Ông Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân thuộc diện di dời ra khỏi di tích kinh thành Huế tại khu tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế) - Ảnh: NHẬT LINH
Một người lãnh đạo phải biết hạnh phúc của người dân là mục tiêu và nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Nếu kiên định mục tiêu đó, mọi khó khăn, thách thức đều sẽ vượt qua.
Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ
Câu chuyện ông Phan Ngọc Thọ không tiếp tục làm chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ tới 2021 - 2026 vì không đáp ứng quy định về tuổi tác khiến nhiều người dân luyến tiếc, bởi dưới thời ông, nhiều chủ trương, chính sách đã và đang thực hiện hứa hẹn mang đến bộ mặt, giá trị mới "có chút gì rất Huế".
Trong kỳ Quốc hội đang nhóm họp, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi để lắng nghe những chia sẻ của ông trong vai trò chủ tịch tỉnh, vai đại biểu và cả một hành trình xây dựng "Giấc mơ Huế" đã và đang được chính ông và cộng sự gầy dựng, ươm mầm...
Khi được hỏi liệu "Giấc mơ Huế" có dở dang khi ông không còn là "thuyền trưởng", ông Thọ tâm tình: "Tôi vẫn tiếp tục hành trình xây dựng giấc mơ Huế với tư cách một người dân, một trong những lãnh đạo của tỉnh.
Hạnh phúc của người dân là điều mà bất cứ một nhiệm kỳ, cá nhân lãnh đạo nào cũng đều phải hướng tới. Quan điểm đó cũng xuyên suốt trong chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Hành trình "Giấc mơ Huế" sẽ tiếp tục...".
Đối thoại với dân - phương thức giảm tiêu cực, phiền hà
* Nhìn lại nhiệm kỳ đã qua, trong vai trò là người đại biểu Quốc hội kiêm trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, ông thấy mình đã làm được gì?
- Phải nói rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế đã thực hiện đúng vai trò đại biểu nhân dân, đã nói lên tiếng nói của mình trước diễn đàn Quốc hội, đoàn cũng đã tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, các dự án lớn mang tầm quốc gia.
Đặc biệt, nguyện vọng của nhân dân được chuyển đến lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, Đảng và Nhà nước. Đơn cử, dự án di dân khu vực kinh thành Huế, từ một dự án tưởng chừng khó khăn, không thể thực hiện bởi quy mô di dân quá lớn, số tiền bỏ ra vượt quá tầm của tỉnh.
Thông qua Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nghe, chia sẻ và nắm tình hình. Từ đó, những đoàn công tác đã về tận nơi, nghe, thấy nguyện vọng chính đáng của người dân, chính quyền địa phương và có sự hỗ trợ lớn về chính sách, kinh phí, giải phóng mặt bằng.
Nhờ vậy, cuộc di dân kinh thành Huế đã khởi động tốt, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, bảo vệ di sản, tạo cảnh quan môi trường để phát triển du lịch.
* Trong thời gian làm đại biểu, có vụ việc gì ông đã giải quyết ngay lập tức, được người dân đồng thuận?
- Tôi còn nhớ trong cuộc tiếp xúc với cử tri chợ Đông Ba, do dịch bệnh kéo dài nên khách hàng giảm sút nghiêm trọng.
Do đó, bà con muốn tạo điều kiện để được giảm tiền thuê mặt bằng, chúng tôi cùng lãnh đạo TP Huế đồng ý giảm ngay 50% tiền thuê mặt bằng trong năm 2019. Bà con rất phấn khởi, họ thấy nguyện vọng của mình đáp ứng ngay ở phiên đối thoại.
* Thời gian qua, những cuộc tiếp xúc cử tri thường có thêm lãnh đạo các sở ngành, ý ông muốn ở đây là gì?
- Tôi muốn có sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, đặc biệt các cơ quan tham mưu, cần lãnh đạo các sở, ngành tham dự.
Khi họ nghe trực tiếp những kiến nghị, đề xuất của cử tri, bản thân họ phải tìm cách tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lựa chọn những giải pháp tối ưu đáp ứng nguyện vọng của dân.
Ví dụ tôi đã tiếp xúc 1.200 hộ ở kinh thành Huế để công bố chính sách, chủ yếu là lắng nghe nhằm giải quyết vướng mắc.
Có những vấn đề dân nói ra do họ chưa hiểu hết pháp luật hoặc do chính quyền các cấp chưa giải thích hết, khi trao đổi chớp nhoáng ngay tại chỗ, được hay không được trả lời ngay.
Việc đối thoại trực tiếp để công khai chính sách, cơ chế, trả lời trực tiếp người dân là phương thức minh bạch, giảm bớt tiêu cực, phiền hà, lòng vòng như bấy lâu nay gặp phải.
* Ông cảm thấy như thế nào khi kiến nghị của dân được giải quyết ngay tại chỗ?
- Là lãnh đạo, ai cũng muốn có những cuộc đối thoại thành công. Có cuộc đối thoại đông cả 1.200 người nhưng đến nửa buổi còn chừng phân nửa, tôi rất ngạc nhiên, sau đó hỏi lại thì ra những điều đặt ra đã thỏa mãn nên họ về.
Có những câu trả lời của tôi bị ngắt quãng bởi tràng pháo tay của người dân, tại vì họ cảm thấy thỏa mãn. Dĩ nhiên, việc đối thoại, giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có những nhu cầu, nguyện vọng dân cần phải có thời gian nghiên cứu, do vướng mắc lịch sử sử dụng đất đai, không thể vượt rào thẩm quyền của tỉnh.
Song phải trả lời cụ thể, thỏa đáng cho dân, được hay không được còn phụ thuộc vào tính chất pháp lý nhưng phải trả lời cho dân hiểu là trách nhiệm của chính quyền. Chưa được, không được cũng phải trả lời cho người dân biết.
Ông Phan Ngọc Thọ mặc áo dài ngũ thân tham dự sự kiện ra mắt “Tủ sách Huế”. Việc chủ tịch tỉnh tiên phong mang áo dài tham dự các sự kiện cũng nằm trong kế hoạch khuyến khích công chức, người dân Huế mang áo dài - Ảnh: NHẬT LINH
Còn rất nhiều điều trăn trở...
* Ông thấy điều gì ông vẫn còn nặng nợ, chưa làm được cho cử tri?
- Dĩ nhiên, trong cuộc đời làm lãnh đạo, những vấn đề giải quyết bức xúc, những nguyện vọng của người dân còn rất nhiều, vì điều kiện kinh tế, quy định... bản thân chính quyền hiểu rõ chưa thể giải quyết ngày một ngày hai, song người dân bao giờ cũng mong muốn việc của họ được giải quyết nhanh.
Do đó trăn trở của chúng tôi là làm cho dân hiểu, nguyện vọng chính đáng của người dân phải được đáp ứng. Điều này vô cùng khó bởi góc nhìn quản lý và người dân khác nhau, nhưng làm sao để đối thoại, trao đổi, đi đến cái chung vừa đảm bảo quy phạm pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Rõ ràng vẫn còn những vấn đề mà chúng tôi chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân, song việc giải quyết những vấn đề này là công việc liên tục từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ sau, lãnh đạo kế tiếp phải tiếp tục công việc của họ như tôi đã từng làm và người dân có quyền đòi hỏi chuyện đó.
* Trong nhiều điều còn bỏ ngỏ đó, điều gì khiến ông thấy còn trăn trở?
- Rất nhiều, đặc biệt là tạo việc làm cho người dân, giảm người nghèo bởi Thừa Thiên Huế vẫn còn 3,6% người nghèo, cao hơn trung bình cả nước. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh cũng hết sức quan trọng.
Kế đến là thanh niên Huế học giỏi, có chí, tốn bao nhiêu tiền của để học đại học nhưng khi ra trường lại không có điều kiện làm việc đúng chuyên môn, ngành nghề tại quê hương khiến dân bức xúc.
Do đó, cần phải phát triển để có những nhà máy, cơ sở nghiên cứu cho con em có công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là những vấn đề tôi rất trăn trở.
* Điều gì ông thấy mình góp ý ở Quốc hội đã được tiếp thu thành công, tạo nên sự lan tỏa?
- Ví dụ như phong trào nói không với túi nilông, rác thải sử dụng một lần mà Huế là địa phương đi đầu. Chai thủy tinh thay thế chai nhựa trong các cuộc họp, tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên sử dụng đã lan tỏa ra toàn quốc, kể cả hội trường Quốc hội.
Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi thấy Quốc hội sử dụng chai như Huế sử dụng để thay cho chai nhựa. Nếu tôi không làm trưởng đoàn chưa chắc lan tỏa, có mình ở đó mình cổ xúy, người ta thấy Huế làm được thì những nơi khác cũng triển khai, làm được.
Hoặc như mô hình trung tâm phục vụ hành chính công là mô hình từ Thừa Thiên Huế, trong đó điển hình các cơ quan trung ương phải có người đại diện ở đó tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho chủ tịch tỉnh giám sát các thủ tục phát sinh trên địa bàn.
Chính phủ đã tiếp thu sau khi tôi phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan để nhân rộng mô hình đó phục vụ người dân tốt hơn.
"Giấc mơ Huế" do người dân Huế tạo dựng
* "Giấc mơ Huế" được ông thai nghén từ khi nào? Tại sao đến khi lên chủ tịch mới thực hiện?
- Người dân Huế đang làm giấc mơ Huế, tôi chỉ là người tổng kết tất cả những gì người dân Huế đang làm. Giấc mơ Huế không có gì xa vời, đó là xây dựng một xã hội bình yên, người dân có cuộc sống sung túc và chính quyền thân thiện.
Những gì người dân đã tạo dựng trong những năm gần đây, đó là từng bước tạc nên một giấc mơ Huế, là cả một hành trình mà chính quyền định hướng, chính quyền tạo điều kiện và người dân thực sự làm chủ cuộc chơi, người dân xây nên những giấc mơ của họ.
Quan trọng là làm cho người dân thấy chính quyền luôn hướng về người dân thông qua nhiều đề án có tính cộng đồng và mang lại lợi ích, phúc lợi cho người dân cao.
* Vì sao ông lại chọn thực hiện "Giấc mơ Huế" từ những người đạp xích lô, người lái taxi...?
- Như tôi đã nói giấc mơ Huế không có gì xa vời, giấc mơ Huế do người dân Huế tự tạo dựng. Người dân Huế là ai, là những người lao động bình thường nhất, những người lao động phổ thông, là những học sinh, những cụ già, những em bé... không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, tất cả mọi người đều tạo ra một giấc mơ Huế, giá trị Huế.
Cho nên, tôi tiếp xúc nhiều tầng lớp xã hội để nghe họ nói gì về Huế. Nghe họ tự hào gì về quê hương của mình, nghe họ làm gì, chính quyền làm gì để chính quyền và người dân thân thiện hơn, gần gũi hơn và tôi nghĩ đây là một nền tảng, sức mạnh rất quan trọng để xây dựng, tạo lập giấc mơ Huế.
* Ông có kế hoạch gì tiếp tục "Giấc mơ Huế"?
- Giấc mơ Huế là một hành trình lâu dài, do đó còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc tôi còn đau đáu là quy tụ những người Huế xa quê, trở về cống hiến cho Huế. Đây là nguồn chất xám rất quan trọng mà bấy lâu nay nhiều khi chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tôi sẽ tổ chức gặp gỡ người Huế tại Hà Nội, TP.HCM, gặp gỡ những người đồng hương, người yêu Huế để nghe, chia sẻ về kinh nghiệm, hiến kế và đặc biệt có thể về Huế đầu tư và xem đây là những nguồn lực quan trọng cho Huế phát triển. Huế đi lên không thể thiếu bóng những người Huế xa quê và những người yêu Huế.
Không từ chối trách nhiệm người đứng đầu
* Với những vấn đề còn tồn tại, ông có thấy trách nhiệm người đứng đầu của mình hay không?
- Bao giờ người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm với tất cả yếu kém, bất cập trong quản lý xã hội.
Không ai có quyền từ chối trách nhiệm đó, tôi cũng vậy. Những yếu kém, còn tồn tại, những bức xúc của người dân chưa giải quyết xong là trách nhiệm của chủ tịch tỉnh và quan trọng là phải biết nhận diện những bất cập đó để có những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.
* Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên):
Đại biểu phải có lương tri và dũng khí
Để nói được tiếng nói của người dân, đại biểu Quốc hội phải có lương tri và dũng khí. Cái cốt lõi của một đại biểu Quốc hội là phải biết đặt tâm thế của mình vào người dân, khi anh đặt tâm thế đó, anh sẽ có dũng khí để lên tiếng.
Tất nhiên, người đại biểu muốn lên tiếng, họ phải có kiến thức, có sự quan sát, có trình độ nhất định và cái đó phải trau dồi mỗi ngày. Bên cạnh đó, khi đặt tâm thế vào người dân, mình sẽ có góc nhìn sắc hơn, đa diện hơn khi lên tiếng vì người dân và lợi ích hài hòa giữa các bên, đó là kỹ năng của người đại biểu.
* Đại biểu Hà Sỹ Đồng (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị):
Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Trong chương trình hành động của mình trước lúc ứng cử, chúng ta đã hứa trước cử tri là đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Cho nên, khi đã vào vai rồi thì phải xác định đây là nhiệm vụ chính, còn những nhiệm vụ khác sẽ thực hiện ở những vị trí khác.
Khi đã bước vào nghị trường, đại biểu phải xác định đi họp Quốc hội là chăm lo đến vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Đồng thời, phản ánh trung thực nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Người đại biểu phải tách bạch vị trí của mình, không dĩ hòa vi quý, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và không ngại va chạm để góp ý, xây dựng tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận