17/03/2021 08:12 GMT+7

Chú trọng an toàn khi tiêm vắc xin

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Đức, Ý, Pháp và nhiều nước khác đồng loạt hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca. Việt Nam ứng xử ra sao trước thông tin dồn dập từ nhiều nước? Làm sao đảm bảo độ an toàn?

Chú trọng an toàn khi tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Một ca bị choáng sau tiêm ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: LAN ANH

Nhiều người quan tâm đến vắc xin AstraZeneca mới về Việt Nam và số lượng lớn vắc xin sắp về, liệu tiêm có an toàn không, có phản ứng phụ không?

Hi vọng chen nỗi lo

Sáng 16-3, ngày thứ hai triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thúy Trang (Trạm y tế thị trấn Bố Hạ) cùng một đồng nghiệp đến tiêm vắc xin cho biết mình khá lo lắng. Vài ngày gần đây, chị đọc báo thấy có những người sau tiêm bị phản ứng, ngay ngày 15-3 có một người cùng huyện Yên Thế bị choáng sau tiêm, phải theo dõi tại trung tâm đến chiều cùng ngày.

"Khi đến đây tiêm tôi rất lo, huyết áp đã lên tới 140/85 nhưng rồi bình tĩnh dần, tiêm xong thì tôi thấy nhẹ nhàng, không gặp bất kỳ phản ứng nào" - chị Trang nói.

Ở Trung tâm Y tế Yên Thế, ngày 16-3 các y bác sĩ thăm khám và tiêm cho 84 người. Trước đó, hôm 15-3 là 36 người. Cứ 12 người tiêm một lọ, đủ loạt 12 người tiêm, theo dõi ổn sau tiêm 30 phút mới tiêm loạt kế tiếp. "Chúng tôi làm thật chắc chắn" - ông Lê Tiến Cương, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, nói.

Năm ngày đầu tiên thực hiện tiêm chủng tại Bắc Giang (từ ngày 11 đến 16-3), trong 1.710 người tiêm đã có 423 người gặp các phản ứng sau tiêm, chủ yếu là sốt, bồn chồn, đau đầu... Một số bị choáng, phải theo dõi huyết áp tại Trung tâm Y tế huyện.

Anh Giáp Văn Khương, điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Yên Thế, là một trong số người được tiêm có tình trạng choáng. Anh cho hay sau tiêm anh thấy đau đầu, nôn nao như say xe nhưng khi đo huyết áp, theo dõi qua monitor thì thấy cơ thể và các chỉ số của anh vẫn bình thường. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (Trạm y tế thị trấn Bố Hạ) thì thấy đau phần đỉnh đầu...

Chính sách vắc xin tới đây ra sao?

Theo ông Lê Tiến Cương, tỉnh Bắc Giang đã chia các đối tượng tiêm chủng ra ba nhóm, trong đó hai nhóm được miễn phí và một nhóm phải chi trả chi phí tiêm ngừa. Trong số này, theo nghị quyết 21 của Chính phủ, có 9 nhóm đối tượng (giáo viên, công an, bộ đội, người tham gia phòng chống dịch, người nghèo, người trên 65 tuổi...), Bắc Giang có 306.288 người: nhóm cận nghèo có trên 43.000 người. Hai nhóm này Bắc Giang sẽ miễn phí.

Bên cạnh đó, những nhóm còn lại (tính riêng 18-65 tuổi) là 965.000 người, Bắc Giang dự kiến những người này sẽ phải trả phí tiêm chủng, trong đó giá vắc xin dự kiến 120.000 - 360.000 đồng/liều, tùy xuất xứ và loại vắc xin.

Tương tự Bắc Giang, nhiều tỉnh thành chưa công bố rõ cơ chế đối với các nhóm đối tượng không ưu tiên. Hiện mới có Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh tuyên bố sử dụng ngân sách địa phương mua vắc xin tiêm miễn phí cho 100% dân số có chỉ định tiêm, TP.HCM cho biết sẽ mua thêm 5 triệu liều. Còn lại có thể thực hiện như Bắc Giang.

Với các tỉnh như Bắc Giang, hiện có 30 triệu liều vắc xin của COVAX tài trợ, số này sẽ sử dụng miễn phí và đủ cho 15 - 16% dân số. Bên cạnh đó, vắc xin Nhà nước mua sẽ đảm bảo cho các nhóm đối tượng ưu tiên và người nghèo.

Số còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, có thể là từ hỗ trợ của các nhà hảo tâm và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tự triển khai cho nhân viên của mình.

Dự kiến năm 2021 này, Bộ Y tế đặt mục tiêu tất cả những người có chỉ định tiêm chủng sẽ được tiếp cận vắc xin, tức là Việt Nam sẽ tiêm chủng cho 70 triệu người.

Nga tặng Việt Nam 1.000 liều vắc xin Sputnik V

1.000 liều vắc xin Sputnik V do Liên bang Nga gửi tặng Việt Nam đã được nhập kho bảo quản lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Lô vắc xin Sputnik V là quà tặng, được ông Nikolai Patrushev - thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga - mang tới Việt Nam sáng 16-3 trong chuyến công tác 2 ngày tại Hà Nội.

Theo ông Đặng Việt Hùng - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vắc xin gồm 1.000 liều này. Thời gian tới, việc điều phối lô vắc xin này sẽ do Chính phủ quyết định, có thể điều tiết về Bộ Y tế hoặc các đơn vị khác. Đây là những liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam. Trước đó, trong tháng 2 vừa qua, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu thêm 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 gồm Spunik V và vắc xin của Moderna, Mỹ. Việt Nam cũng đang đàm phán mua vắc xin Sputnik V, số lượng dự kiến khoảng 60 triệu liều.

L.ANH

Thêm nhiều nước thận trọng với vắc xin AstraZeneca vì vấn đề an toàn

Bộ Y tế Thụy Điển ngày 16-3 tuyên bố sẽ ngừng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) cùng nghiên cứu sản xuất. Bộ này nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp phòng hờ đảm bảo an toàn. Như vậy, Thụy Điển là nước mới nhất gia nhập danh sách ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca.

Hôm 15-3, đại diện Tổ chức Y tế thế giới Soumya Swaminathan kêu gọi các nước bình tĩnh, tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca. Bà nhấn mạnh chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự liên hệ giữa việc tiêm vắc xin AstraZeneca và tình trạng máu đông. Tuy nhiên, bất chấp các khuyến nghị này, các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha quyết định ngừng tiêm loại vắc xin này ngay trong ngày 15-3. Indonesia, một trong những nước nhận nhiều vắc xin AstraZeneca nhất Đông Nam Á, cùng ngày cũng hoãn việc phân phối trong khi Philippines tuyên bố sẽ theo dõi sát các diễn biến mới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cùng 15 bộ trưởng trong chính phủ xung phong tiêm vắc xin AstraZeneca ngày 16-3 sau gần 5 ngày tạm hoãn toàn quốc. Phát biểu trước khi tiêm, ông Prayuth nhấn mạnh hành động của ông nhằm "nâng cao niềm tin của công chúng" giữa lúc nhiều nước châu Âu đã tạm hoãn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Ngoài Thái Lan, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn có Úc tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. "Trong khi đang vào cuộc điều tra, Cơ quan Dược phẩm châu Âu vẫn khẳng định tính hiệu quả của vắc xin AstraZeneca trong việc ngăn ngừa lây nhiễm. Do đó nên tiếp tục triển khai loại vắc xin này trong chiến dịch tiêm chủng", giám đốc y tế quốc gia Úc Paul Kelly lập luận.

Ngoài tình trạng máu đông, nhiều người được tiêm vắc xin AstraZeneca còn gặp phải tình trạng xuất huyết não, tiểu cầu sụt giảm, theo báo New York Times. Hãng dược này trước đó khẳng định không có đủ cơ sở để kết luận chứng máu đông là do vắc xin ngừa COVID-19 của họ gây ra.

BẢO DUY

Phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Có ảnh hưởng kế hoạch tiêm chủng? Phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Có ảnh hưởng kế hoạch tiêm chủng?

TTO - Đến nay mặc dù có nhiều nước châu Âu đang tạm dừng tiêm vắc xin này, nhưng kế hoạch của Việt Nam vẫn là hết tháng 3 tiêm xong lô vắc xin về đầu tiên.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiêm vắc xin COVID
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp