29/06/2022 14:23 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Không phải huyện lên thành phố là giống mô hình Thủ Đức'

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc đưa huyện thành quận hoặc thành phố cần lộ trình dài hạn, không phải năm 2022 bàn thì năm 2023 các huyện lên quận. Cũng không phải huyện lên thành phố thì sẽ giống như TP Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Không phải huyện lên thành phố là giống mô hình Thủ Đức - Ảnh 1.

Phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Sáng 29-6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - đánh giá các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 24,9 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỉ đồng, đạt 61% dự toán năm và tăng 17% so với cùng kỳ.

Không phải năm 2022 bàn thì năm 2023 các huyện lên quận hoặc thành phố ngay

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm phục hồi nhanh, khá toàn diện, cơ bản đạt được mức trước dịch.

6 tháng cuối năm, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở ban ngành, các địa phương tập trung thực hiện 12 giải pháp. Trong đó, ông Mãi yêu cầu quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết HĐND TP đề ra, đảm bảo thu chi ngân sách của TP.

Đồng thời rà soát 49 nội dung chương trình đề án trong 3 chương trình đột phá của TP. Quyết tâm đến tháng 10 này, tất cả đề án phải đưa vào triển khai thực hiện, không nằm trên giấy nữa. Ông Mãi cũng đề nghị quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch kinh tế - xã hội, rà soát bổ sung quy hoạch chung TP và TP Thủ Đức.

Về đề án chuyển các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM, theo ông Mãi, đây là vấn đề có lộ trình dài hạn.

"Chứ không phải năm 2022 chúng ta bàn thì năm sau các huyện này sẽ lên quận hoặc thành phố. Cũng không phải TP Thủ Đức lên thành phố trực thuộc TP.HCM thì các huyện cũng sẽ có mô hình như Thủ Đức. Đề án đang xây dựng, đừng để chưa chuyển huyện lên quận hoặc thành phố thì giá đất đã bị đẩy quá cao", ông Mãi nói.

6 tháng cuối năm, TP sẽ quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công, đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt chỉ tiêu. Từng dự án phải có tiến độ, có sự kiểm tra, giám sát thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc.

TP đang trình HĐND điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2022. Các sở ngành, quận huyện rà soát lại các dự án, dự án nào đủ điều kiện giải ngân ngay trong năm thì bổ sung vào kế hoạch đầu tư công này. Trong đó tập trung những dự án trọng điểm như nhà ở, chống ngập, giao thông, trung tâm tài chính…

Tập trung rà soát các dự án lớn để thực hiện

Về vấn đề giáo dục, ông Mãi yêu cầu ngành giáo dục hoàn thiện chiến lược giáo dục trong quý 3. Trước mắt chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, các hoạt động hè và năm học mới. Vấn đề học phí, trước mắt TP sẽ sửa đổi mức học phí theo quy định nhưng sẽ chưa tiến hành thu trong năm học 2022-2023, sẽ tiếp tục hỗ trợ học phí cho các em.

Về vấn đề y tế, người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu hoàn thiện và tiếp tục triển khai chiến lược y tế sau phục hồi kinh tế - xã hội, tập trung phòng chống dịch COVID-19 với biến thể mới, triển khai tiêm vắc xin mũi 4 cho người dân, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tháng 7 này TP sẽ đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm, thực hiện mua sắm thuốc men, vật tư y tế đảm bảo nhu cầu của người dân…

Ngoài ra, ngành lao động có trách nhiệm đề xuất các chính sách chăm lo cho người lao động, bảo vệ người yếu thế trước biến động giá cả trong thời gian tới...

Cũng theo chủ tịch UBND TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, TP sẽ tập trung rà soát những dự án lớn để nghiên cứu thực hiện. "Như khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa mấy chục năm nay rồi có thực hiện nữa không, cần nghiên cứu, tổ công tác bàn cách tiếp cận như thế nào để triển khai. Hay đến năm 2025 cơ bản xóa được nhà ở ven kênh rạch, năm 2030 khép kín các tuyến metro... Nếu với cách tiếp cận như hiện nay vẫn rất khó. Chúng ta phải xác định lộ trình", ông Mãi nói.

Bên cạnh đó, chủ tịch UBND TP.HCM cũng có các chỉ đạo cụ thể cho ngành du lịch, vấn đề lao động, nguồn nhân lực, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hoạt động đối ngoại, văn hóa xã hội, môi trường...

Đưa ra các chương trình bình ổn giá

Đưa ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng tình hình giá cả biến động ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, bà đề nghị lãnh đạo UBND tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về giá cả và triển khai các chương trình bình ổn thị trường với các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, quan tâm giải quyết tồn tại trong việc thực hiện các gói an sinh.

Bên cạnh đó, bà cho rằng giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phục hồi kinh tế, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án, trong đó có dự án vành đai 2.

"Chúng ta vui mừng khi được thông qua vành đai 3 nhưng còn nợ người dân khi chưa hoàn thành dự án vành đai 2", bà Lệ nói.

Về chương trình phát triển nhà ở xã hội, bà Lệ đề nghị UBND TP quan tâm, tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án nhà.

GDP quý 2-2022 tăng hơn 7,7%, cao kỷ lục 10 năm GDP quý 2-2022 tăng hơn 7,7%, cao kỷ lục 10 năm

TTO - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2-2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp