Mang xe đi cập nhật phần mềm, chủ xe Tesla tá hỏa khi phát hiện tầm vận hành bị "ăn bớt" 130 km mỗi lần sạc - Ảnh: Electrek
Trong tuần này, một sự việc được người dùng chia sẻ lên tài khoản Twitter và sau đó lan tỏa mạnh mẽ đã khiến Tesla bị một phen muối mặt.
Thông thường mọi mẫu xe xuất xưởng của Tesla đều được trang bị ắc quy có mức dung lượng cao nhất. Ví dụ, một chiếc Tesla Model S 40 bán ra thực chất là Model S 60 có dung lượng ắc quy 60 kWh, nhưng bị khóa phần mềm về mức thấp hơn.
Cách làm này giúp Tesla đơn giản hóa công đoạn sản xuất, đồng thời cho phép họ nâng cấp xe người dùng theo nhu cầu của họ cực kỳ dễ dàng qua kết nối Internet.
Cũng chính cách tiếp cận trên khởi nguồn cho câu chuyện xoay quanh Tesla lần này. Sự việc được Jason Hughes, một hacker xe Tesla có tiếng, chia sẻ khi được chủ xe nhờ cậy. Chủ xe nói trên mua lại một chiếc Tesla Model S 90. Giấy tờ xe khẳng định đây là bản 90, thân xe có huy hiệu 90, tầm vận hành cũng là của Model S 90.
Tuy vậy, trên thực tế mẫu xe này có xuất phát điểm là một chiếc Model S 60 đã được người dùng ban đầu nâng cấp. Mọi giấy tờ xe sau các lần mua bán (người trên là chủ thứ 3) đều đề cập rõ tới vấn đề này và chúng đều được hãng chứng nhận.
Tesla, thông qua kết nối Internet, có thể can thiệp dễ dàng vào phần mềm xe người dùng, chẳng hạn họ từng khóa tính năng Autopilot bản thử nghiệm cao cấp trên nhiều xe người dùng lạm dụng - Ảnh minh họa, nguồn: Tesla
Do hạ tầng 3G tại Mỹ chuẩn bị bị loại bỏ để nhường cho kết nối tân tiến hơn, chủ xe Tesla Model S trên mang xe tới xưởng để nâng cấp (tất nhiên là có phí) cho phù hợp.
Tuy nhiên, khi nhận lại xe, người mua mới ngã ngửa rằng chiếc Model S 90 của mình đã bị "đảo ngược thời gian" về bản gốc Model S 60 khiến tầm vận hành xe giảm đi 80 dặm (gần 130 km). Chủ xe trên lập tức liên hệ với Tesla để yêu cầu trả xe về đúng phiên bản nhưng vô dụng, họ chỉ chấp nhận "nâng cấp" xe lên bản 90 với giá 4.500 USD.
Chủ xe phải nhờ tới hacker trên và anh thừa nhận mình cũng không có khả năng "nâng cấp" chiếc xe điện mà không để lại rủi ro xung đột phần mềm ở đâu đó. Giải pháp sau đó được 2 người đồng ý là công khai lên mạng xã hội.
Sau khi sự việc rùm beng trên Twitter, Tesla đã lập tức liên lạc với chủ xe trên để trả xe về cấu hình chính xác. Một chủ xe khác cũng gặp vấn đề tương tự bình luận trong bài đăng cũng được Tesla liên hệ giải quyết vấn đề.
Việc các hãng xe có toàn quyền kiểm soát phần mềm ôtô trong tương lai với lý do "để dễ nâng cấp" đang khiến một số người dùng lo ngại những sự việc như trên sẽ còn xảy ra trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận