06/06/2013 00:09 GMT+7

Chua chát hạt lúa

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Đầu tuần, Tuổi Trẻ có bài phản ánh tình trạng lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long chín rục, nảy mầm khi chưa thu hoạch mà không có người mua. Nhiều nông dân khóc ròng: “Lúa thóc thế này chỉ có nước cho vịt ăn chứ ai mua mà bán”.

Thật là chua chát! Câu nói của nông dân trồng lúa đã cho thấy bức tranh sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long thời điểm này.

Đó là giá lúa rất thấp mà cũng không có người mua, nhiều nông dân phải bỏ lúa lên mộng chứ không thể thu hoạch. Với cây lúa, chuyện này chưa từng xảy ra trong quá khứ.

Chỉ mới một hai năm trước đây thôi, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) liên tục tung hô thành tích xuất khẩu gạo của VN đã đứng hàng thứ nhì và có lúc lên số 1 thế giới. Ngành nông nghiệp thì ca tụng nông dân ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long là những người hùng, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới. Nhưng những người hùng thế nào? Họ thường xuyên bị rơi vào hoàn cảnh bi đát: những ruộng lúa bị mưa dông quật ngã nằm bẹp dưới nước, những đống lúa khổng lồ thu hoạch xong chất đầy đường vì không ai thèm hỏi mua.

Trong khi đó, thương lái mua lúa cũng than đứt ruột rằng bị doanh nghiệp bỏ rơi. Họ mua lúa về xay gạo xong cũng đành chất đống chứ doanh nghiệp không mua. Nhiều người phải bỏ tiền đặt cọc mua lúa của nông dân để “bỏ của chạy lấy người”, bởi nếu mua lúa sẽ lỗ nặng hơn. Hỏi doanh nghiệp thì họ giải thích gạo tạm trữ vụ đông xuân trước đó vẫn còn đầy kho nên giờ không dám mua thêm. Đa số doanh nghiệp giảm tới 90% sản lượng mua vào, có một số ngừng hẳn cho an toàn. Doanh nghiệp xuất khẩu “án binh bất động” như thế thì nông dân không chết sao được?

Còn nhớ cách đây hơn một tháng, lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT cho địa phương tự chủ việc mua tạm trữ vì lịch thời vụ của mỗi tỉnh khác nhau. Các tỉnh cho rằng cách làm những năm qua là giao VFA làm “chủ xị”, sau đó VFA giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp thành viên và đề xuất thời điểm mua khi lúa thu hoạch gần hết thì không có hiệu quả và không công bằng. Và trong lúc các cơ quan thẩm quyền tổ chức các cuộc họp để... cãi nhau chuyện tạm trữ thì ngoài đồng đã có khoảng 200.000ha thu hoạch xong và phải bán với giá rẻ như bèo. Từ thực trạng này, cuối tháng 5-2013 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu. Đây cũng là thời điểm hàng ngàn hecta lúa ở Đồng Tháp và Tiền Giang nằm bẹp dưới ruộng, lên mộng. Tình hình bi đát đến mức Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương và Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa phải thốt lên: “Nếu không mua tạm trữ ngay bây giờ thì nông dân sẽ chết”.

Giao doanh nghiệp mua tạm trữ để ổn định thị trường, giúp tiêu thụ lúa của nông dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết tận gốc vấn đề sản xuất - tiêu thụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Có ý kiến cho rằng hãy chọn giải pháp để nông dân tự tạm trữ. Vốn, lãi suất ưu đãi thay vì giao cho doanh nghiệp thì hãy đưa tận tay nông dân thông qua ngân hàng, bởi vì cái mà họ cần sau mỗi vụ thu hoạch là tiền trả nợ đại lý vật tư nông nghiệp, tiền thuê máy gặt đập liên hợp, tiền thuê nhân công... Khi có tiền giải quyết hết các khoản này, họ sẽ giữ lúa lại phơi khô, quạt sạch, vô bao chờ khi nào giá tăng, thấy có lãi thì bán. Làm như vậy thì nông dân sẽ không phải đem lúa cho vịt ăn nữa!

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp