Bị cáo Hoàng Công Lương đã 3 lần bị thay đổi tội danh - Ảnh: DANH TRỌNG
Tranh tụng với quan điểm luận tội của VKS, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng cơ quan công tố chưa chỉ ra được quy định của pháp luật làm căn cứ xác định trách nhiệm của hai bị cáo Hoàng Công Lương và Đỗ Anh Tuấn.
Luật sư Phúc nêu quan điểm, để buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương, VKS phải chỉ ra được bị cáo này vi phạm điều khoản nào của luật, kể cả các văn bản dưới luật. Trong trường hợp này có thể dẫn ra Luật khám chữa bệnh, quy chế bệnh viện ban hành năm 1997 của Bộ Y tế, hay quy trình kỹ thuật lọc máu được ban hành năm 2014 và cả quy trình kỹ thuật lọc máu chạy thận nhân tạo chu kỳ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình năm 2010.
Tuy nhiên, xuyên suốt hoạt động điều trị của bị cáo Hoàng Công Lương thì lại không thấy vi phạm bất cứ quy định nào. Luật sư Phúc đề nghị cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ vấn đề trên. Luật sư viện dẫn quy định của Luật khám chữa bệnh, theo đó, hành vi ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh của bị cáo Lương không rơi vào vi phạm nào của luật.
Bên cạnh đó, luật sư cũng đối chiếu các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, ý kiến, kết luận của hội đồng chuyên môn thì bị cáo Lương cũng không có sai sót trong việc khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu, xử lý sự cố.
Luật sư Trần Hồng Phúc trao đổi với thân chủ sau phiên xử - Ảnh: DANH TRỌNG
Luật sư Hoàng Ngọc Biên cho rằng căn cứ vào lời khai của các bị cáo, việc bác sĩ Hoàng Công Lương ký vào phiếu đề nghị sửa chữa chỉ là để hợp thức hóa thủ tục hành chính của bệnh viện. Thực tế các bác sĩ của khoa hồi sức tích cực ai cũng có thể ký vào phần đại diện của khoa được.
Hơn nữa, theo luật sư, Hoàng Công Lương chỉ là bác sĩ điều trị như các bác sĩ khác tại đơn nguyên thận nhân tạo, chưa được bổ nhiệm giữ chức vụ gì của khoa phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Vì vậy, VKS cáo buộc Lương là người thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 là hoàn toàn không có cơ sở.
Đối với cáo buộc của VKS cho rằng bị cáo phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng và phải có kết quả xét nghiệm chất lượng nước..., các luật sư cho rằng Hoàng Công Lương được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật lọc máu nhân tạo nên đương nhiên biết việc nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, bác sĩ điều trị không thể nhìn bằng mắt thường mà biết được nước RO có đảm bảo chất lượng hay không mà phải thông qua các thiết bị. Thiết bị ở đây duy nhất là chiếc đồng hồ đo độ dẫn điện.
Trước khi ra y lệnh, điều dưỡng đã thông báo đồng hồ đo độ dẫn điện đang ở mức an toàn. Vì thế, theo luật sư Biên, bị cáo Lương và các điều dưỡng trong ca trực đã làm tròn trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước.
Liên quan đến vấn đề kỹ thuật, một số luật sư cho rằng "bí quyết nghề nghiệp" của bị cáo Quốc mới là nguồn cơn dẫn đến việc tồn dư chất florua trong hệ thống nước RO. Kỹ sư xử lý nước này đã dùng một hợp chất HF để tẩy rửa màng lọc RO và ngay cả đơn vị ký hợp đồng bảo dưỡng với Quốc là Công ty Thiên Sơn cũng không biết đến bí quyết này của Quốc.
Luật sư Trần Hồng Phúc chỉ ra Bộ Y tế chưa cho phép sử dụng chất HF trong sửa chữa các trang, thiết bị y tế. Tuy nhiên, chất này cũng không nằm trong danh mục hóa chất cấm sử dụng. Vì vậy, luật sư cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả của sự cố chạy thận làm 9 người chết ở tỉnh Hòa Bình là do sự sơ hở, thiếu sót của cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế bị cáo Quốc đã sử dụng cách pha chế một số axit để tạo ra một chất riêng dùng trong việc khử trùng, tẩy rửa các hệ thống nước trong các bệnh viện 13 năm nay. Bị cáo có đăng ký kinh doanh và sử dụng "bí quyết nghề nghiệp" này ở nhiều bệnh viện.
Đến khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý mới ra thông báo rằng chất này không được phép dùng trong việc khử khuẩn, khử trùng trang thiết bị y tế. Cũng đến 11 tháng sau sự cố Bộ Y tế mới ban hành quy định cơ quan được hướng dẫn về quy trình chạy thận.
Ngày 24-1, đại diện VKS TP Hòa Bình đối đáp các quan điểm này của luật sư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận