Trong số các giảng viên thỉnh giảng bị loại khỏi danh sách, có nhiều người là quan chức.
Đây cũng chính là đối tượng được dư luận quan tâm đặc biệt vì "bộ trưởng, vụ trưởng… bận bịu với vô vàn công việc của một công chức thì lấy đâu ra thời gian đi giảng dạy và đầu tư cho nghiên cứu?".
Trao đổi với Tuổi trẻ, GS Bùi Văn Ga, phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, cho rằng dư luận cũng cần hiểu đúng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước chỉ là nơi công nhận ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, còn việc bổ nhiệm thuộc về trường đại học.
Chỉ khi cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm giáo sư thì người đó mới chính thức được gọi là giáo sư.
Hiện tại, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, giáo sư hay phó giáo sư chỉ là một chức danh cụ thể của giảng viên: "Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư".
Tuy nhiên, việc một người đang là công chức, viên chức ở một bộ, ban, ngành, một cơ quan ngoài cơ sở giáo dục đại học có đủ tiêu chuẩn để trường đại học bổ nhiệm vào vị trí giáo sư không thì hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từ cơ quan quản lý Nhà nước.
"Vấn đề đặt ra là người đang là công chức, viên chức ở một bộ, một cơ quan thì có được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư - cũng là một viên chức ở một cơ quan khác - là trường đại học không? Được hay không được phải có hướng dẫn của Bộ Nội vụ" - ông Ga nói.
Vì không có quy định rõ nên thời gian qua vẫn có trường bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho những người đang là quan chức bên ngoài.
Theo ông Ga, còn nếu có quy định rõ không cho phép một công chức được bổ nhiệm chức danh giáo sư ở trường đại học thì những người này nếu có đủ điều kiện vẫn có thể đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh.
Sau này, khi về hưu, không làm công tác quản lý, người đã đạt chuẩn có thể đăng ký để được bổ nhiệm giáo sư ở trường đại học.
Thậm chí, người được công nhận đạt chuẩn chức danh đang làm cán bộ quản lý, nhưng thích nghiên cứu và giảng dạy, sẵn sàng bỏ vị trí quản lý thì có thể chuyển về công tác tại trường đại học cụ thể để có thể được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư .
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT quy định về thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục ghi rõ: "Trong hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản nhà giáo thỉnh giảng cam kết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác".
Vì vậy, rất khó để người làm quan chức bận bịu vừa "bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác" lại vừa có thể giảng dạy, nghiên cứu đạt đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận