Cánh đồng ấp Tây, xã Tân Thạnh khát nước gần 2 tháng - Ảnh: NGỌC TÀI
Hiện tại kênh nước của khu đê bao ấp Tây đã khô, đất đai nứt nẻ. Đồng ruộng rộng thênh thang ngóng chờ nước đã gần 2 tháng. Trớ trêu hơn cả là ô đê bao này lại nằm cạnh sông Tiền nước ngọt bao la.
Hai tháng vừa rồi, nếu kịp xuống giống theo lịch thời vụ, lúa đã trổ đòng đòng nhưng trước mắt những người nông dân lúc này chỉ là đồng khô, cỏ cháy. Một số hộ đã thuê người khoan giếng để lấy nước tưới, tuy nhiên nước nhiễm phèn khó có thể tưới cây.
Ông Nguyễn Sơn Phúc - một hộ dân ở đây - cho hay ông thuê 8ha đất làm ruộng, đã trả đủ tiền thuê đất 2,5 triệu/công nhưng hiện tại đã bỏ lỡ một vụ lúa. "Lúa giống mua rồi mà không thể sạ, trong khi đất đã cày xới hết rồi, để cỏ, lúa nền lên như vầy là phải cày xới lại, tốn kém thêm", ông Phúc bức xúc.
Cây trồng đã bắt đầu héo lá vì thiếu nước tưới trong khi chủ vườn tìm cách khoan giếng lấy nước giải hạn cho cây - Ảnh: NGỌC TÀI
Theo UBND xã Tân Thạnh, đê bao ấp Tây có tổng diện tích 260ha nhưng có đến 140ha là đất vườn. Nguyên nhân chủ trạm bơm "bỏ chạy" là do nhiều nông dân chậm trễ đóng tiền bơm nước, thậm chí không chịu đóng dẫn đến trạm bơm bị lỗ, không thể tiếp tục. Phần đông những hộ chây ì tiền nước là các hộ đã lên vườn.
"Qua các buổi họp dân, lấy ý kiến đã thống nhất các chủ vườn chỉ đóng chi phí bơm rút nước bằng 50% so với đất trồng lúa nhưng vẫn rất khó thu. Họ nói làm vườn không cần xài nước. Nhà đầu tư trạm bơm cũng phải tính đến lợi nhuận chứ lỗ ai chịu làm", ông Lê Minh Toàn - phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh - phân trần.
UBND xã Tân Thạnh đã kêu gọi nhà đầu tư trạm bơm mới, nhưng đã 6 nhà đầu tư đến rồi lắc đầu ra về vì không thấy khả năng sinh lời.
"Phương án cuối cùng là đưa HTX vào đầu tư trạm bơm, song song đó sẽ tạo thêm một số dịch vụ khác để HTX có thể duy trì", ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận