Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu trong phiên thảo luận chiều 11-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu thực tế tại phiên thảo luận chiều 11-7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX.
HĐND TP dành cả buổi chiều để báo cáo kết quả giám sát việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của HĐND, từ năm 2012 đến tháng 11-2017, UBND TP đã rà soát 1.269 dự án với tổng diện tích 18.930 hecta đất, đã xử lý điều chỉnh cắt giảm quy mô, diện tích đối với 10 dự án với tổng diện tích cắt giảm 33,84 ha; đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577dự án (chiếm tỉ lệ 45,5%), với tổng diện tích là 5.915,1 ha đất...
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét rằng qua báo cáo cho thấy tài nguyên đất của TP.HCM không phải không có, nhưng có giai đoạn việc quản lý bị buông lỏng. Cho nên có khi TP cần xây dựng công trình phúc lợi, nhưng vẫn loay hoay vì chưa có đất, thậm chí phải quy hoạch vào những khu vực dân cư để giải tỏa đền bù…
Đại biểu Khuê đề nghị đưa vào chương trình giám sát năm 2019 việc giám sát mặt bằng kho bãi, nhà xưởng hiện nay đang sử dụng chưa đúng mục đích, cần giám sát để đưa đất vào việc xây dựng các công trình công cộng.
Đặc biệt, còn hơn 1.000ha đất và hơn 1.000 căn hộ chung cư chưa thống kê đầy đủ.
Kỳ họp dành gần như toàn bộ thời gian buổi chiều 11-7 để thảo luận về việc quản lý sử dụng đất, trọng tâm là đất công - Ảnh: TỰ TRUNG
Cam kết triển khai nhanh dự án ở Thanh Đa
Về dự án Thanh Đa, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu: "Thay mặt UBND TP, tôi xin chia sẻ khó khăn với người dân trong vùng dự án. Tôi cũng đã thấy được những bức xúc của bà con nơi này".
Ông kể khi còn là đại biểu Quốc hội quận Bình Thạnh và Phú Nhuận đã nghe bức xúc của bà con về dự án này, nay quay trở lại công tác ở TP thì thấy vẫn chưa có chuyển động gì đáng kể.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định đã mời nhà đầu tư lên, đề nghị phải thực hiện cam kết nếu không sẽ thu hồi dự án. Họ cam kết sẽ tiếp tục triển khai. Ông Phong cho biết các ngành của TP sẽ thẩm định chặt chẽ lời cam kết này của doanh nghiệp.
Trước đây, Thủ tướng đồng ý về việc nhà đầu tư thực hiện dự án Thanh Đa là một liên danh gồm 1 đơn vị trong nước và 1 đơn vị nước ngoài. Sau đó nhà đầu tư nước ngoài rút đi, liên danh tan vỡ, bây giờ TP phải xin ý kiến Thủ tướng có cho nhà đầu tư này tiếp tục triển khai hay không nên thủ tục kéo dài.
"Tôi cam kết với đại biểu, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo triển khai nhanh việc này, triển khai được không cũng giải quyết dứt điểm chứ không thể để thế này nữa. Bởi đặt mình trong cảnh người dân sẽ thấy được nỗi khổ của dân, không chỉ dự án này mà còn những dự án khác…", ông Phong nói.
Công viên Phú Lâm cho thuê tới 37% diện tích
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng tổng thể đất dành cho công viên cây xanh chưa cân bằng. Ở các vùng ngoại thành, đất công viên chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích.
Một thực trạng nữa được cử tri quan tâm là việc hầu hết công viên trên địa bàn TP có các loại hình kinh doanh, khai thác dịch vụ khác. Dẫn chứng như công viên Phú Lâm có 37% diện tích đất kinh doanh, dịch vụ khác, công viên Lê Thị Riêng 20%, Tao Đàn 8%.
Theo bà Nhung, hiện TP vẫn chưa có quy hoạch chi tiết cho công viên hoặc những quy hoạch hiện không còn phù hợp với thực tế. Ngoài ra, công tác quản lý cho thuê công viên chưa chặt chẽ, không đúng quy định đấu thầu, pháp luật.
"Cử tri mong muốn TP cần có quy hoạch chi tiết công viên, tổng rà soát tình trạng lấn chiếm các mặt bằng công viên trên địa bàn TP để trả lại không gian công viên, cây xanh cho người dân", bà Nhung nêu ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận