Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, tặng quà Tết cho tài xế xe ôm công nghệ tại chương trình họp mặt và tặng quà 420 đoàn viên các nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức ở quận 12 - ẢNH: VŨ THỦY
Phần quà Tết là 500.000 đồng cùng với phần mứt, bánh Tết trị giá 200.000 đồng, nhưng các chú bảo bấy nhiêu đó cũng đã quý lắm rồi, đỡ các con phải bận tâm cha mẹ mấy ngày Tết bởi "xe ôm chạy có ngày còn lỗ".
"Hồi đó tôi chạy ngon lắm, nuôi 3 đứa con, làm xe ôm cũng dữ lắm chứ. Giờ chạy cả tháng được khoảng 2 triệu, lo ăn uống còn chưa đủ. Nhưng con cái lớn hết, lập gia đình rồi cũng đi làm. Làm công nhân nhưng chỉ đủ lo cho gia đình, mình thiếu thốn nó cũng lo" - chú Khưu Văn Trung, 73 tuổi, chạy xe ôm thông thường 27 năm, cho biết.
Ngồi cùng bàn với chú Trung là chú xe ôm cùng xóm đã chạy xe ôm ngót nghét 30 năm.
Chú Phan Văn Hoàng (60 tuổi) bảo: "Tui còn dữ hơn. Chạy xe nuôi 5 đứa con. Giờ có ngày còn lỗ. Cơm hai bữa với cữ cà phê hơn trăm ngàn. Chạy không được trăm ngàn một ngày là lỗ. Mà nhiều ngày lỗ lắm vì giờ chỉ còn khách quen".
Hỏi về việc dùng smartphone để chuyển sang xe ôm công nghệ, hai chú đều lắc đầu "cũng thử rồi mà đâu có xài được".
"Giờ tụi tôi lớn tuổi rồi. Nói cho ngay, nay còn ngồi đây, chưa biết mai có còn nữa không. Chạy đại lo cho bản thân để con cái bớt lo", chú Hoàng bảo.
Hai chú có lẽ sẽ là những người chạy xe ôm thông thường cuối cùng sau khi xe ôm công nghệ xuất hiện và gần như đã thay thế hoàn toàn xe ôm thông thường.
Nhưng buổi họp mặt người lao động nghiệp đoàn khó khăn có cả những người chạy xe ôm công nghệ.
Ông Mai Danh Khuê, 53 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ, cho biết mỗi ngày ông chạy từ 7h30 sáng đến 8h tối, nhiều khi đến 10-12h đêm để mỗi tháng có 6-7 triệu nuôi đứa con nhỏ.
"Ngày chạy trung bình 12 tiếng, đâu phải chỉ hao sức khỏe. Xe rồi điện thoại, khấu hao kinh khủng lắm. Tôi chạy hơn 4 năm đã thay tới cái xe thứ 4, điện thoại thì không nhớ mấy cái, chiết khấu của hãng thì mỗi năm mỗi cao 10-15-20 rồi giờ thì gần 30%", ông chia sẻ.
Làm xe ôm công nghệ hay xe ôm thông thường đều không có hợp đồng lao động để được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản… nên đều được xếp loại công việc không có quan hệ lao động chính thức, là lao động tự do, "khó khăn thì tự lo".
Chú Phan Văn Hoàng với 30 năm chạy xe ôm thông thường nói ở tuổi chú chỉ có thể xài chiếc "điện thoại cục gạch" mà chú đang cầm trên tay, "không dùng smartphone để chạy với mấy em trẻ được" - Ảnh: VŨ THỦY
Kinh tế khó khăn, công nhân thất nghiệp nhiều, người dân thắt chặt nhiều khoản chi tiêu nên giới xe ôm cũng cùng chung cảnh khó khăn. Đây cũng là lần đầu tiên chú Hoàng, chú Trung, anh Khuê được chăm lo quà Tết sau khi gia nhập nghiệp đoàn.
Tại buổi họp mặt dịp Tết các đoàn viên nghiệp đoàn quận 12 có hoàn cảnh khó khăn, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết đây đều là những người lao động không có quan hệ lao động chính thức mà đời sống thường ngày vốn còn rất nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng các nghiệp đoàn để tập hợp người lao động tự do, người lao động không có quan hệ lao động chính thức (giáo viên, bảo mẫu các trường mầm non tư thục, giúp việc nhà, xe ôm thông thường, xe ôm công nghệ... để có thể có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận