Bị cáo Diệp bị đưa ra ngoài - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 17-3, phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và 9 bị cáo khác tiếp tục với phần xét hỏi.
Sau khi viện kiểm sát (VKS) xét hỏi bổ sung xác định văn bản thông báo của Trung tâm thông tin của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM (gửi cho UBND quận 3 về việc thế chấp tài sản từ năm 2000, cách 8 năm với thời điểm ký hợp đồng tín dụng), biên bản gốc là năm 2012 chứ không phải là 2008. Do đó, luật sư đề nghị VKS và HĐXX xem xét tiếp các văn bản khác có sự mâu thuẫn về ngày tháng mà luật sư đã nêu trong phần xét hỏi.
Ngay sau khi các luật sư và VKS không còn xét hỏi gì thêm, chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản đã công bố bút lục là lời khai của bà Dương Thị Bạch Diệp (lời khai này được lấy khi bà Diệp chưa có luật sư). Khi đang công bố đến việc bà Diệp thừa nhận hành vi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng đi thế chấp để vay vốn, bà lớn tiếng phản đối.
Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa tiếp tục công bố bút lục này và cho rằng chủ tọa phiên tòa chưa đánh giá hay kết luận gì về lời khai này.
Đồng thời, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cán bộ tư pháp đưa bị cáo Diệp xuống phía dưới và chấp hành sự điều khiển của chủ tọa. Bà Diệp tiếp tục khóc lớn kêu oan ức kể cả khi đã bị cảnh sát tư pháp dẫn giải ra ngoài.
Bị cáo Diệp bị đưa ra ngoài - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tọa tiếp tục công bố bút lục và yêu cầu thư ký ghi vào biên bản phiên tòa việc bị cáo không chấp hành nội quy phiên tòa và có hành vi gây rối.
Sau khi công bố xong bút lục (bị cáo Diệp tiếp tục khóc lớn ở bên ngoài), thẩm phán chủ tọa cho biết mặc dù bút lục này được lấy khi bà Diệp không có luật sư nhưng sau đó khi có luật sư, bà Diệp cũng không thay đổi gì nội dung trong lời khai này.
Thẩm phán tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần luận tội. Thẩm phán chủ tọa đề nghị trong khi chờ VKS luận tội, luật sư bào chữa cho bị cáo làm công tác tư tưởng cho bị cáo Diệp.
Tại phòng lưu phạm, bà Diệp tiếp tục khóc lóc kêu gào một lúc thì im bặt, khi này lực lượng y tế đã được đưa vào trong.
Vụ án hoán đổi đất được thực hiện giữa thửa đất 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương với thửa đất 185 Hai Bà Trưng do Trung tâm Ca nhạc nhẹ (thuộc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM) quản lý.
Sau khi được thành phố chấp nhận chủ trương, hai bên đã thực hiện việc hoán đổi. Tuy nhiên, thửa đất 185 Hai Bà Trưng đã được sang tên cho Công ty Diệp Bạch Dương, còn đất 57 Cao Thắng lại bị công ty mang đi thế chấp tại Agribank, dẫn đến việc Trung tâm Ca nhạc nhẹ bị mất quyền kiểm soát đối với cả hai thửa đất, thiệt hại được xác định là 186 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận