Robot Kannon biết giảng kinh ở chùa Kodaiji, Kyoto, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Trí thông minh nhân tạo đã phát triển đến mức chúng tôi nghĩ rằng cũng thật hợp lý khi Đức Phật hóa thân thành robot. Chúng tôi hi vọng AI cũng sẽ tác động được đến trái tim và tâm trí của mọi người.
Nhà sư Tensho Goto
Robot android tại chùa Kodaiji có tên Kannon, được làm dựa trên hình dáng Phật Bà Quan Âm, Kannon đang hằng ngày thuyết giảng các bài kinh cho du khách thập phương.
"Robot không bao giờ chết, chúng sẽ luôn tự cập nhật và 'tiến hóa'", sư thầy Tensho Goto nói với Hãng thông tấn AFP.
"Đó là vẻ đẹp của robot. Chúng có thể lưu trữ kiến thức mãi mãi và vô hạn. Cùng với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi mong robot sẽ giúp con người thậm chí vượt qua những trở ngại lớn nhất. Robot đang thay đổi đạo Phật", sư thầy Goto nói thêm.
Kannon giảng kinh Phật ở chùa Kodaiji, Kyoto, Nhật Bản - Video: SMCN
Robot Kannon bắt đầu công việc tại chùa Kodaiji vào đầu năm nay. Kannon có thể cử động thân, tay và đầu. Kannon cũng có thể chắp tay làm động tác như cầu nguyện.
Nhưng chỉ có tay, mặt và vai của Kannon là được silicone bao phủ để mô phỏng da người. Phần còn lại để nguyên cho thấy đây là máy móc.
Toàn thân robot Kannon - Ảnh: AFP
Kannon do giáo sư Hiroshi Ishiguro từ Đại học Osaka phát triển với kinh phí hơn 1 triệu USD. Kannon có thể giảng kinh về nhiều chủ đề như lòng trắc ẩn, tham sân si, giận dữ và bản ngã.
Những bài kinh được giảng bằng tiếng Nhật, và được dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung trên các màn hình lắp đặt gần đó.
Nhà sư Goto của chùa Kodaiji mong rằng robot như Kannon sẽ giúp thế hệ trẻ quan tâm tới tôn giáo nhiều hơn là điều mà những sư thầy truyền thống không làm được.
"Giới trẻ gần như nghĩ chùa chỉ là nơi để làm đám cưới hay đám tang", nhà sư Goto trải lòng.
Kannon và các sư thầy trong buổi ra mắt truyền thông ở Kyoto - Ảnh: KYODO
Trong một khảo sát tại D(ại học Osaka, nhiều người sau khi chứng kiến tận mắt Kannon giảng kinh đã dành nhiều lời ngợi khen. "Tôi cảm thấy sự ấm áp mà bình thường không thể thấy từ máy móc", một ý kiến cho biết.
Cũng có những ý kiến chê bai rằng robot trông rất "giả" và làm khách tới chùa không thoải mái, hay nặng hơn là robot giảng kinh đang giống như báng bổ tôn giáo.
Gương mặt robot Kannon - Ảnh: AFP
Nhà sư Goto cho biết đó là sự khác biệt văn hóa vì phần lớn những lời chỉ trích đến từ các vị khách phương Tây, có thể do họ ảnh hưởng quan điểm từ tôn giáo khác nên cho rằng Kannon giống quái vật Frankenstein. Tuy nhiên, người Nhật không có định kiến như vậy với robot, với người Nhật, từ lâu robot đã như một người bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận