tục giảm" - ông Vũ nói.
Thậm chí từ chỗ là nơi tập trung đông dơi nhất, số lượng dơi tại khu vực chùa Dơi hiện nay đã ít hơn rất nhiều so với vùng rừng phòng hộ ở khu vực huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Những con số cũng đáng buồn như những câu chuyện mà người dân Sóc Trăng nói về dơi thời gian gần đây. Trẻ con trong vùng không còn niềm vui nâng niu những con dơi con đang tập bay bị rớt xuống đất, rồi tìm chỗ nấp xem dơi mẹ về tìm rước con lên lại cành.
Trong khi đó, những mảnh lưới giăng bẫy dơi được các thành viên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng phát hiện ngày càng nhiều. Những đồn thổi về tính bổ dưỡng của thịt dơi, thực đơn chế biến ngày càng được kéo dài ở nhiều nhà hàng, quán nhậu.
"Giá dơi từ vài trăm ngàn đồng nay đã lên tiền triệu, dơi thưa thớt theo" - ông Vũ nói. Năm 2013, Viện hàn lâm Khoa học còn gắn chip lên 7 con dơi trưởng thành để nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những con dơi này đi kiếm ăn đến 50 - 60km trong một đêm. Vòng kiếm ăn càng xa, những nguy hiểm càng vây bủa đối với loài thú này.
Ăn dơi, coi chừng virút
Việc đi bắt, xử phạt các nhà hàng, địa điểm ăn uống phục vụ món dơi cũng ngày càng được thực hiện gắt gao.
"Nhưng giờ họ bán ngày càng tinh vi. Các nhà hàng không còn nhốt dơi nữa, chỉ khi có khách đặt mới đưa về chế biến. Chúng tôi cũng thỉnh thoảng bắt được vài bàn ăn có món dơi, nhưng điều đó chỉ là số ít.
Người ta đồn thổi thịt dơi ngon, máu dơi bổ, trong khi những điều mà khoa học chỉ ra như trong máu dơi mang mầm mống virút ung thư não, thịt dơi cũng như thịt chuột thì không ai để ý" - ông Vũ cảnh báo.
Dơi ngày càng vắng. Tiến sĩ Huỳnh Vũ Lam - Hội Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng - cho rằng ngoài việc biến đổi cảnh quan thiên nhiên, đô thị hóa xung quanh khu vực chùa Dơi thì cảm thức của người đến với chùa Dơi cũng đã khác xa với thuở trước.
"Dơi trở thành một điểm nhấn để tôn vinh thêm văn hóa chùa của người Khmer. Nhưng lúc trước nếu như họ đến với chùa gần như không để ý đến dơi thì từ khi du lịch nổi lên, nhiều người đổ về chùa Dơi đã mang tâm thức khác, họ đến với... dơi, coi dơi" - tiến sĩ Lam lý giải.
"Xin đừng ăn thịt dơi" - ông Vũ nói và đây là câu mà rất nhiều người lặp đi lặp lại. Ông Vũ cho biết công tác bảo tồn dơi đã được đưa vào rất nhiều cuộc họp, hội thảo, tập huấn về kiến thức loài dơi cũng được tổ chức luân phiên.
"Nhưng khi người dân vẫn còn muốn ăn thịt dơi thì dơi ở chùa Dơi vẫn đứng trước nguy cơ biến mất trong thời gian rất gần" - ông Vũ thở dài.
Dơi ở chùa Dơi không còn nhiều. Việc “giải cứu” dơi cũng năm thì mười họa. Chúng ngày càng mất đi - Ảnh: VĂN VŨ
Dơi là loài có lợi
Đến nay, ở Việt Nam đã ghi nhận được 107 loài dơi thuộc 31 giống, 7 họ, trong đó có 3 loài thuộc giống Pteropus là Pteropus hypomelanus (dơi ngựa bé), Pteropus lylei (dơi ngựa Thái Lan) và Pteropus vampy pus (dơi ngựa lớn), được xếp vào những nhóm loài dơi lớn của thế giới. Ở Sóc Trăng, cả 3 loài này đều được ghi nhận ở khu du lịch tại khuôn viên chùa Dơi và rừng phòng hộ thuộc xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung. Hiện nay, loài dơi này thuộc nhóm IIB của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Loài dơi này rất có lợi trong hệ sinh quyển tự nhiên khi góp phần vào việc thụ phấn hoa, diệt trừ sâu bọ... Theo quy định, những hành vi săn bắt, buôn bán loài động vật này nếu phát hiện đều sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, trong giai đoạn 2016-2020, có hơn 300 triệu đồng kinh phí để bảo tồn dơi, chủ yếu cho công tác tuyên truyền, khoanh nuôi bảo vệ, hội thảo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận