Phóng to |
Ảnh: kvcc.edu |
Sau khi tốt nghiệp, em nộp đơn lại (vị trí nhân viên hành chính) tại một ngân hàng trước đây em từng nộp hồ sơ. Các anh chị ở ngân hàng đã gọi em nhiều lần, sau đó nói muốn em vào làm vị trí kế toán tổng hợp.
Em rất bất ngờ vì không nghĩ rằng một ngân hàng lớn lại chấp nhận cho một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm kế toán. Em đã trình bày nỗi lo ấy, nhưng các anh chị nói cứ được hướng dẫn rồi sẽ biết hết. Và em đã đi học việc được một tuần.
Khi em đọc , em thấy trái ngược với tình huống của em quá. Ngân hàng không hề hỏi nghiệp vụ, phỏng vấn lại chọn một người chưa có kinh nghiệm kế toán làm một vị trí quan trọng là kế toán tổng hợp. Mọi thứ đối với em hình như quá dễ dàng, rất khác so với câu trả lời của chuyên viên tư vấn...
Em có nên tiếp tục hay không? Vì em thấy kinh nghiệm và kiến thức còn quá ít, môi trường làm việc cũng không thân thiện như ngân hàng cũ. Hiện mỗi ngày em đều đi làm trong sự lo lắng, sợ làm sai, làm chậm, sợ mọi người nghĩ em kém vậy sao lại được vào mà không cần thi, thậm chí em cảm thấy có vài chị đối xử theo kiểu "ma cũ ăn hiếp ma mới", xì xầm rằng em được gửi gắm....
Hiện tại ngân hàng cũ vẫn kêu em khi nào ra trường về làm lại (cũng chức danh kế toán), và môi trường ở ngân hàng này tốt hơn rất nhiều (thân thiện, nhiệt tình hướng dẫn...). Trong khi đó gia đình ai cũng mong muốn em làm ở ngân hàng hiện tại chứ không muốn em làm ngân hàng cũ.
Em rất mong được tư vấn nên giải quyết như thế nào, bởi theo em, dù cố gắng chứng tỏ năng lực, cố gắng trau dồi nhưng em vẫn nghĩ ngân hàng đã chọn lựa em hơi vội vàng, và môi trường ở phòng nơi em làm việc thật sự ảnh hưởng tới tinh thần em rất nhiều, thêm áp lực về kiến thức, kỹ năng làm em không có hứng thú đi làm như ở ngân hàng cũ...
(Lan Thanh)
- Tư vấn của ông Mai Đức Công - Ngân hàng TMCP Đại Á:
Chào bạn. Đọc nội dung email của bạn, tôi thấy có hai vấn đề chính mà bạn đã nêu ra có xu hướng trái chiều nhau.
Thứ nhất: bạn cũng nhận thấy rằng kiến thức và kinh nghiệm của bạn không phù hợp ở vị trí hiện tại (nhân viên kế toán tổng hợp), môi trường làm việc không thân thiện (theo nhận xét của bạn) và bạn đã đi làm với tâm trạng không được thoải mái, lo lắng và đầy áp lực.
Thứ hai: theo nhận xét của bạn thì ngân hàng cũ (mời bạn về làm nhân viên kế toán) có môi trường làm việc tốt hơn rất nhiều ngân hàng hiện tại bạn đang làm, nhưng do gia đình không muốn bạn làm ở ngân hàng đó.
Theo tôi thấy, vấn đề là ở chỗ bạn chưa xác định được cho mình một mục tiêu công việc cụ thể và rõ ràng. Bạn tốt nghiệp kế toán, đi thực tập vị trí giao dịch viên nhưng sau khi vừa tốt nghiệp bạn lại nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên hành chính. Như vậy đâu là vị trí mà bạn cho là phù hợp với kiến thức và sở trường của mình? Chỉ khi nào bạn xác định rõ ràng thì bạn mới có quyết định đúng đắn.
Tôi xin phép không đề cập đến hai ngân hàng này nhưng với hiểu biết cá nhân thì hầu như không có ngân hàng nào chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường vào vị trí nhân viên kế toán tổng hợp (vì vị trí này đòi hỏi ứng viên cần có kinh nghiệm kế toán ngân hàng) ngoại trừ ứng viên đó cực kỳ xuất sắc.
Tôi cung cấp cho bạn một kết quả khảo sát gần đây nhất của một công ty có uy tín tại TP.HCM để bạn tham khảo cho quyết định của mình:
Bốn yếu tố quan trọng nhất đối với một công ty theo nhận thức của người lao động là:
- Yếu tố đứng thứ nhất: cơ hội phát triển nghề nghiệp;- Yếu tố đứng thứ hai: môi trường làm việc;- Yếu tố đứng thứ ba: thu nhập;- Yếu tố thứ tư: về tổ chức và thương hiệu của công ty.
Chúc bạn thành công với quyết định của mình!
- Tư vấn của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - trưởng nhóm tư vấn nghề nghiệp Kiemviec.com:
Chào bạn. Đọc tâm sự của bạn, tôi rất đồng cảm với những trăn trở về nghề nghiệp của bạn. Hầu như các bạn khi mới tiếp xúc với công việc giai đoạn đầu tiên đều không tránh khỏi sự bỡ ngỡ và lúng túng. Đối với trường hợp của bạn, tôi nghĩ bạn nên cần thời gian suy nghĩ thật kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất trong trường hợp này.
Bây giờ, chúng ta cùng phân tích tình trạng công việc của bạn hiện nay nhé.
Với vị trí kế toán tổng hợp ở ngân hàng hiện tại, bạn đang có rất nhiều tâm trạng đan xen: lo lắng, sợ làm sai, làm chậm, sợ mọi người nghi ngờ năng lực… Với những biểu hiện tiêu cực như vậy, có thể thấy mỗi ngày bạn đều phải gồng mình chiến đấu. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ không còn đủ sức để theo đuổi công việc này đến cùng.
Công việc thường ngày cũng đủ làm bất kỳ ai cảm thấy áp lực, nay bạn phải chịu thêm áp lực từ môi trường và đồng nghiệp xung quanh thì thật sự khá khó khăn cho bạn. Công việc bạn có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào những mối quan hệ đồng nghiệp, cộng sự liên quan. Một khi bạn cảm thấy khó hợp tác, công việc của bạn khó có thể phát triển và bạn cũng không có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, bạn có chia sẻ là bạn không còn hứng thú đi làm khi chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Điều này quả thật nguy hiểm bởi nếu bạn đánh mất lửa và lòng nhiệt huyết, bạn sẽ không toàn tâm toàn ý cho công việc. Mà như vậy những sai phạm trong công việc sẽ là điều khó tránh khỏi.
Lời khuyên của tôi là bạn nên chia sẻ suy nghĩ với những người xung quanh, đặc biệt là gia đình bạn. Mọi người muốn bạn có công việc tốt nhưng đâu nhất thiết là buộc phải ở ngân hàng lớn mới phát triển bản thân. Có rất nhiều tấm gương thành đạt có xuất phát điểm rất nhỏ. Quan trọng là bạn phải cảm nhận được những giá trị thật sự trong công việc của mình. Chỉ khi nào bạn yêu công việc và luôn trong trạng thái sẵn sàng học hỏi, có tinh thần cầu tiến, bạn mới thật sự thu nhận kinh nghiệm quý báu sẽ giúp bạn phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Bạn nên cân nhắc thật kỹ và chúc bạn có những quyết định đúng đắn nhé!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận