Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ quản lý nào tại Ngân hàng SCB nhưng lại là người có "quyền lực tuyệt đối"chi phối toàn bộ hoạt động, sắp xếp "đàn em thân tín" vào các vị trí chủ chốt của nhà băng này, từ đó thao túng lập khống hồ sơ vay để chiếm đoạt hơn 304 ngàn tỉ.
Tiếp tay cho bà Lan là một số người thân, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, dàn lãnh đạo SCB qua nhiều thời kỳ và cả các cán bộ trong đoàn thanh tra nhận hối lộ hoặc quà "lót tay" số tiền đặc biệt lớn để bưng bít sai phạm.
Thành lập ba đơn vị thuộc SCB chỉ để "bơm tiền" cho Vạn Thịnh Phát
Tham vọng sở hữu một ngân hàng nhằm huy động tiền gửi rồi "rút ruột" và "bơm" vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan bắt đầu từ trước năm 2011 khi nữ doanh nhân này rải người mua gom 80-98% cổ phần của ba ngân hàng.
Chỉ một năm sau, ba nhà băng này được hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vốn điều lệ ban đầu hơn 10.000 tỉ. SCB có một hội sở, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Vì Ngân hàng Nhà nước quy định một cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng, bà Lan chỉ đứng tên hơn 4,9% vốn điều lệ, hơn 80% còn lại nhờ 73 cổ đông đứng tên.
Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát
Bà Lan cùng 85 bị can trong vụ án bị Viện kiểm sát truy tố ra Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử.
Viện kiểm sát cáo buộc bà Lan đã chi phối Ngân hàng SCB biến thành "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với số tiền hơn 1 triệu tỉ, trong khi đa phần hồ sơ vay bị lập khống, quy trình vay không đúng quy định.
Đến năm 2022, chủ tịch Vạn Thịnh Phát sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân trong và ngoài nước cùng các cá nhân đứng tên giúp, cáo trạng nêu.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt của ngân hàng. Các vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, lãnh đạo SCB nhiều thời kỳ đều do bà Lan tuyển chọn, sắp xếp từ các "đàn em thân tín" tại Vạn Thịnh Phát hoặc công tác lâu năm tại ngân hàng.
Họ được tin dùng vì "biết nghe lời", làm theo chỉ đạo của bà Lan và được trả lương 200 - 500 triệu đồng/tháng, thưởng tiền cổ phần.
"Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các lãnh đạo chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính huy động tiền gửi và vốn từ các hoạt động khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách lập khống nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân", viện kiểm sát cáo buộc.
Để rút được tiền từ ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, đồng thời thuê và sử dụng hàng ngàn cá nhân "câu kết chặt chẽ với nhau", thông đồng với các công ty thẩm định giá nhằm triển khai lập hồ sơ khống vay tiền và giải ngân.
Đáng chú ý, để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, từ năm 2020, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo "hai cánh tay đắc lực" là Đinh Văn Thành (chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (tổng giám đốc) thành lập ba đơn vị cho vay trực thuộc nhà băng này.
Ba đơn vị được thành lập gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, theo cơ quan truy tố, cả ba đơn vị trên được lập ra nhằm mục đích "bơm tiền" cho "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát, chỉ để phục vụ cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Ba đơn vị trên có chức năng cho vay như các chi nhánh Ngân hàng SCB nhưng không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay với các khoản vay của Vạn Thịnh Phát, cáo trạng nêu.
Chỉ trong hai năm (tháng 6-2020 đến tháng 6-2022) ba đơn vị trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay của Vạn Thịnh Phát với dư nợ gần 213 ngàn tỉ. Số tiền này chiếm hơn 38% tổng dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan tại SCB.
Hàng ngàn tỉ cho vay trước, thực hiện thủ tục sau
Mỗi khi cần tiền, nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo SCB tập trung tại tòa nhà Times Square để họp đưa ra các phương án lập khống hồ sơ vay tiền chứ không làm việc tại trụ sở ngân hàng.
Dưới "quyền lực tuyệt đối" của bà Lan, dàn lãnh đạo SCB phải phân công nhau nhiệm vụ để các khoản vay được giải ngân.
Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo "thân tín" tại SCB phối hợp với nhân viên Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống giải ngân các khoản vay.
Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo chủ chốt ngân hàng câu kết tạo lập hồ sơ, phương án vay khống để hợp thức.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo thuộc cấp đưa đại diện các công ty "ma", các cá nhân được thuê đứng tên khoản vay đến SCB ký vào các hồ sơ vay khống.
Theo cáo trạng, hầu hết hồ sơ vay được đưa cho những người do Vạn Thịnh Phát thuê đến đều là giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Sau đó nhóm lãnh đạo SCB sẽ "phù phép" các giấy tờ ký khống này thành hồ sơ vay vốn rồi giải ngân tiền cho Vạn Thịnh Phát. Những người này đều không được sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn.
Đa phần các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB đều được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.
Trong gần 1.300 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có gần 700 khoản vay dư nợ hơn 382 ngàn tỉ chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại thì tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.
Để hợp thức hồ sơ rút được tiền từ SCB, chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm còn dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào thế chấp.
Theo cáo trạng, quá trình tạo lập các hồ sơ vay vốn để rút tiền ngân hàng, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã đưa 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là hơn 1,2 triệu tỉ.
Cuốn sổ ghi chép về những lần chuyển tiền
Kết quả điều tra xác định, với các thủ đoạn trên, từ 2012 đến tháng 10-2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm Vạn Thịnh Phát ( hơn 1.000 khoản cho cá nhân, gần 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỉ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn.
Đến thời điểm trước khi khởi tố vụ án, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay với dư nợ hơn 677 ngàn tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong số tiền rút khỏi SCB, từ tháng 2-2019 đến 9-2022, lái xe riêng đã chở 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu USD từ nhà băng này về thẳng nhà riêng Trương Mỹ Lan hoặc trụ sở Vạn Thịnh Phát, hoặc đưa cho một số người theo chỉ đạo của nữ doanh nhân này.
Cụ thể, khi cần tiền mặt để sử dụng, Trương Mỹ Lan yêu cầu lãnh đạo SCB chỉ đạo một số chi nhánh lớn xuất tiền dưới hai hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại Ngân hàng SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty "ma", cá nhân trong nhóm.
Nhóm cán bộ, lãnh đạo SCB xuất tiền theo một quy trình có sẵn bất chấp các quy định pháp luật rồi giao cho Bùi Văn Dũng - lái xe riêng của chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Sau đó, Dũng vận chuyển tiền về nhà cho Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood, 127 Pasteur, quận 3, TP.HCM.
Tại tòa nhà trên, Dũng giao cho Trần Thị Hoàng Uyên - trợ lý của chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Uyên theo chỉ đạo của bà Lan giao tiền cho những người đến nhận.
Hoặc có những chuyến xe chở tiền thẳng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) để giao cho Trương Mỹ Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của nữ doanh nhân này.
Kết quả điều tra xác định sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý Trương Mỹ Lan) từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng đã vận chuyển tiền từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu USD.
Số tiền mặt trên được rút ra khỏi SCB không chỉ từ khoản vay tín dụng của ngân hàng mà còn có nguồn từ phát hành trái phiếu. Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Theo cáo trạng, số tiền trên được bà Lan sử dụng để trả nợ tiền mua bất động sản, mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Theo cáo trạng, tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động của người dân và các tổ chức khác hơn 673 ngàn tỉ, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511 ngàn tỉ.
Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713 ngàn tỉ. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB. Kết quả kiểm toán độc lập xác định nhà băng này âm vốn chủ sở hữu 443,7 ngàn tỉ, lỗ lũy kế 464,5 ngàn tỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận