Tùng Bảy - ông đồ 30 tuổi - áo the, khăn xếp ngay ngắn ngồi lên giữa sập. Bên cạnh là nghiên mực, giá bút, vài cuộn giấy xuyến...
Hôm nay là show đặc biệt của "ông" được tổ chức kèm sự kiện truyền thông của một nhãn hàng lớn khi dịch COVID-19 ở Hà Nội được kiểm soát. Nhà tài trợ muốn tái hiện không khí Tết cổ truyền làm điểm nhấn cho sự kiện.
Nhân viên ngân hàng đắt sô ông đồ
Khách vây quanh chụp ảnh và không quên xin chữ, cẩn thận cuộn bức thư pháp làm kỷ niệm. Những con chữ lần lượt hiện ra uyển chuyển dưới ngòi bút lông của ông đồ trẻ.
Một khách hàng đề nghị viết chữ "gia đình", ông đồ khẽ ngưng tay. Cảm xúc của lần đầu cầm bút chuyên nghiệp ùa về.
Năm đó Nguyễn Văn Tùng, tên thật của "ông đồ Tùng Bảy", là sinh viên năm cuối ở TP.HCM. Tùng theo "sư phụ" tham gia chương trình đón giao thừa của thành phố. Khách xúm xít vây quanh khiến anh chàng không khỏi run tay.
Tùng đã yêu thích và luyện thư pháp từ năm 14 tuổi, tham gia nhiều câu lạc bộ, nhiều sự kiện của sinh viên, nhà trường trong những năm học đại học nhưng đây là show đầu tiên giữa cái Tết xa nhà.
Khách đặt chữ "gia đình". Bút lông múa trên tờ giấy xuyến. Chưa đến nét cuối thì pháo hoa rộn rã trên đầu. Giao thừa - Tùng khóc, nước mắt rớt trên mặt giấy nhòe chữ. Anh buông bút không viết được nữa, những người xung quanh lặng đi, rồi thay nhau an ủi ông đồ đang nhớ nhà.
"Khi viết mình phải nhập tâm vào chữ. Xa nhà mà viết đúng chữ "gia đình" ngay phút giao thừa, cảm xúc cứ trào ra", Tùng kể lại.
Đến nay Tùng Bảy đã là một trong những ông đồ thâm niên trong giới thư pháp trẻ trong nước. Tùng không học ngành văn hóa hay ngôn ngữ phương Đông. Anh học tài chính, làm nhân viên ngân hàng - cái nghề ngập trong tiền nong, con số, hợp đồng, chẳng chút liên quan gì đến ngữ nghĩa của thư, đậm nhạt của pháp. Thế nhưng mối duyên với những nét bút múa lượn thì sâu xa hơn.
Một buổi luyện chữ của các “cụ đồ” ở Hà Nội - Ảnh: VŨ TUẤN
Quê Tùng ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nơi tên tuổi đại thi hào Nguyễn Du là niềm tự hào, nơi đêm đêm, những cuộc trà dư tửu hậu xóm giềng đều là những cuộc luận bàn thơ phú, chữ nghĩa.
Tết năm 14 tuổi, bố đưa Tùng lên quảng trường thị xã chơi. Thấy mấy cụ già áo the khăn xếp ngồi viết chữ giữa chợ hoa, Tùng mê lắm, đòi bố mua cho bút lông mực tàu về nhà tập viết.
Vào TP.HCM học đại học, Tùng sinh hoạt ở câu lạc bộ thư pháp trong trường. Anh luyện chữ, viết thư pháp bán trong những gian hàng sinh viên, gửi các gian hàng đồ lưu niệm.
"Mỗi bức thư pháp bán chỉ 10.000 - 15.000 đồng, nhưng đã giúp mình tự trang trải cuộc sống suốt những năm sinh viên". Ra trường, Tùng đi làm ngân hàng ở TP.HCM rồi Hà Nội, vẫn mê chữ và trở thành ông đồ đắt sô. Thu nhập kiếm được từ thư pháp cũng vẫn là khoản kha khá.
"Đam mê không phân biệt tuổi tác, ngành nghề. Câu lạc bộ thư pháp tôi sinh hoạt có gần chục người trẻ làm ngành ngân hàng", Tùng chia sẻ. Cuộc sống hiện đại vẫn cần những khoảng lặng, nhu cầu thư pháp càng tăng. Gần Tết, lịch "sô" dày kín, các thành viên chia nhau, sắp xếp công việc mới phủ hết việc.
"Băn khoăn nhất của chúng tôi là làm thế nào để tính văn hóa không bị thương mại hóa. Câu lạc bộ chỉ nhận tham gia những sự kiện mang tính văn hóa, giáo dục, không vào hội chợ thương mại. Quy định với các ông đồ cũng rất nghiêm: cấm mặc đồ bó, đồ cách tân, cấm viết khi bên cạnh là loa kẹo kéo ra rả khuyến mại", Tùng nói.
Đường dài của chữ
Ông đồ 27 tuổi Thanh Phong nhận hợp đồng viết câu đối tặng sinh nhật của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Nửa tháng trời nói chuyện với nhân viên, tìm hiểu công ty, tính cách và cả những thăng trầm trong cuộc sống của hai vị lãnh đạo,
Phong chọn câu đối "Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp - Nhân hòa đức độ tạo thành công" tặng chủ tịch hội đồng quản trị, và câu "Triển hoành đồ kỳ khai đắc thắng, sấm đại nghiệp mã đáo thành công" với tổng giám đốc.
Một người đã ở trên ngưỡng thành công, vui vẻ, hào sảng với nhân viên. Một người ý chí kiên cường đang chèo lái công ty vượt qua khó khăn vì dịch COVID-19. Hai người nhận chữ tỏ ra bất ngờ cảm kích, các nhân viên đã đặt hàng cũng hài lòng.
Ông đồ trẻ thì vui vì người xem chữ cảm nhận được ý mình gói ghém. Phong chia sẻ: "Hạnh phúc của người viết chữ là người xem hiểu được ý đồ, đọc được ý nghĩa chứ không phải lời tán dương: Ôi đẹp thế".
27 tuổi, công tác trong ngành công an, Phong đầu tư cho đam mê của mình nghiêm túc, nghiêm khắc, khó tính không kém những ông đồ xưa. Anh lập website quy tụ những người yêu thích chia sẻ, tìm hiểu nghệ thuật thư pháp, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo dịch vụ.
Anh mở lớp đào tạo, hàng trăm học trò nhưng chưa dám "cấp ấn" cho ai. Phong tự nhận mình còn non trẻ trong "biển thư pháp" và khẳng định: thời gian để luyện tập, trở thành người biết viết, biết cảm thụ, biết sáng tác phải hàng chục năm.
“Cụ đồ” Tùng Bảy chia sẻ cảm xúc của lần đầu tiên đi viết xa nhà - Ảnh: VŨ TUẤN
Phong thường kể lại câu chuyện ngày đôi mươi, anh ra chợ hoa Tết trung tâm huyện ở quê nhà Nam Định, kê sạp ngồi ké một gian hàng bán đồ cổ, bày nghiên bút ra viết. "Viết trên giấy A4 thôi, nhưng có nhiều người thích. Có mấy cụ ở gần đó ra luận chữ, luận nghĩa, có cụ còn viết chữ nhờ bán giúp. Vui lắm!".
Một cụ cầm chữ "Đức" Phong viết bằng chữ Hán lên xem, hỏi nội hàm của chữ. Phong chỉ ra được những bộ thủ xích - thập - mục - nhất - tâm mà không nói rõ được hàm nghĩa. Ông cụ chỉ từng nét, giải thích tường tận: "Xích - từng bước chân nhỏ đi lên.
Ý là việc tu dưỡng, rèn luyện, tiến lên trong đời luôn phải từng bước một. Thập - Mục - Nhất - Tâm: bao nhiêu con mắt trong trời đất đều đang soi vào cái tâm của ta.
Trên con đường đời, từng bước đi tới đều sáng tỏ dưới đạo trời, giữa phải trái thiện ác, chính là đức vậy". Phong thấm thía được bài học của nghề: phải nắm được nội hàm, con chữ viết ra phải có ý đồ và người xem chữ phải chiêm nghiệm được ý nghĩa trong đó.
Đường chữ nghĩa còn rất dài...
Mỗi năm hoa đào nở
Những người trẻ mê thư pháp ở Hà Nội vẫn gọi nhau là "cụ", mời nhau thưởng trà, bình chữ như tiền bối. Đông sang Tết về, không phải "mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu?" mà ngược lại, những cuộc gọi đề nghị viết chữ dồn dập.
Không chỉ những sự kiện văn hóa mà cả các sự kiện truyền thông, quảng cáo... đều muốn có sạp chữ ông đồ. Có "cụ" tiết lộ: những ông đồ đắt sô, dịp Tết bán chữ được cả trăm triệu đồng.
Hình ảnh ông đồ với chữ, với nghĩa mang hồn xưa vào Tết nay là vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận