Chữ Tình của giới khoa học
Nửa thế kỷ trước, đất nước vẫn còn chiến tranh, bộ đội thiếu thốn đủ thứ, trong đó có thuốc men. Nghe đồn người dân tộc Xơ Đăng ở núi Ngọc Linh thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có một vị thuốc rất hay, nhiều đoàn gồm các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, nông nghiệp được cử từ miền Bắc bí mật vào thăm dò. Trong các đoàn khoa học đi tìm tòi ấy, may mắn đã mỉm cười với đoàn do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn.
Các nhà khoa học đang ôn lại những câu chuyện về việc nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh trong gần nửa thế kỷ đã qua. Từ trái sang phải: TS Phan Thúy HIền, GSTS Dương Tấn Nhật, GSTS Trần Công Luận, Dược sĩ Đào Kim Long, GSTS Nguyễn Minh Đức
9g sáng ngày 19-3-1973, một người học trò của ông Long là dược sĩ Nguyễn Châu Giang đã tìm thấy một vạt cây lạ, có chùm trái đẹp rực rỡ mọc ở ven suối trên sườn Đông Nam núi Ngọc Linh, cao độ khoảng 1800m. Ông Giang nhổ một cây mang đến cho thầy Long. Dược sĩ Long sau một hồi xem xét, phân tích về lá, củ…đã thì thầm với học trò: Chắc rằng đây là thứ chúng ta tìm…
TGĐ Sâm Ngọc Linh K5 Trần Văn Hảo (bìa trái) và Dược sĩ Đào Kim Long (giữa)
Những mẫu cây ấy được mang về Hà Nội để nghiên cứu. Hai năm sau, đất nước thống nhất, công cuộc nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở các dược sĩ, bác sĩ ở Hà Nội mà thu hút cả các nhà khoa học ở phía Nam. Có thể kể đó là cố GSTS Nguyễn Thới Nhâm, người đã đưa sâm Ngọc Linh sang nghiên cứu cùng các nhà khoa học của Ba Lan. Tiếp đến là các GSTS Nguyễn Minh Đức, Trần Công Luận, Dương Tấn Nhật… Tất cả bây giờ đều đã bước qua khỏi lứa tuổi "xưa nay hiếm". Tiếp đến nữa là PGSTS Nguyễn Thị Thu Hương ở Viện nghiên cứu sâm và dược liệu TPHCM, và sau nữa là cả trăm nhà khoa học trẻ ở các Viện, các đại học cũng đổ tâm huyết vào cây sâm này.
Nếu nói về giá trị khoa học, đo lường qua việc các nghiên cứu cùng phối hợp với các nhà khoa học uy tín quốc tế để công bố các bài báo trên những tạp chí y - dược uy tín của thế giới, có thể kể đến các tác giả Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Thị Thu Hương. Trong đó, đề tài của GSTS Nguyễn Minh Đức liên quan đến chất MR2 có trong sâm Ngọc Linh hiệu quả trong việc khống chế tế bào ung thư, hay PGSTS Nguyễn Thu Hương phối hợp với một phòng LAP ở Nhật tìm ra dược chất chống trầm cảm trong sâm Ngọc Linh…
GSTS Nguyễn Minh Đức chia sẻ: Sâm Ngọc Linh tốt và quý lắm. Nhưng tốt và quý để làm gì nếu nó không giúp cho con người, mà cụ thể ở đây là người Việt được hưởng lợi từ nó? Muốn người Việt hưởng lợi từ cây sâm Ngọc Linh, việc trước tiên là phải trồng được nó thật nhiều. Hàn Quốc một năm thu hoạch được 30.000 tấn nhân sâm, mang lại hiệu quả to lớn cho người Hàn. Còn chúng ta, theo ước tính của tôi, chỉ tầm vài tấn là cùng.
Có tiếp xúc với các nhà khoa học nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh, mới thấy ai ai cũng đau đáu nỗi niềm như GSTS Nguyễn Minh Đức. Đó không chỉ là công việc của họ, mà cả một chữ TÌNH với dân với Nước.
Một nhà nghiên cứu trẻ đang săm soi chụp ảnh chùm hạt sâm Ngọc Linh
Chữ Tình của doanh nhân
Trong ba ngày 17-19/9/2022, Công ty sâm Ngọc Linh K5 Kon Tum tổ chức một sự kiện mang tên Về nguồn, mời các nhà khoa học từ Nam chí Bắc đã và đang nghiên cứu sâm Ngọc Linh về Kon Tum "hưởng thụ". Họ đưa các nhà khoa học đi lên núi Ngọc Linh tham quan vườn sâm của mình ở độ cao 2000m, đưa đi tham quan Măng Đen, chia sẻ những câu chuyện về nghiên cứu sâm Ngọc Linh…
Họ còn mời cả các doanh nghiệp "đối thủ" ở phía Quảng Nam cùng đến với ngày hội Về nguồn này. Ông Nguyễn Đức Lực - chủ doanh nghiệp Sâm Sâm đến từ Quảng Nam chia sẻ: Tôi rất cảm phục cách làm của sâm K5. Tham dự chuyến đi này, tôi thật lòng cám ơn K5 vì giúp tôi được làm quen với tất cả các nhà nghiên cứu sâm Ngọc Linh, từ già đến trẻ. Họ cũng không hề giấu diếm gì, dù nói theo cách nào đó, chúng tôi là "đối thủ". Rõ ràng, đây là do một chữ Tình - Một chữ Tình từ cây sâm Ngọc Linh, với mong muốn nó phát triển để tất cả mọi người cùng hưởng lợi - qua đó nước nhà được lợi.
Ông Trần Văn Hảo - TGĐ Sâm Ngọc Linh thì tâm sự: Sâm Ngọc Linh đã có những bước phát triển đáng kể. Trong đó, dễ thấy nhất là chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác phần nào ăn nên làm ra; nhiều người dân Xơ Đăng cũng khấm khá. Ví dụ như ở Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) ở sườn phía Tây núi Ngọc Linh này, có A Sỹ trồng sâm trước cả chúng tôi, dù bây giờ quy mô của anh không lớn bằng, nhưng mỗi năm cũng thu lợi hàng chục tỷ đồng từ việc bán hạt giống.
Phần nào đã sống được như vậy thì mình phải đền ơn đáp nghĩa đến đội ngũ các nhà khoa học chứ. Đã có người đã giã từ trần thế mà chưa thấy được những thành quả của sâm Ngọc Linh như GSTS Nguyễn Thế Nhâm. Còn lại, Dược sĩ Đào Kim Long cũng đã 84 tuổi rồi. Các GSTS như ông Nguyễn Minh Đức, Trần Công Luận, Dương Tấn Nhật …cũng đã ngoài 70. Doanh nghiệp như chúng tôi phải làm cuộc Về nguồn đền ơn đáp nghĩa này. Và cũng qua đó, chúng tôi cũng mời tất cả các nhà khoa học trẻ tham dự, với hy vọng họ sẽ nhận "lửa" từ các thầy…
Ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ - khách mời của chương trình, giữa vườn sâm trên núi Ngọc Linh
Chữ Tình với người Xơ Đăng
Hồ Văn Thái là người dân dân tộc Xơ Đăng sống bên phía Trà Linh, thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tức là phía Đông dãy núi Ngọc Linh. Anh yêu và lập gia đình với một cô gái Xơ Đăng ở phía Tây Ngọc Linh, thuộc Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Vợ Thái là một giáo viên, có công ăn việc làm nhà nước nên anh phải sang đây theo vợ, và mình thì vào làm việc cho Sâm Ngọc Linh K5.
Thái cho biết lương hàng tháng của anh là 3 triệu đồng: Chừng ấy là tốt lắm rồi, vì mình còn được công ty tạo điều kiện cho giống, và trồng cũng được ngàn cây. Bây giờ vườn của mình cũng được 3 năm rồi, bắt đầu ra hoa rồi.
Cây sâm Ngọc Linh trồng tầm 3 năm thì ra hoa kết trái. Chỉ cần mỗi cây cho tầm 50 hạt thì họ có 50.000 hạt/mùa. Lấy con số ấy nhân lên với 150 ngàn đồng/hạt thì ra một con số không nhỏ: 7,5 tỷ đồng!
Thế giữa rừng núi mênh mông như thế này, có sợ mất trộm không? Hồ Văn Thái cho biết: "Có chứ, nhưng hiếm lắm. Thứ nhất, người dân ở đây không dám lấy trộm đâu. Vì ai cũng có phần mà. Tham hơn là không được đâu, làng có hương ước đấy, phạt nặng lắm đấy. Thứ hai, nếu người ngoài vào đây thì không dễ biết đường đâu, vào là người dân biết liền. Nhưng ở đây sợ nhất một thứ, đó là chuột! Chuột nó ăn trái sâm Ngọc Linh, con to thì ăn cả củ".
Doanh nghiệp đã chia sẻ với người dân bản địa. Người dân sống được thì doanh nghiệp mới sống được. Cả hai cùng dựa vào nhau mà phát triển cây sâm Ngọc Linh, bảo vệ vườn sâm, và chia nhau thành quả. Hôm ấy, Công ty sâm Ngọc Linh K5 cũng trao 10.000 cây giống cho bà con Xơ Đăng khó khăn ở huyện Tu Mơ Rông!
"Về nguồn" là chương trình do Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 phối hợp cùng UBND tỉnh Kon Tum tổ chức từ ngày 17-09 đến ngày 19-09, nhằm tôn vinh và tri ân những nhà nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh. Có thể nói, sự kiện là cuộc gặp mặt lịch sử của gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu tên tuổi trong các lĩnh vực liên quan đến cây sâm Ngọc Linh.
Theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh, đây không chỉ là cơ hội giúp những nhà nghiên cứu, nhà khoa học giao lưu và chia sẻ về Sâm Ngọc Linh, giúp các quan khách hiểu hơn về loài sâm quý này; mà còn là dịp để thương hiệu vừa giới thiệu nguồn gốc và giá trị của Sâm Ngọc Linh, vừa tri ân và bày tỏ sự biết ơn của mình vì những đóng góp mà các nhà nghiên cứu đã mang lại.
"Sự hình thành và phát triển của vùng Sâm Ngọc Linh cùng Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum từ ngày đầu cho đến nay chịu ảnh hưởng và có sự đóng góp vô cùng lớn của các nhà khoa học. Thay mặt Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, tôi xin tri ân, cảm ơn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phát hiện và công bố sâm Ngọc Linh - những người đã cung cấp cơ sở khoa học và tạo động lực cho sự hình thành và phát triển của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum", ông Hoàn nhấn mạnh.
Với cách tổ chức được các nhà khoa học đánh giá là chuyên nghiệp, bài bản, có đầu tư, "Về nguồn - Về với "Quốc bảo Việt Nam" đã đưa đoàn tham quan vườn Sâm Ngọc Linh rộng hàng ngàn héc ta, hiểu thêm về nguồn gốc cũng như quá trình hình thành và phát triển đặc biệt của loài sâm này, và trải nghiệm nhiều các chế phẩm chiết xuất từ Sâm Ngọc Linh chất lượng, có lợi cho sức khỏe. Trên con đường xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành ‘Quốc bảo-Quốc kế dân sinh", theo các nhà khoa học, rất cần đến những doanh nghiệp làm ăn bài bản, biết nghĩ và biết làm bền vững. - M.H
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận