Phóng to |
Tin tưởng ở chất lượng
Trưởng phòng phát triển kinh doanh (Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc) Đào Thục Mỹ nói có rất nhiều lý do khiến bệnh nhân VN đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. “Nhiều loại bệnh mình chưa có thiết bị y tế, một số bệnh lý khó chẩn đoán và điều trị, thậm chí người có tiền, có điều kiện thì bệnh viện VN chữa được họ vẫn cứ muốn đi” - chị Mỹ nói.
“Có những trường hợp bệnh quá nặng, bệnh viện trả về. Có trường hợp mắc bệnh nan y, có người lại không tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế ở VN... Nhưng phần lớn người muốn đi nước ngoài chữa bệnh mắc các bệnh ung thư, tim mạch hoặc cần được ghép tạng”- Chị Phạm Hồng Linh (Trung tâm thông tin Parkway VN) cho biết.
Hiện tại Hà Nội, TP.HCM và một vài thành phố lớn khác như Vũng Tàu, Đà Nẵng đã có nhiều địa chỉ làm “cầu nối” đưa bệnh nhân đi chữa bệnh ở nước ngoài: Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) đã đưa bệnh nhân đi chữa bệnh tại Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc; Trung tâm thông tin Parkway chủ yếu làm cầu nối cho các bệnh viện thuộc tập đoàn ở Singapore; Tập đoàn SOS quốc tế có thể chuyển bệnh nhân đi chữa bệnh tại hầu hết các nước phát triển. Trong trường hợp cấp cứu và bệnh nhân có nhu cầu, SOS có máy bay phản lực riêng và có thể thu xếp để đưa bệnh nhân đi trong vòng vài giờ đồng hồ.
Trở ngại lớn nhất: giá cả
“Nếu có người nhà biết tiếng Anh, nên vào các website của bệnh viện mình muốn đến điều trị xem kỹ bảng giá, lường trước về khả năng chi trả để tránh bị sốc”- chuyên gia của một Công ty chuyên đưa bệnh nhân ra nước ngoài điều trị nói. Theo chuyên gia này, giá dịch vụ y tế ở VN hiện quá rẻ, trong khi ở nước ngoài thì chi phí điều trị cho một bệnh nhân (ung thư, ghép tạng...) có thể lên tới hàng tỉ đồng. Thậm chí tại Singapore, sau một ca ghép tạng cho bệnh nhân người lớn có thể phải chi trả 2,5 tỉ đồng VN.
Hiện nay, người bệnh VN đi chữa bệnh tại Singapore thông qua Trung tâm thông tin Parkway sẽ có người phiên dịch tại Singapore. Tập đoàn SOS quốc tế cho biết có thể cử người đi cùng bệnh nhân nếu bệnh nhân có nhu cầu...
Tuy nhiên, nhiều “cầu nối” chỉ làm một nhiệm vụ là hỗ trợ chuyên môn (dịch hồ sơ bệnh án, xác nhận các xét nghiệm...) mà chưa tới tham quan cơ sở vật chất, thẩm tra trình độ bệnh viện đối tác. Kết quả là đưa bệnh nhân đến những bệnh viện “lộm nhộm” và nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh đã phải... cãi nhau với “bệnh viện ngoại” vì không hài lòng với chất lượng dịch vụ và trình độ chuyên môn.
Phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất
Trong chuyến làm việc tại VN mới đây, phó chủ tịch Hội Ung bướu Singapore Ang Peng Tiam cho hay: có một số loại ung thư có thể phát hiện sớm bằng kiểm tra sức khỏe toàn bộ cơ thể. Theo ông Ang, tất cả phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh và siêu âm vú hằng năm, nhằm phát hiện ung thư vú ở giai đoạn tiền ung thư. Một loại ung thư có thể phát hiện sớm nữa là ung thư cổ tử cung. “Phụ nữ đã có gia đình nên tiến hành sinh thiết dịch âm đạo hằng năm. Ở Singapore, tỉ lệ phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung được phát hiện và chữa khỏi rất cao” - ông Ang nói.
Con đường thông thường đưa bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh hiện nay là chia sẻ thông tin với các trung tâm thông tin hoặc nhà “môi giới”. Trung tâm thông tin sẽ dịch toàn bộ bệnh án và tùy từng trường hợp sẽ trả lời cho bệnh nhân (đi lại như thế nào, bác sĩ nào chữa, giá cả ra sao, chiều hướng bệnh có thể điều trị...) khi bác sĩ nước ngoài có phản hồi. Nhiều bệnh nhân có thể tự thu xếp đi mà không thông qua các nhà môi giới. Xu hướng này thường thấy ở những người nổi tiếng, giàu có hoặc có người nhà ở nước ngoài.
“Hiện nhiều người nước ngoài đã sử dụng ngày nghỉ cuối tuần sang Thái Lan... lấy cao răng. Trình độ chuyên môn của bác sĩ VN rất tốt và chúng tôi đang kêu gọi để trước khi có một bệnh viện quốc tế đủ mạnh tại Hà Nội thì thành lập được một phòng khám đủ tiêu chuẩn quốc tế” - một chuyên gia y khoa nói với Tuổi Trẻ. Bởi nếu làm không tốt, chúng ta sẽ mất một lượng đáng kể bệnh nhân có khả năng chi trả cao và phải bước vào cuộc cạnh tranh không cân sức với các tập đoàn y khoa ở nước ngoài ngay từ bây giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận