
Một vụ kiện cáo buộc đồng hồ đo quãng đường của Tesla theo dõi số dặm/km không chính xác bằng cách sử dụng ước tính dựa trên phần mềm - Ảnh minh họa: Autoevolution
Nyree Hinton (chủ xe Tesla Model Y 2020) đã đệ đơn kiện Tesla tại tòa án bang California (Mỹ). Người này cáo buộc Tesla sử dụng thuật toán để “thổi phồng” quãng đường xe đã đi, qua đó trốn tránh nghĩa vụ bảo hành và đẩy nhanh quá trình khấu hao xe.
Hinton cho rằng Tesla không sử dụng hệ thống cơ học hoặc điện tử để đo khoảng cách. Thay vào đó, hãng xe được cho là dựa vào “các thuật toán dự đoán, số liệu tiêu thụ năng lượng và hệ số hành vi của người lái xe” để thao túng và hiển thị sai số dặm thực tế.
Theo Hinton, việc “gắn giới hạn bảo hành và giới hạn số dặm thuê xe với số đọc công tơ mét bị thổi phồng” cho phép Tesla tăng doanh thu sửa chữa, giảm nghĩa vụ bảo hành. Chiến thuật này cũng có thể khiến người tiêu dùng phải mua bảo hành mở rộng sớm hơn cần thiết.

Chủ xe tố cáo Tesla có cách tính quãng đường oái oăm - Ảnh minh họa: Auto Express
Hinton mua chiếc Tesla Model Y 2020 vào tháng 12-2022 với số dặm hiển thị là 36.772 dặm (gần 60.000km). Từ ngày 14-12-2022 đến ngày 6-2-2023, Hinton di chuyển trung bình 55,54 dặm (90km) mỗi ngày. Tuy nhiên từ 26-3-2023 đến 28-6-2023, con số này bất ngờ tăng vọt lên 72,53 dặm (117km)/ngày, đúng vào thời điểm chiếc Model Y sắp hết hạn bảo hành.
Chủ xe ước tính số dặm trung bình mỗi ngày chỉ nên vào khoảng 52,53 dặm do thói quen di chuyển không thay đổi trong suốt thời gian này.
Vụ kiện cũng đề cập đến việc các phương tiện trước đây của Hinton ghi nhận trung bình 6.086 dặm (gần 9.800km) trong 6 tháng. Trong khi đó, chiếc Model Y lại báo cáo 13.228 dặm (hơn 21.000km) trong cùng khoảng thời gian. Đơn kiện khẳng định số dặm hiển thị trên đồng hồ công tơ mét của Tesla có thể bị thổi phồng từ 15% đến 117%.

Nguyên đơn cho biết số km tăng cao khiến họ mất quyền lợi bảo hành và nếu có ý định bán lại sẽ bị mất giá do odo cao - Ảnh minh họa: Numerama
Mặc dù Tesla có thể đo quãng đường di chuyển của xe bằng GPS với độ chính xác cao, nhưng một bằng sáng chế của hãng xe này lại cho thấy số đọc công tơ mét không phải là phép đo trực tiếp khoảng cách đã đi. Thay vào đó, hệ thống sử dụng “hệ số chuyển đổi dặm sang năng lượng điện”, một hệ số thay đổi linh hoạt dựa trên điều kiện đường sá và giao thông.
Đây không phải lần đầu tiên chủ xe Tesla đặt câu hỏi về cách tính toán quãng đường đi được. Trong nhiều năm qua, một số người đã bày tỏ lo ngại về việc xe của họ hiển thị số dặm cao bất thường.
Một số bài đăng trên Reddit và diễn đàn Tesla cho thấy những vấn đề này đã tồn tại hơn 2 năm. Tại đây, người dùng chia sẻ các câu chuyện và so sánh, trùng khớp với cáo buộc trong vụ kiện của Hinton.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận